Gia tăng các vụ việc có tính chống đối
Vừa qua, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Hải Phòng hoàn thành cưỡng chế biệt thự 425m2 của cựu Giám đốc Công ty TNHH một thành viên (MTV) Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu tại đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.
Trước đó, căn cứ Bản án số 45/2012/HSST ngày 30/3/2012 của TAND TP Hải Phòng; Bản án số 454/2012/DS-PT ngày 30/8/2012 của TAND Cấp cao tại Hà Nội và xét đơn yêu cầu thi hành án (THA) của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (nay là Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu); căn cứ bản kê khai tài sản, thu nhập ngày 5/5/2010, năm 2016, chấp hành viên Cục THADS TP Hải Phòng đã ban hành quyết định kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo việc THA của ông T.Q.V đối với Công ty TNHH MTV Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu. Nhưng hết thời hạn ghi trong thông báo nhưng người phải THA, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vẫn không tự thỏa thuận phân chia tài sản chung để THA và cũng không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Vì vậy, Cục THADS TP Hải Phòng đã ban hành quyết định THA đối với ông V phải bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH MTV Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu số tiền gần 25 tỷ đồng và lãi suất chậm THA. Tính đến 12h ngày 17/7, công tác kê biên, xử lý tài sản đã hoàn tất.
Qua vụ việc trên có thể thấy cưỡng chế THADS là một hoạt động được thực hiện trong công tác THADS khi người phải THA có điều kiện THA mà không tự nguyện thi hành. Song trên thực tiễn, nếu tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế THADS không đúng, không thành công sẽ gây ra nhiều hậu quả đối với xã hội. Mặc dù hành lang pháp lý về công tác THADS nói chung và cưỡng chế THADS nói riêng đã tương đối hoàn thiện, rõ ràng, nhưng việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong thực tế vẫn còn gặp không ít khó khăn, bất cập, đặc biệt là bối cảnh trước, trong và sau đại dịch COVID-19 càng làm ảnh hưởng nhiều đến công tác THA.
Cụ thể, các phương tiện truyền thông đã phản ánh nhiều trường hợp đương sự chây ỳ, lẩn tránh diễn ra thường xuyên; một số trường hợp người phải THA chống đối quyết liệt, không thực hiện theo yêu cầu của chấp hành viên cơ quan THADS. Các vụ việc có tính chống đối diễn ra có xu hướng gia tăng hơn so với trước…
Chẳng hạn như vụ gia đình Nguyễn Thị Thu V (SN 1955) xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất với ông Huỳnh Thanh H và bà La Thị M tại khu phố 2 (phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Vụ tranh chấp đã được TAND thị xã Cai Lậy và TAND tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm và phúc thẩm xác định quyền sử dụng đất của ông H và bà M. Tuy nhiên, gia đình bà V không đồng ý và khiếu nại nhiều nơi.
Sau khi bản án có hiệu lực, Chi cục THADS thị xã Cai Lậy đã nhiều lần đến vận động bà V giao nhà và đất cho ông H, bà M, nhưng gia đình bà V không chấp hành nên Chi cục THADS thị xã Cai Lậy quyết định cưỡng chế.
Bà V sau đó gọi điện thoại cho người thân đến cản trở việc cưỡng chế thi hành án. Bà Vân đưa tiền cho người thân mua xăng để tạo bom xăng chống đối với đoàn cưỡng chế. Ngày 7/9/2022, khi đoàn cưỡng chế làm nhiệm vụ, các đối tượng khóa cửa rào, la hét, chống đối và ném bom xăng làm một chiến sĩ Công an bị thương. Các đối tượng này sau đó bị điều tra, làm rõ, xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ
Một vụ việc chống đối cưỡng chế THA diễn ra tương tự tại TP HCM hồi tháng 12/2021 khiến bốn công an bị thương vì bom xăng. Theo đó, quá trình tổ chức thi hành Bản án số 831/2019/DSPT ngày 24/9/2019 của TAND TP HCM, Quyết định THA theo yêu cầu số 19/QĐ-CCTHADS ngày 4/11/2019 của Chi cục THADS quận Phú Nhuận, chấp hành viên đã nhiều lần mời đại diện những người phải THA là bà Lê Thị Hữu H để động viên, thuyết phục tự nguyện THA, tạo điều kiện cho các bên về mặt thời gian để thu xếp việc THA. Đồng thời, chấp hành viên nhiều lần phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội của phường 7 động viên, thuyết phục người phải THA tự nguyện THA nhưng người phải THA không chấp hành, không tự nguyện THA.
