Cứu chồng khỏi u mê dù bị phụ bạc

Tội lỗi tưởng chừng đã nhấn chìm tương lai và hy vọng của kẻ giết người. Nhưng đến phút cuối, lòng bao dung và tình cảm nồng ấm của người vợ bị phụ bạc đã khiến phạm nhân này thực sự thức tỉnh và vượt qua chính mình...

Tội lỗi tưởng chừng đã nhấn chìm tương lai và hy vọng của kẻ giết người. Nhưng đến phút cuối, lòng bao dung và tình cảm nồng ấm của người vợ bị phụ bạc đã khiến phạm nhân này thực sự thức tỉnh và vượt qua chính mình...

“Vừa ăn cướp, vừa giết người”

Nguyễn Văn Sinh (53 tuổi) vốn quê gốc ở Ninh Bình nhưng sinh ra và lớn lên cùng cha mẹ tại Nông trường quốc doanh Sông Bôi, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình do gia đình Sinh thoát ly đi vùng kinh tế mới. Ngày Sinh còn nhỏ, anh ruột của Sinh lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã hy sinh anh dũng. Từ đó, Sinh bất đắc dĩ trở thành con độc nhất trong nhà, thành niềm hy vọng là chỗ dựa về già của cha mẹ.
Nhưng Sinh chưa phụng dưỡng được cha ngày nào thì ông đã mất sau một cơn bạo bệnh. Biến cố này dường như đã tác động mạnh vào tâm lý của cậu trai này bởi cũng từ đó, Sinh trở nên lầm lì, ít nói, tuy vẫn chăm chỉ ngày ngày vác dao lên rừng phát rẫy, trồng trọt, vỡ đất khai hoang phụ giúp mẹ.

Đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Văn Sinh kết hôn với một người con gái cùng địa phương là chị Vũ Thị Thắm. Hạnh phúc của họ nhanh chóng “đơm hoa” khi chị Thắm lần lượt sinh hạ cho Sinh hai người con "đủ nếp, đủ tẻ". Thấy vợ chồng Sinh thuận hòa yên ấm, các con của Sinh ngoan ngoãn, khỏe mạnh, bà Thư (mẹ Sinh) cũng được an ủi phần nào sau bao tháng năm sống trong cơ cực, buồn tủi.
Phạm nhân Nguyễn Văn Sinh.
Song không hiểu "trời xui đất khiến" thế nào mà Sinh lại phát sinh tình cảm với chị Nguyễn Thị Bảy (vợ anh Nguyễn Văn Quý, bạn của Sinh ở cùng xã). Ban đầu, hai người chỉ là chỗ thân tình, giúp đỡ nhau khi cùng đi làm rẫy bởi hai nhà được giao trông nom hai khu đất rừng  giáp nhau. Nhưng mối quan hệ giữa Sinh và chị Bảy dần bước qua ranh giới, khiến bà con lối xóm bàn tán xôn xao.

Khuyên chồng chấm dứt mối tình bất chính không được, chị Thắm giận quá nên bế con về bên ngoại. Bà Thư buồn tủi nhiếc móc con, bạn bè Sinh cũng quyết liệt phản đối nhưng những Sinh vẫn lạc sâu hơn trong quan hệ "ngoài luồng"...

Chuyện Sinh “nếm vợ bạn” rồi cũng đến tai “khổ chủ” là anh Nguyễn Văn Quý. Chiều 19/4/1999, anh Quý gọi riêng Sinh vào lán của mình để nói chuyện phải trái. Lúc này, cả Sinh và anh Quý đều đã đi uống rượu ở một đám cưới về, Sinh sợ anh Quý sẽ mượn rượu để trả thù nên không vào ngay. Thay vào đó, Sinh đi thẳng về lán của mình, lấy một lưỡi lê của súng AK giắt vào sau lưng rồi mới ra gặp anh Quý.

Lúc Sinh đến lán của anh Quý thì anh này đã không còn ở đó. Sinh muốn giải quyết dứt điểm chuyện với anh Quý nên nhờ người đi gọi anh Quý về. Một lát sau, Sinh thấy anh Quý bước vào. Biết mình mà “nói chuyện” thì sẽ đuối lý, Sinh móc lưỡi lê ra khiến anh Quý hoảng hốt bỏ chạy. Sinh đuổi theo cố đâm anh Quý nhưng không trúng. Nạn nhân chạy vào một lán ở gần đó nhặt lấy chiếc đòn gánh để chống trả nhưng không kịp, bị Sinh đâm lê vào ngực. Thấy nạn nhân gục ngã, Sinh bỏ chạy lên đồi rồi bị bắt ngay sau đó.

