“Cướp” trí tuệ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật

(PLO) - Công ước Berne được thực thi tại nước ta đã 13 năm (từ năm 2004), nhưng tình hình vi phạm bản quyền vẫn còn nhức nhối. Các tác giả đau đớn nhìn đứa con tinh thần của mình bị cướp trắng còn kẻ phạm pháp, in lậu thì cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, không thèm đoái hoài tới Công ước quốc tế. 
Nhiều cuốn sách bị in lậu.
Nhiều cuốn sách bị in lậu.

Tác giả nước ngoài tố MCBooks vi phạm bản quyền

Woo Bo Hyun, người Hàn Quốc là tác giả của các quyển sách tiếng Anh đã được xuất bản trên thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… vừa tố cáo Công ty CP sách MC Books (Hà Nội) đã gian lận thương mại và vi phạm bản quyền đối với các cuốn sách mà hai bên ký hợp đồng xuất bản tại Việt Nam.

Theo đó, Hợp đồng kinh tế ký ngày 16/4/2014, Công ty CP sách MCBooks sẽ in 7 đầu sách học tiếng Anh của tác giả Woo Bo Hyun với số lượng từ 2.000 -3.000/ đầu sách nhưng trên thực tế, Công ty CP sách MCBooks đã in số lượng 5.000 quyển/tựa mà vẫn chỉ thanh toán tiền bản quyền cho ông Woo theo số lượng 2.000 -3.000 cuốn.

Ngoài ra, tác giả Woo Bo Hyun cho biết có những ấn phẩm có tới 14 phiên bản khác nhau được in từ nhiều nhà in khác nhau với cùng một giấy phép xuất bản. ông Woo Bo Hyun đã chỉ ra những số liệu cụ thể để chứng minh phía MC Books đã không thực hiện đúng với hợp đồng như: gian dối về số lượng, không trung thực khi báo cáo về số lượng sách được bán ra để thanh toán số tiền cho ông thấp hơn nhiều so với con số sách thực tế được bán...

Ông Woo uất ức trình bày: “Tham gia xuất bản sách ở Việt Nam, tôi không đòi hỏi mình sẽ nhận được nhiều nhuận bút nhưng tôi muốn cái gì cũng phải rõ ràng, minh bạch. Khi tôi hỏi về hóa đơn chứng từ chứng minh thì Công ty CP sách MCBooks không chịu cho tôi xem, họ lấy hết lý do này đến lý do khác để từ chối. Cách làm việc của Công ty CP sách MCBooks khiến tôi thấy như mình bị lừa”.

Bà Phạm Thị Trâm - Giám đốc NXB ĐHQG Hà Nội, đơn vị cấp giấy phép xuất bản các cuốn sách trên - khẳng định: “Nếu bên phía tác giả đưa đủ chứng cứ vi phạm của MCBooks, chúng tôi sẽ quyết định thu hồi toàn bộ các ấn phẩm nói trên. Cần phải làm trong sạch môi trường xuất bản. Đây là môi trường văn hóa, không thể dung thứ những việc làm thiếu văn hóa; hơn nữa ở đây còn là đối ngoại, ngoại giao với đối tác nước ngoài”.

Công ước Berne được thực thi tại nước ta đã 13 năm (từ năm 2004), nhưng tình hình vi phạm bản quyền vẫn còn nhức nhối. Các tác phẩm dịch nổi tiếng và bán chạy của các tác giả nước ngoài như trọn bộ “Harry Poster”, bộ tác phẩm kinh điển của Dan Brown, hay các tác phẩm của tác giả đoạt giải Nobel Văn học Mạc Ngôn… bị “xài chùa” vô tội vạ.

Trong cuộc hội thảo về bản quyền trí tuệ, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến- Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam nhận định, nạn xâm phạm còn tạo rào cản lớn đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài khiến họ e ngại trong việc muốn đầu tư để đưa tác phẩm vào Việt Nam. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công chúng nước ta bởi sẽ mất đi cơ hội được tiếp cận, học hỏi các tác phẩm của những người nổi tiếng trên thế giới”.

“Cướp” trí tuệ - tội nhẹ ở Việt Nam?

Không chỉ các tác giả nước ngoài bị “xài chùa”, mà các tác giả Việt Nam bị “chôm chỉa” trí tuệ ngay trên sân nhà. Các tác phẩm: “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh, tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng cũng bị in lậu. Tác giả Hồ Huy Sơn lên tiếng tố NXB Giáo dục Việt Nam tự ý sử dụng hai bài viết của anh là “Con đường rơm” và “Hãy can đảm lên” trong hai cuốn sách Luyện tập tiếng Việt...

Những nạn nhân tiếp theo là bộ sách “Hạt giống tâm hồn”, “Cẩm nang chăm sóc bà mẹ và em bé”, “Hồi ký về những cô gái điếm buồn của tôi”, “Phong thủy toàn tập”; “Cha giàu, cha nghèo”, “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”, “Thế giới phẳng”; “Rừng Na Uy”… kéo dài thêm số lượng sách bị in lậu.

Dịch giả Trần Đình Hiến nhận xét, ở Việt Nam, vấn đề bảo hộ bản quyền tác giả là gần như không có và không ai bảo vệ được tác giả. Tình trạng sách lậu, sách nối bản nhiều quá, mà cơ quan chức năng không có cách gì kiểm soát đã khiến các tác giả chịu nhiều thiệt thòi. Các tác giả đau đớn nhìn đứa con tinh thần của mình bị “cướp trắng” còn kẻ phạm pháp, in lậu thì cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, không thèm đoái hoài tới Công ước quốc tế. 

Nhà văn Trần Thức bức xúc: “Việc sao chép, in lậu thật thê thảm. Bởi người bị cướp bản quyền biết rằng, kiện tụng thì chỉ mất thời gian, tốn tiền, cùng lắm là đối tượng xâm phạm chỉ bị phạt hành chính vài chục triệu đồng, chẳng bõ bèn gì. Chúng tôi không dám đề xuất mà chỉ mong mỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật quyết tâm, đồng bộ trong việc xử lý các vụ việc vi phạm, làm nghiêm túc để răn đe”.

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho hay, việc in sách lậu là điều đã nhức nhối từ lâu mà vẫn luôn tiếp diễn, vẫn không xóa bỏ được triệt để, đó là lỗi nặng và trách nhiệm lớn của các cấp quản lý văn hóa và xã hội. Nhiều nhà xuất bản, nhiều tác giả bị in lậu sách đã lên tiếng kiến nghị đòi hỏi phải có những chế tài mạnh, những biện pháp nghiêm khắc đối với những kẻ in lậu sách, nhưng các cấp có thẩm quyền gần như chỉ mới dừng lại ở các biện pháp xử phạt hành chính.

“Tôi nghĩ, chúng ta đã có Luật Bản quyền và đã tham gia Công ước Berne về bản quyền thì phải thực thi đầy đủ luật đó một cách kiên quyết. Cụ thể, những tác giả đã đăng ký quyền bảo hộ tác phẩm của mình mà nếu phát hiện bị xâm phạm bản quyền (sao chép không được phép, in ấn lậu, sử dụng tùy tiện) thì phía cơ quan bảo hộ phải có trách nhiệm cao nhất phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc” – ông Nguyên nhấn mạnh.