Do gia đình bà Lê Thị Hữu H không tự nguyện THA, ngày 8/12/2021, chấp hành viên Chi cục THADS quận Phú Nhuận tiến hành cưỡng chế giao nhà, đất cho người được THA. Trong lúc chấp hành viên đọc quyết định cưỡng chế và thông báo cưỡng chế, bà H có hành vi chống đối, không chấp hành quyết định cưỡng chế, dùng lời lẽ nhục mạ, đe dọa lực lượng cưỡng chế, dùng điện thoại livestream… Dù đã được nhắc nhở, động viên yêu cầu đưa trẻ em và người già ra ngoài nhưng bà H vẫn không chấp hành.
|
Cưỡng chế thi hành án dân sự ở TP Hồ Chí Minh |
Bà H còn dùng nhớt tạt ra trước nhà, đập phá đồ đạc và dùng dao tự đâm vào tay trái (vị trí gần khuỷu tay), đâm vào bụng và vào nhà cố thủ. Tiếp theo, bà H tiếp tục dùng xăng tưới ra trước cửa nhà. Những người có mặt trong nhà dùng nước đun sôi từ trong cửa sau nhà tạt vào lực lượng chức năng. Sau đó, bà H và người trong nhà tiếp tục mở khóa gas và làm cháy phun vào lực lượng cưỡng chế khiến bốn công an bị bỏng, phải đưa vào bệnh viện điều trị.
Có thể xử lý hình sự để nâng cao tính răn đe
Trước thực trạng trên, trao đổi trên báo chí, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hòa Bình Trần Văn Dũng cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác THA nói chung và cưỡng chế THA nói riêng, giải quyết căn bản tình trạng án tồn đọng, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung nâng cao năng lực áp dụng pháp luật của chấp hành viên; đổi mới thủ tục THA, đặc biệt là thủ tục cưỡng chế THA, xử lý nghiêm đối với những trường hợp cản trở không chấp hành án. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục thuyết phục đối tượng phải THA tự nguyện THA; rà soát phân loại án để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Trực tiếp tham gia quá trình kiểm sát cưỡng chế THADS, một kiểm sát viên đã đề xuất một số giải pháp đáng chú ý. Theo đó, khi quyết định nghĩa vụ của đương sự trong bản án, quyết định, Tòa án phải nêu cụ thể, chi tiết, thi hành được; đặc biệt phải làm rõ hậu quả pháp lý các nghĩa vụ này phát sinh như giấy tờ đăng ký quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng, giấy phép, giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ….
Ngoài ra, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo THADS các địa phương. Mỗi địa phương cần quan tâm duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo THADS đi vào chiều sâu, chỉ đạo quyết liệt thi hành các vụ án phức tạp, có giá trị lớn, cưỡng chế với các vụ án đương sự chống đối, kéo dài nhiều năm hoặc có liên quan đến cán bộ địa phương. Không những thế, các cơ quan THADS cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật về THADS để nhân dân hiểu và tự giác chấp hành, hạn chế việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế; nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức cán bộ, công chức ngành THA; xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực khi thi hành công vụ…
Một số ý kiến thì đề xuất, cần những chế tài thuận lợi hơn đối với các lực lượng trong khi làm nhiệm vụ. Về phía cơ quan chức năng, lực lượng chấp hành viên làm nhiệm vụ cần thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành trong quá trình xác minh, giải quyết vụ việc, đồng thời cũng kiến nghị lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh các đối tượng chây ỳ, chống đối cưỡng chế THA để nâng cao tính răn đe, kể cả phải xử lý hình sự như trước khi cưỡng chế có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố tội không chấp hành án theo quy định của pháp luật…
Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Hân kiến nghị, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về THADS và các văn bản pháp luật có liên quan. Để nâng cao hiệu quả của việc áp dụng biện pháp cưỡng chế THADS, trước hết chúng ta cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về THADS nói chung và các quy định cưỡng chế nói riêng như xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; ban hành các thông tư liên tịch phối hợp các ngành liên quan; các quy chế phối hợp liên ngành... Đặc thù của hoạt động THADS liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là việc cưỡng chế có sự tham gia của nhiều lực lượng phối hợp như cơ quan Công an, Viện kiểm sát, chính quyền địa phương... Nếu có hệ thống văn bản pháp luật quy định rõ ràng trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan thì khi thực hiện nhiệm vụ sẽ dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật khác liên quan như Luật Nhà ở, Luật Công chứng, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Đất đai… cần hoàn thiện thống nhất, tránh chồng chéo để cơ quan THADS thuận lợi khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Ông Phạm Văn Hân cũng mong muốn sẽ có những chính sách ưu tiên nhất định với lực lượng chấp hành viên và các lực lượng khác tham gia các vụ cưỡng chế thi hành án để họ yên tâm làm nhiệm vụ.
Theo Điều 9 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014): Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án