Anh Nguyễn Văn Quý được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi, còn Nguyễn Văn Sinh bị truy tố về tội “Giết người”.

Trái đắng tình vụng trộm

Tại phiên tòa ngày 27/4/2000, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên phạt Nguyễn Văn Sinh mức án tù chung thân, buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại hơn 30 triệu đồng.

Ấn tượng của những người dự phiên tòa hôm đó là việc chị Nguyễn Thị Bảy bất ngờ yêu cầu HĐXX tuyên phạt tử hình đối với Nguyễn Văn Sinh. Chính Sinh cũng không ngờ rằng chị Bảy lại tuyệt tình với Sinh như vậy. Khi kể lại chuyện này, Sinh vẫn không giấu được tiếng thở dài buồn bã: “Lúc đó tôi nghe rành rọt từng lời của cô ấy (tức chị Bảy - PV) mà tưởng mình nghe nhầm. Nhưng dù sao thì mọi chuyện cũng đã rồi...”.

Giọng bùi ngùi, Sinh hồi tưởng về điều bất ngờ thứ hai: “Thương nhất là vợ tôi và hai đứa nhỏ. Tuy tôi phản bội cô ấy nhưng tại phiên tòa, cô ấy lại tha thiết mong HĐXX giảm án cho tôi để gia đình tôi sớm đoàn tụ. Nghĩ đến mẹ già, con côi và sự cao thượng của vợ, tôi chỉ ước giá như mình đã không lú lẫn”.

Không chỉ tha thứ cho lỗi lầm của Sinh trong phiên tòa năm ấy, về sau chị Thắm còn đều đặn đưa các con xuống trại giam để thăm và động viên Sinh. Nhờ đó, dù biết lĩnh án chung thân thì ngày về sẽ còn xa vời vợi nhưng năm tháng qua đi, không lúc nào Sinh dám chểnh mảng trong việc lao động, cải tạo để ít nhất là không phụ niềm tin và lòng bao dung của mẹ, của vợ và của các con.

“Mẹ tôi suy sụp nhiều. Bà vốn hay nghĩ, nhất là khi anh tôi hy sinh ngoài chiến trường. Nay tôi lại phụ sự tin yêu và kỳ vọng của bà. Nếu còn cha, chắc tôi không dám nhìn mặt cụ vì quá xấu hổ”, Sinh tâm sự.

Hồi sinh

... Thời gian vút trôi. Nhờ nhiều năm liên tục có thành tích xuất sắc, Sinh được cán bộ quản giáo gọi lên thông báo: “Anh đã được giảm án từ tù chung thân xuống tù có thời hạn 20 năm”. Con đường sáng ấy càng hối thúc Sinh quyết tâm hơn nữa trong cuộc phục thiện. Tháng 9/2011, phạm nhân này may mắn có tên trong danh sách được đặc xá, tha tù sớm 7 năm.

Hơn 11 năm trời sống trong trại giam, nhìn ảnh Sinh khi mới vào trại và bây giờ hoàn toàn khác nhau vì mái tóc đen tuyền của phạm nhân này đã điểm bạc, vóc người vạm vỡ giờ như ông già. Sinh cho biết, hình dung tiều tụy ấy hoàn toàn do những đêm trắng anh ta bị tội ác dằn vặt, bị lương tâm vấn tội.

Cũng theo Sinh, phạm nhân này đã gặp rất nhiều khó khăn khi mới nhập trại: “Hồi đó, nếu không có cán bộ trại giam động viên và chia sẻ, có lẽ tôi đã không vượt qua được ý định tự kết thúc cuộc đời mình. Thậm chí, có những lúc vợ xuống thăm mà tôi không dám ra gặp...”.

Chúng tôi hỏi Sinh tính làm gì sau khi trở về xã hội, phạm nhân này tươi cười: “Tôi sẽ mở một xưởng mây tre đan. Nghề này tôi học được trong những năm tháng ở trại khá thành thục. Chuyện cũ qua rồi, tôi muốn được về bên các con và chăm sóc mẹ già. Bà tuy đã yếu nhưng chắc hẳn là vui lắm khi biết tôi đã trả xong món nợ của đời mình”.

Khi bài báo này đến tay bạn đọc, có lẽ phạm nhân Nguyễn Văn Sinh đã trở về với cuộc sống thường ngày. Sóng gió đã đi qua và khi chiêm nghiệm lại, con người một thời lầm lỗi này thấy rằng chính sự bao dung cùng tình cảm nồng ấm của vợ, của mẹ đã cứu rỗi cuộc đời tưởng như đã bỏ đi của anh ta.

Kỳ Anh (còn tiếp)
*Tên vợ chồng người bị hại đã được thay đổi

Đọc thêm