Bắt đầu đợt 2 của Phiên họp thứ 9 (từ 22-25/3/2022), ngày 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Luật Kinh doanh bảo hiểm: Duy trì cả 2 quỹ là không cần thiết
Dự án luật này đã được đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2. Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Hai vấn đề lớn được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này là quy định về “bảo hiểm vi mô” và về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Tuy nhiên, để bảo đảm kết cấu chung của dự thảo Luật cũng như tính khả thi, đề nghị chỉ quy định nguyên tắc triển khai, đối tượng được triển khai và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
Liên quan Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, theo ông Vũ Hồng Thanh, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
“Việc duy trì đồng thời cả 2 quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết cơ quan thẩm tra thống nhất với quan điểm dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Bảo hiểm là vô cùng quan trọng. Cuộc sống mà không có bảo hiểm như đi cầu thang mà không có tay vịn. Quan điểm của Đảng luôn đẩy mạnh các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như ngân hàng, bảo hiểm, logistics, có thể cao hơn nhiều lần so với tốc độ GDP và cần phù hợp với môi trường kinh doanh số”.
Luật Điện ảnh: Phải được đầu tư xứng tầm
Theo Báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày, liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, một số ý kiến đề nghị cần có chính sách đột phá hơn về đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Có ý kiến đề nghị quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc tổ chức, tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim.
Hay quy định về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp thu và chỉnh lý theo hướng tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền hợp tác đầu tư với cơ sở điện ảnh của Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim theo quy định của pháp luật về đầu tư dưới hình thức: Thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn, trong đó phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% vốn điều lệ; Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Riêng nhà văn hóa, các tụ điểm chiếu phim, câu lạc bộ và hiệp hội chiếu phim công cộng, đội chiếu phim lưu động của Việt Nam không được phép tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh hay liên doanh với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý tại Phiên họp. |
Qua nghiên cứu, xem xét dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, chúng ta tiếp cận điện ảnh theo hai mặt: tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và công nghiệp văn hóa. Nếu coi đây là ngành kinh tế thì phải tuân theo quy luật kinh tế, nhưng đã là lĩnh vực văn hóa thì Nhà nước phải đầu tư, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn, giáo dục.
Song, theo Chủ tịch Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chưa bám sát yêu cầu này. Thực tế cũng cho thấy, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, điện ảnh còn rất thấp. Văn hóa chưa được đặt ngang tầm kinh tế, chính trị. Vậy để xứng tầm, ngành điện ảnh phải được quan tâm, đầu tư như thế nào? Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đầu tư cho điện ảnh còn là minh chứng để quán triệt, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với phát triển văn hóa.
Miễn thuế cho phạm nhân trong hướng nghiệp dạy nghề
Thẩm tra dự án Nghị quyết “Thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Ủy ban Tư pháp tán thành với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Bà Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội.
Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Trong dự thảo có nêu thu nhập của hoạt động hướng nghiệp dạy nghề được miễn thuế thu nhập. “Cần hiểu rõ ở góc độ miễn thuế ở đây là miễn thuế cho người lao động trong hướng nghiệp dạy nghề chứ không phải miễn thuế cho doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến.