Vấp ngã lớn của cuộc đời
Nhìn người đàn ông đứng dưới ao đang gỡ cá trong lưới để đưa ra chợ bán trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán không ai nghĩ đó là một người từng mang án tử vì ma túy. Giao cá cho khách đặt xong, ông mới vào trò chuyện với chúng tôi, ông hồ hởi bảo “Cá năm nay được mùa, cũng may vừa đúng dịp bán cho mọi người ăn tết kẻo ăn thịt nhiều quá lại béo”, ông cười tươi. Nhắc đến ông Võ Văn Bình (SN 1963, trú tại xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) cả vùng không ai không biết đến chuyện ông là người mang án tử hình về ma túy gần như đầu tiên của nơi này, rồi cũng là người đầu tiên trong vùng thoát án tử trở về làm ăn lương thiện.
Vừa tròn 18 tuổi, ông lập gia đình rồi sinh liền tù tì mấy người con, cuộc sống làm nông cũng vất vả nên ông chọn nghề buôn bán hàng chợ còn kiếm thêm đồng ra đồng vào. Từ buôn lợn, buôn gà vịt, quần áo, thuốc tây từ Hà Nội về rồi ngược núi lên Kỳ Sơn bán. Những chuyến hàng lấy công làm lãi vì đường sá xa xôi, vợ lại ốm yếu nên cũng chẳng dư giả được đồng nào mà còn túng thiếu.
Cũng không biết đến ma túy là cái gì, nghe người ta nói là chất gì đó nghiện, rồi được một người nhờ đưa từ Kỳ Sơn về xuôi mỗi lần 100 ngàn đồng mà hàng nhẹ tênh nên cũng đồng ý. “Một trăm ngàn thời đó to lắm, đang thiếu tiền lại có thêm đồng, nghĩ cũng chả có gì ghê gớm nên cứ thế mà làm cho đỡ buôn bán vất vả. Từ vài chuyến một tháng đến khi hàng đưa liên tục, số tiền công lúc đó lên đến cả 1 triệu đồng, từng đó tiền mua được cả căn nhà hay vài thửa đất, nhưng không ai nghĩ là tội ác mình gây ra”, ông Bình kể.
Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, trong một chuyến hàng về xuôi vào năm 1995, Võ Văn Bình bị công an bắt giữ khi vận chuyển ma túy và cái án phải nhận là tử hình. Đớn đau khi đứa con lớn chưa tròn 10 tuổi, đứa út mới hơn 3 tuổi, Bình phải đấu tranh từng ngày trong biệt giam chờ án tử hình. Mãi sau 3 năm vẫn chưa được thi hành án thì nghe thêm tin vợ cũng vì túng quẫn mà lao vào con đường ma túy và nhận án chung thân trong trại giam.
Ông Bình kể lại về cuộc đời |
Sinh ra lần thứ hai quyết làm người có ích
Nghĩ về những đứa con ngây dại bơ vơ càng khiến lương tâm Bình cắn rứt hơn bao giờ hết, đó mới là những giây phút hiểu được sự quý trọng của sự sống, Bình khao khát được trở về với gia đình. Bình viết đơn gửi Chủ tịch nước xin cơ hội sống làm người, năm 2001, Bình khóc nức nở khi được giám thị đọc tên mình trong số những người được giảm án từ tử hình xuống chung thân. Dẫu biết đường về còn xa lắm nhưng Bình lấy đó làm quyết tâm cho sự trở về của mình bởi đó là một dấu mốc cuộc đời, như chính mình được sinh ra thêm một lần nữa trên đời.
Từ khi được giảm án, với vốn liếng trong thời gian buôn bán thuốc tây của mình Bình được chuyển sang làm giúp việc cho bác sĩ Trại giam để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nặng. Bình hứa và quyết tâm để sớm được về đoàn tụ với con và gia đình mình, từ đó càng lao động, cải tạo một cách nghiêm túc hơn. “Cũng từ khi vào giúp bác sĩ chăm sóc những phạm nhân mắc bệnh trong trại mà chủ yếu là lao, HIV vì từng nghiện ma túy, tôi mới thấy được một phần do tôi đã tiếp tay hủy hoại họ vì lòng tham, vì sự kém hiểu biết của mình…”, ông Bình tâm sự. Sau 8 năm giúp bác sĩ chăm sóc các bệnh nhân, phát thuốc điều trị chăm chỉ, cần mẫn năm 2010, Võ Văn Bình được giảm từ án chung thân xuống 20 năm tù. Với hơn 15 năm ngồi tù, bản án có thời hạn 20 năm khi đó đối với Bình không còn quá dài, Bình càng phấn đấu hơn nữa để đường về nhà thêm một ngắn lại.
Hơn 18 năm cải tạo, năm 2013, Võ Văn Bình được xướng tên trong dịp đặc xá ra tù trước thời hạn trước niềm vui sướng vỡ òa. Ngày trở về quê, trước mắt mình là căn nhà xiêu vẹo đổ nát, cha mẹ già đã không chờ đợi được ông đã ra đi trước đó. Ba đứa con đã khôn lớn, may mắn được ông bà dạy bảo nên người, đó có lẽ là nguồn động viên duy nhất của ông lúc đó để làm lại cuộc đời.
Nói là làm lại cuộc đời nhưng mọi thứ thật không dễ dàng gì khi không có nghề nghiệp nào ổn định, hai bàn tay trắng, ngoài kia nhiều người vẫn nhìn ông với cái nhìn mỉa mai “kẻ đi tù”. Nhưng không vì thế mà ông lại để vụt mất đi những gì mình đã quyết tâm, đã hứa với lòng mình, hứa với bố mẹ, hứa với các giám thị trại giam, ông xin xã chuyển đổi thửa đất sát quốc lộ 15 để làm kinh tế.
Tiến hành đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả, nuôi gà chọi… ông làm việc say sưa không ngơi nghỉ những trái ngọt đầu tiên cũng được thu về. Ông lại mạnh dạn mở rộng thêm quy mô, tiến hành chăn nuôi cung cấp thực phẩm sạch cho một số nhà hàng trong vùng. Khi có chút tiền dư, ông lại đầu tư cho con đi xuất khẩu lao động, rồi tích cóp để các con làm vốn liếng sau này.
Giờ đây, ngày ngày ông vẫn miệt mài bên vườn cây trái, đàn gà, đàn lợn, ao cá… cuối tuần lại dẫn cháu đi chơi. Ngày nào rỗi lại ra thăm vợ ông đang thụ án động viên bà cố gắng để sớm trở về nhà với con cháu. “Tôi tính sửa lại căn nhà để hương khói cho cha mẹ đàng hoàng hơn, cũng là để các con trở về nhà đoàn tụ và nơi tôi đón vợ tôi trở về sum vầy…”, ông Bình xúc động nói.