Thu phí bài hát karaoke - nói dễ, làm khó

(PLO) - Mới đây, Trung tâm cấp phép và quản lý quyền, đơn vị trực thuộc Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV) vừa ra văn bản cho biết sẽ thu mức phí bản quyền liên quan theo quy định là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke. Trước mắt, để thực hiện được như dự định, có lẽ không phải dễ dàng gì.
Nhiều người lo lắng việc thu phí của RIAV cuối cùng sẽ lại đổ lên đầu người sử dụng dịch vụ. (Ảnh minh họa)
Nhiều người lo lắng việc thu phí của RIAV cuối cùng sẽ lại đổ lên đầu người sử dụng dịch vụ. (Ảnh minh họa)

Thu phí con số khủng

Theo đại diện Trung tâm cấp phép và quản lý quyền, thời gian qua, các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke đang sử dụng các sản phẩm bản ghi (ghi âm, ghi hình) âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV vào mục đích kinh doanh nhằm thu lại lợi nhuận khi chưa có sự thỏa thuận và được phép của các chủ sở hữu.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của RIAV và hội viên RIAV, vi phạm các quy định tại điểm a khoản 2 Điều 746 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 5 Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi và bổ sung năm 2009 và các quy định khác có liên quan. 

 Trước thông tin nói trên, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke đang bắt đầu có sự lo lắng. Ông H.A.N., chủ café S.N trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh chia sẻ, trong danh mục bài hát karaoke mà các đơn vị kinh doanh đang sử dụng, có tới vài chục ngàn bài hát, nếu quy ra số tiền 2000 đồng/ bài, thì số tiền các đơn vị kinh doanh karaoke phải đóng là rất “khủng”, thật khó mà chấp nhận để đóng.

Huống hồ, trước đó, các đơn vị kinh doanh karaoke đã phải bỏ tiền ra mua chương trình bài hát để sử dụng từ các nhà sản xuất bài hát karaoke. Nếu phải đóng thêm tiền tác quyền theo từng bài cho RIAV phải chăng là “phí chồng phí”.

Nhiều câu hỏi khác được đặt ra, là đối với các bài hát không thuộc về tác giả cụ thể, như dân ca, ca cổ, âm nhạc dân gian, bài hát của tác giả đã mất, bài hát nước ngoài… thì việc thu phí có tiến hành hay không, sẽ tiến hành như thế nào?

Về điều này, phía RIAV cũng cho biết, RIAV sẽ chỉ thu phí những bài hát thuộc quyền sở hữu của RIAV, đã được RIAV mua trực tiếp từ tác giả hoặc mua lại của đơn vị khác. Như vậy, con số bài hát bị thu phí sẽ thu hẹp lại, tuy nhiên, con số này cũng không hề nhỏ.

Xử lý sao cho khỏi vướng?

Tất nhiên, để RIAV hoàn thành được mục tiêu thu phí toàn bộ bài hát thuộc sở hữu của mình đang được các đơn vị kinh doanh karaoke khai thác là không hề dễ dàng. Hiện nay, chỉ tính riêng các thành phố trực thuộc Trung ương, đã có từ vài trăm đến hàng ngàn doanh nghiệp kinh doanh karaoke.

Vì thế, theo lộ trình, trước mắt Trung tâm cấp phép và quản lý quyền sẽ chưa thể triển khai việc thu phí trên toàn quốc, mà tập trung vào các thành phố lớn, với hoạt động văn hóa, giải trí sôi động như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và một số tỉnh miền Tây.

Thời điểm áp dụng thu phí bắt đầu từ ngày 14/7/2016. Tuy nhiên, để các đơn vị kinh doanh karaoke tiếp nhận và chấp nhận quy định thu phí mới mẻ nói trên, có lẽ RIAV trước mắt cần có những động thái tuyên truyền mạnh mẽ để người kinh doanh hiểu được các vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan.

Cạnh đó, nhiều người cũng lo lắng rằng, nếu như buộc phải chấp nhận việc thu phí thì các đơn vị kinh doanh karaoke cũng sẽ không nhận “phần thiệt” về phía mình, mà chắc chắn sẽ đẩy chi phí này về phía người sử dụng dịch vụ, như vậy, cuối cùng người chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng.

Bà T.K.U., chủ nhà hàng karaoke T.U trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đưa ra thắc mắc, RIAV đánh đồng 2000 đồng/ bài hát. Thực tế trong danh sách các bài hát được sử dụng, có những bài rất thường được khách lựa chọn, nhưng nhiều bài hát trong số đó hầu như không được ưa chuộng. Tuy nhiên, danh sách bài hát khi mua về đã cố định, các đơn vị không được chọn riêng bài.

Như thế, có cách nào giải quyết để các đơn vị kinh doanh được chọn các bài hát được sử dụng để đóng phí hay không?  Nhiều người kinh doanh khác cũng đặt ra câu hỏi, có cách giải quyết khác, không phí nọ chồng phí kia như thế, mà “gom về một mối”, như làm việc với các đơn vị sản xuất đầu thu karaoke hay không? Hoặc giả, có lẽ RIAV đã thu phí cả người sản xuất lẫn người kinh doanh?

Nói tóm lại, xung quanh một quy định mới, luôn luôn có nhiều vướng mắc và thắc mắc. Nếu không giải quyết được các vướng mắc từ phía các đơn vị kinh doanh để họ “tâm phục, khẩu phục”, có lẽ, con đường thu phí của RIAV sẽ còn khó khăn dài dài… 

Đọc thêm