Chiều 7/3, Sở Tư pháp tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật trực tuyến về hộ tịch. Cuộc thi diễn ra trong 15 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 15/1 đến 24h ngày 29/1.
Theo Ban Tổ chức, cuộc thi đã thu hút được 27.804 thí sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Định tham gia. Trong đó, có 270 thí sinh trả lời đúng 20/20 câu hỏi, 53 thí sinh làm bài dưới 60 giây.
Trên cơ sở xác thực thông tin chính xác của thí sinh, Ban Tổ chức đã họp, quyết định công nhận kết quả và trao giải cho 28 thí sinh đạt kết quả cao, gồm: 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 9 giải Ba, 15 giải Khuyến khích và 1 giải Khuyến khích dành cho cơ quan, đơn vị có số lượng người tham gia dự thi nhiều nhất.
Ông Lê Văn Toàn trao giải Nhất cho thí sinh Chung Nguyễn Thành Nhân. |
Trong đó, thí sinh Chung Nguyễn Thành Nhân (ngụ xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đạt giải Nhất; 3 thí sinh Nguyễn Thị Hồng Vân (ngụ xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn), Hồ Nữ Như Ý (ngụ phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) và Trần Việt Hùng (ngụ phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) đạt giải Nhì; Trường THPT số 1 Tuy Phước (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đạt giải Khuyến khích dành cho cơ quan, đơn vị có số lượng người tham gia dự thi nhiều nhất.
Theo ông Lê Văn Toàn - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, trong bối cảnh tỉnh Bình Định đang thực hiện đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thì việc tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật trực tuyến về hộ tịch là hoạt động hết sức thiết thực, tạo điều kiện để đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân có cơ hội tham gia dự thi.
Đại diện Trường THPT số 1 Tuy Phước nhận giải Khuyến khích dành cho cơ quan, đơn vị có số lượng người tham gia dự thi nhiều nhất. |
Cuộc thi đã mang lại sân chơi bổ ích để mọi người tiếp cận, tìm hiểu kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của pháp luật trong đời sống xã hội hiện nay. Các cá nhân tham gia cuộc thi thể hiện tính tích cực, sự chủ động, tự nguyện tiếp cận, tìm hiểu để tích lũy kiến thức pháp luật, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của mỗi người trong đời sống xã hội. Đồng thời, giải thưởng của cuộc thi cũng khích lệ, động viên người tham dự cố gắng, tìm hiểu pháp luật nhiều hơn để tham gia trong các cuộc thi khác.
“Qua cuộc thi, Sở Tư pháp tỉnh Bình Định đã cung cấp thông tin pháp luật, giáo dục ý thức pháp luật một cách đầy đủ, kịp thời, thuận lợi cho nhiều đối tượng khác nhau trên môi trường mạng. Điều đó đã khẳng định vị trí, vai trò, tính đúng đắn của việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây cũng là một trong những yêu cầu đặt ra, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”, ông Toàn cho biết.