Kham khổ giữ “hồn” dân tộc
Dân tộc Rắc Lây ở Khánh Hòa chỉ có khoảng dưới 50.000 người, tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn. Một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Rắc Lây chính là đàn đá và những điệu múa.
Cách đây gần 10 năm, khi đội văn nghệ Rắc Lây chưa đi vào hoạt động bài bản thì các bản nhạc, điệu đàn chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong các lễ hội, các buổi sinh hoạt cộng đồng. Để góp phần giữ lửa cho loại hình văn hóa “đặc sản” này, Ban quản lý công viên du lịch Yang Bay đã được các cấp chính quyền địa phương cho phép thành lập đội văn nghệ Rắc Lây, biểu diễn hàng ngày cho khách du lịch trong nước và quốc tế thưởng thức.
Ông Cao Văn Chung-người có thâm niên hơn 20 năm nghiên cứu về đàn đá và các điệu múa của người Rắc Lây ở xã Khánh Phú cho biết: Cũng nhờ có đội văn nghệ Rắc Lây mà hàng chục thanh đàn đá quý báu đã phát huy tối đa tác dụng. Dưới bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân, diễn viên người Rắc Lây, những thanh đá chạm nhẹ tay vào cũng phát ra những âm thanh như chim hót, như tiếng đại ngàn rót vào tai.
Những bài nhạc mang hơi thở nồng nàn của người Rắc Lây mỗi lần cất lên làm mê hoặc cả lòng người như: Gọi bạn tình, Yang Bay hồn núi, Rắk Lây tình sâu, chiều bên suối… Già làng Pi Năng Hao, một trong những người đầu tiên tìm thấy những thanh đá kỳ diệu này cho biết: “Rất may, nhờ đội văn nghệ mà biểu trưng văn hóa này vẫn được phát huy”.
Thế nhưng ít người biết, phía sau “cánh gà”, phía sau những điệu nhạc ấy là bao sự kham khổ và cả những tấm lòng hy sinh vì nét đẹp của dân tộc mình. Nghệ nhân đánh đàn Cao Duy tâm sự: “Tôi biểu diễn múa lẫn âm nhạc đều thành thục. Có nhiều đoàn văn nghệ ở TP.Hồ Chí Minh mời tôi về biểu diễn mỗi tháng cả chục triệu, được tặng xe máy đi làm thế nhưng tôi đã khước từ tất cả để ở lại chính quê hương mình tham gia đội văn nghệ Rắc Lây, dù mỗi tháng chỉ được trả hơn 3 triệu đồng”.
Số tiền lương ít ỏi, nghệ nhân Cao Duy phải vật lộn cày bừa thêm miếng rẫy trồng cây ăn quả vào ban đêm để giữ “lửa nghề”. Nghệ nhân Cao Duy bảo: “Có những ngày, tôi không còn một đồng xu nào trong túi nhưng vẫn thức thâu đêm luyện các bản nhạc mới, điệu múa mới của người Rắc Lây để đưa đến với công chúng”.
Cũng như Cao Duy, diễn viên múa Cao Thị Duyên có sắc đẹp như bông hoa kiêu sa của núi rừng, có điệu múa uyển chuyển hút hồn người nhưng đã từ chối tất cả mọi lời mời đi các phòng trà, tụ điểm biểu diễn ở TP.Hồ Chí Minh với số tiền cát-xê cao ngất ngưởng vì đã chót yêu các điệu múa của dân tộc mình.
Tiếng đàn, lời ca Rắc Lây đã trở thành máu thịt của những người như Duyên. Muốn được biểu diễn trên chính quê hương mình cho hàng triệu khách quốc tế và trong nước xem nên Duyên quyết định ở lại nhận mức lương tháng chưa đầy 3 triệu đồng.
Cao Thị Duyên (thứ 2 từ phải qua) cùng các thành viên trong đội văn nghệ biểu diễn rất say xưa |
Duyên bảo: “Hạnh phúc lớn nhất của mình là được làm cho món ăn tinh thần, đặc sản văn hóa của dân tộc mình được nhiều người biết đến chứ không nhất thiết vì vật chất”.
Không chỉ vượt khó khăn, gìn giữ đặc sản văn hóa của đồng bào mình mà nghệ nhân Cao Duy, Cao Thị Duyên còn miệt mài truyền lửa cho các nghệ nhân, diễn viên khác trong đội văn nghệ Rắc Lây. Hiện nay, đội văn nghệ này vẫn duy trì được 12 diễn viên, nghệ nhân.
