Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nộp thêm 23 tỷ đồng khắc phục hậu quả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước khi phiên tòa dự kiến diễn ra ngày 22/7 tới, người nhà của ông Trịnh Văn Quyết đã nộp thêm 23 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án.
Cựu Chủ tịch FLC khi chưa bị khởi tố.
Cựu Chủ tịch FLC khi chưa bị khởi tố.

Ngày 17/7, luật sư Vũ Đặng Hải Yến (thuộc Cty luật TNHH SmiC) - người bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) cho biết, người nhà thân chủ bà vừa tiếp tục nộp thêm 23 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Theo bà Yến, đến nay, ông Quyết đã nộp hơn 210 tỷ đồng để khắc phục vụ án. Chưa dừng lại tại đó, ông Quyết vẫn tiếp tục vận động người thân nộp tối đa tiền khắc phục hậu quả vụ án trước và khi toà đang xét xử.

Luật sư Vũ Đặng Hải Yến còn cho biết thêm, trước khi phiên toà diễn ra đã có 376 văn bản với hơn 4.280 người ký tên xin giảm trách nhiệm hình sự cho ông Trịnh Văn Quyết cùng các bị cáo khác trong vụ án.

Theo luật sư Vũ Đặng Hải Yến, cách đây nửa tháng, ông Quyết đã nhận thức về các hành vi sai phạm, xin chịu trách nhiệm hình sự và dân sự như cáo buộc. Bên cạnh đó, cựu Chủ tịch FLC cũng mong cơ quan chức năng áp dụng chính sách khoan hồng cho các bị cáo là người thân, đồng nghiệp cấp dưới liên quan đến vụ án.

Ngoài ra, ông Quyết cũng xin chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng các tài sản thuộc tài sản cá nhân, đồng thời vận động gia đình, bạn bè để nộp tiền khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất.

Dự kiến, ngày 22/7 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ông Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác ra xét xử.

Theo cáo buộc, từ năm 2017 đến năm 2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ruột) cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập cty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Bà Huế đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán bằng cách liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh… Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu nêu trên, thu lời bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Ngoài hành vi nêu trên, cơ quan tố tụng còn cáo buộc cựu Chủ tịch FLC đã có hành vi nâng khống vốn điều lệ của Cty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, thu tiền của các nhà đầu tư.

Cụ thể, giai đoạn 2014-2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống cho doanh nghiệp này từ 1,5 tỷ đồng lên tới 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần. Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Quá trình điều tra, cựu Chủ tịch FLC đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả số tiền hơn 189 tỉ đồng và em gái là Trịnh Thị Minh Huế đã nộp lại 100 triệu đồng, khai nhận hành vi phạm tội, có nhiều đóng góp trong các tác làm từ thiện… nên được cơ quan tố tụng ghi nhận, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự./.

Đọc thêm