Cứu 4 bệnh nhi suýt chết vì ngạt nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong tháng 4 vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) tiếp nhận và điều trị thành công 4 trường hợp trẻ ngạt nước.
Bé T.A ngạt nước do té xô nước. Ảnh: BVCC
Bé T.A ngạt nước do té xô nước. Ảnh: BVCC

Trường hợp thứ nhất là trẻ T.N.T.A (21 tháng tuổi, nữ) ở quận 6.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, cách nhập viện 1 giờ, anh họ đi vào nhà tắm thì phát hiện trẻ té chúi đầu vào xô nước, chiều cao xô nước khoảng 50cm chứa đầy nước. Thời gian chìm trong nước khoảng 5 phút, nên la báo cả nhà, cha bế trẻ ra thấy trẻ bất tỉnh, tím, nên thổi ngạt, ấn tim 3 phút thì em khóc, có cử động tay chân nhẹ, trẻ được đưa vào phòng khám địa phương, được xử trí thở oxy, sau đó chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Tại bệnh viện, trẻ hôn mê, Glasgow: 9 điểm (bình thường 15 điểm) thở rên môi tái, SpO2: 85%. Tim đều, rõ, 112 l/p, thở không đều, được đặt nội khí quản giúp thở, thở máy, kháng sinh, chống phù não Natri Clorua 3%, Mannitol 20%, an thần, điều chỉnh điện giải, kiềm toan.

Sau hơn một tuần điều trị tri giác trẻ cải thiện dần, tỉnh tiếp xúc được, cai được máy thở, thở oxy sau đó tự thở.

Trường hợp thứ hai là trẻ N.D.Đ (4 tuổi, nam) ở Tiền Giang. Khai thác bệnh sử ghi nhận, cách nhập viện 3 giờ, trẻ được người nhà dẫn đi bơi ở hồ bơi địa phương, trẻ được bơi ở hồ dành cho trẻ nhỏ, có người nhà quan sát, theo dõi.

Trong 5-7 phút, người nhà không thấy trẻ đâu nên chia nhau tìm bé và phát hiện bé chìm ở hồ bơi dành cho trẻ lớn, vớt lên xốc nước, ấn tim thổi ngạt, rồi chuyển vào bệnh viện địa phương, trong tình trạng ngưng thở ngưng tim, được xử trí đặt nội khí quản giúp thở, ấn tim, tiêm adrenalin, sau đó chuyển bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Tại bệnh viện, trẻ hôn mê, Glasgow: 6 điểm, môi tái, SpO2: 82%. Tim đều, rõ, 168 l/p, huyết áp 70/50mmHg, được thở máy, truyền dịch chống sốc dưới hướng dẫn đo áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP), huyết áp động mạch xâm lấn, thuốc vận mạch, kháng sinh, chống phù não Natri Clorua 3%, Mannitol 20%, an thần, điều chỉnh điện giải, kiềm toan.

Sau gần 2 tuần điều trị tri giác trẻ cải thiện dần, tiếp xúc chậm, được, cai được máy thở, thở oxy sau đó tự thở khí trời. Trẻ được tiếp tục điều trị oxy cao áp và hỗ trợ dinh dưỡng vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

Trường hợp thứ ba là trẻ T.T.N.P (6 tuổi, nữ) ngụ ở Bạc Liêu. Khai thác bệnh sử ghi nhận, cách nhập viện 2 giờ, trẻ đi trên cầu treo trên ao gần nhà, trượt chân xuống ao cá tra, được người nhà phát hiện với lên trong vòng 3-5 phút, xốc nước rồi đưa đến bệnh viện huyện địa phương, điều trị thở oxy, kháng sinh sau đó chuyển Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ điều trị 3 ngày thở CPAP, kháng sinh mạnh phổ rộng tình trạng trẻ không cải thiện, sốt cao thở mệt, nên chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Tại bệnh viện, trẻ li bì, thở mệt 58 lần/phút co kéo, tím tái SpO2: 86%. tim đều, rõ, 152 l/p, huyết áp 90/50mmHg, Xquang phổi cho thấy tổn thương phổi thâm nhiễm lan tỏa 2 phế trường, được đặt nội khí quản thở máy, truyền các thuốc kháng sinh phối hợp chống vi khuẩn Gr(+), Gr(-), vi khuẩn kỵ khí, an thần, điều chỉnh điện giải, kiềm toan.

Sau 10 ngày điều trị tri giác trẻ cải thiện dần, tiếp xúc tốt, được, cai được máy thở, thở oxy sau đó tự thở.

Trường hợp thứ tư là trẻ N.L.A (8 tuổi, nữ) ở quận Tân Bình. Khai thác bệnh sử ghi nhận cách nhập viện 1 giờ, trẻ được người nhà dẫn đi bơi ở hồ bơi địa phương, trẻ được bơi ở hồ dành cho trẻ nhỏ, có người nhà quan sát, theo dõi.

Trong 3-5 phút, người nhà không thấy trẻ đâu nên chạy đi tìm, phát hiện trẻ chìm ở hồ bơi dành cho trẻ lớn, trẻ còn thở được, vẻ mặt hốt hoảng, tím tái, chuyển vào bệnh viện địa phương, Xquang phổi cho thấy tổn thương phổi bên phải nhiều, bên trái thâm nhiễm ít, được sơ cứu thở oxy, chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Tại đây, trẻ lừ đừ, thở mệt 52 lần/phút co kéo, SpO2: 89%. tim đều, rõ, 148 l/p, huyết áp 100/60mmHg, Xquang phổi cho thấy tổn thương phổi thâm nhiễm 2 phế trường, bên phải nhiều hơn bên trái, được hỗ trợ hô hấp thở áp lực dương liên tục, truyền các thuốc kháng sinh điều chỉnh điện giải, kiềm toan.

Sau 5 ngày điều trị trẻ cải thiện dần tỉnh táo, tiếp xúc tốt, được cai được máy thở, thở oxy sau đó tự thở khí trời.

Qua các trường hợp trên, BSCK2. Nguyễn Minh Tiến (Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) khuyến cáo phụ huynh, không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà. Không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông. Không cho bệnh nhân động kinh bơi. Nên hướng dẫn tập bơi. Đặc biệt, đi tắm hồ bơi, không cho trẻ nhỏ vào hồ bơi dành cho trẻ lớn, người lớn và luôn để mắt trông chừng trẻ, tốt nhất là cùng tắm chung với trẻ.

Đọc thêm