Lan tỏa
Nghệ nhân Cao Thị Mầu, người đã từng có hàng trăm đêm trắng huấn luyện những điệu múa cho đội văn nghệ Rắc Lây chia sẻ: “Chính sự nỗ lực của đội văn nghệ này đã níu chân và làm sâu sắc thêm tình yêu đất nước, con người, văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung, văn hóa của người Rắc Lây nói riêng. Món ăn tinh thần này đã và đang góp phần tạo nên ấn tượng về một không gian văn hóa đặc biệt mang sức lan tỏa tự nhiên và rộng khắp”.
Lần đầu tiên được đắm mình trong các điệu múa của người Rắc Lây, ông Trần Quyết Thắng người đã sống hơn nửa 50 năm ở Nha Trang cho biết: “Xem xong tiết mục còn được lại tâm sự cùng các nghệ sỹ, được trao đổi, được thử cả trang phục, thậm chí có thể được diễn thử cùng diễn viên nữa cho tôi cảm giác gần gũi và ấm cúng”.
Đảm nhiệm những điệu múa khó, những bản nhạc khó như “Tình bao la”, “Tiếng hót đại ngàn”… là các nghệ nhân, diễn viên đã thuần thục. Còn các bản nhạc bình thường thì hầu hết các thành viên trong đội đều có thể biểu diễn được.
Tiến sỹ To Ny Trần-Việt kiều Mỹ tâm sự: “Tôi vừa là Việt kiều vừa là hướng dẫn viên cho các đoàn du lịch của Mỹ nên rất mừng vì hầu hết khách du lịch người Mỹ đều rất thích thú với hình thức biểu diễn nghệ thuật này, dù đó là điệu múa hay điệu đàn. Qua đó, du khách xem và hiểu hơn, yêu hơn đất nước, con người Việt Nam mình”.
Bên cạnh đó, dù bất đồng ngôn ngữ nhưng thông qua hành động, cử chỉ, tất cả du khách đều có thể trực tiếp thể hiện lòng yêu mến của mình với các nghệ sỹ, không còn có một rào cản nào. Có nhiều khách nước ngoài mê mẩn với các màn biểu diễn như : Chiều bên suối (sáo Ta cung), Gọi bạn (kèn Rắc Lây), Hồn núi (đán đá).
Làn điệu, tiếng sáo, tiếng nhạc cất lên nghe như tiếng suối chảy, tiếng gió thổi, tiếng gọi bạn trong rừng chiều… Có đoàn khách còn đăng ký ở lại đêm để giao lưu, tìm hiểu về đội văn nghệ Rắc Lây. Trung bình mỗi ngày đội văn nghệ Rắc Lây biểu diễn 4 xuất (mỗi xuất bao gồm 12 tiết mục cả múa lẫn đàn, sáo). Các mùa lễ hội thì tăng thêm xuất diễn.
Nhiều tiết mục réo rắt như tiếng gọi núi rừng |
Hướng đến chuyên nghiệp
Dù được các nghệ nhân bản địa tập luyện hàng ngày nhưng kỹ thuật diễn xuất của các thành viên trong đội văn nghệ Rắc Lây vẫn còn một số hạn chế nên ban tổ chức liên tục mời những nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc đến bồi dưỡng thêm.
Nghệ nhân Cao Thị Mầu cho biết: “Giữ gìn những nét đặc trưng nhưng cũng cần được chuyển tải một cách chuyên nghiệp, có kỹ thuật thành thạo. Thế nên thỉnh thoảng các nhạc sỹ nổi tiếng vẫn về đây để trao đổi, truyền đạt thêm về cách thể hiện, diễn xuất chuyên nghiệp cho các thành viên trong đội văn nghệ”.
Ông Nguyễn Phi Trường-Phó giám đốc Công viên du lịch Yang Bay cũng nhận định: “Có nhiều tiết mục sau khi được bồi dưỡng thêm, đội văn nghệ Rắc Lây biểu diễn rất tuyệt vời. Khách quốc tế cũng nhào lên sân khấu để được hòa mình vào biểu diễn cùng. Không chỉ hát được bằng tiếng Rắc Lây, tiếng Việt mà thành viên trong đội văn nghệ còn hát được cả bằng tiếng Anh nữa”.
Nghệ sỹ múa Đức Hà (Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng) là người thường xuyên lên bồi dưỡng thêm kỹ thuật múa cho các thành viên trong đội chia sẻ thêm: “Dựa trên nền tảng cơ bản của dân tộc Rắc Lây mình biến chuyển thêm để uyển chuyển giữa truyền thống và hiện đại, tăng thêm sự hấp dẫn cho các tiết mục. Hy vọng những lời ca, điệu múa Rắc Lây sẽ ngày càng bay cao, bay xa hơn nữa”.