Cừu Dolly và con cá trạch Việt Nam

Nước Việt Nam không thiếu những nhà khoa học tài giỏi. Những nhà khoa như Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Văn Hiệu….  đều làm việc tại nước nhà và có nhiều cống hiến cho Tổ quốc. Ở giai đoạn hiện nay,  những nhà khoa học của chúng ta lại… nổi danh ở nước ngoài. Điều gì đã diễn ra để “nguyên khí quốc gia” phải xuất ngoại như vậy?

Nước Việt Nam không thiếu những nhà khoa học tài giỏi. Những nhà khoa như Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Văn Hiệu….  đều làm việc tại nước nhà và có nhiều cống hiến cho Tổ quốc. Ở giai đoạn hiện nay,  những nhà khoa học của chúng ta lại… nổi danh ở nước ngoài. Điều gì đã diễn ra để “nguyên khí quốc gia” phải xuất ngoại như vậy?  
hình minh họa
 
Vì sao các nhà khoa học Việt Nam phải “rũ áo”
Khi thế giới xôn xao vì chú cừu Dolly – sản phẩm của nhân bản vô tính, ở Việt Nam có một nhà khoa học ngậm ngùi buồn. Đó là ông Nguyễn Mộng Hùng bởi trước đó 20 năm, ông - một giảng viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội tạo dòng vô tính thành công trên đối tượng cá chạch khi còn là nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Và có thể nói rằng đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về nhân bản vô tính. 
Sau khi bảo vệ xong luận án, ông trở về Việt Nam với hoài bão tạo dòng cao sản các loại cá trê, mè, trắm... có giá trị kinh tế cao, thế nhưng lúc đó đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh nên cơ hội nghiên cứu tiếp và phát triển không còn nữa. Ông đã đi xa được hơn 3 năm, nhưng văng vẳng đâu đây vẫn như còn mơ ước của ông: có đủ điều kiện, cơ sở vật chất để nghiên cứu khoa học, công hiến cho đời.
Nhưng đáng buồn hơn cả là giờ đây, khi đã là năm thứ 12 của thế kỷ 21 nhưng ước mơ nho nhoi đó vẫn kéo dài đối với các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài viết của mình GS TSKH Lê Huy Bá - Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, Đại Học Công nghiệp TP.HCM đã chỉ ra: “Nhà khoa học, kể cả được gửi đào tạo ở nước ngoài hay Việt kiều, họ đều mong muốn khi về nước, phải có đủ phương tiện, phòng thí nghiệm tối thiểu để làm việc, để khởi đầu hay thực thi ý tưởng khoa học mà họ nung nấu bấy lâu nay. Họ biết hoàn cảnh nước ta còn nghèo, lấy tiền đâu mà đòi hỏi cao! Nhưng vấn đề nơi làm việc và điều kiện làm việc là quan trọng nhất. Một số trường hợp khi về nước, về một cơ quan, sau một thời gian, không đủ điều kiện làm việc, đành rũ áo ra đi. Thậm chí, có trường hợp, giáo sư mà không có nổi một cái bàn làm việc và máy tính cho riêng mình, trong suốt nhiều năm. Điều này thật sự đáng lo ngại!” 
Nhìn ở một góc độ khác, TSKH Phạm Đức Chính công tác tại Viện Cơ học thuộc Viện KH và CN Việt Nam lại cho rằng: “Quả thật, thiết bị nghiên cứu ở ta chưa thể đầy đủ và trang bị hoàn hảo như các nước tiên tiến: Anh, Nhật, Mỹ, châu Âu… Nhưng hãy nhìn thử xem biết bao thiết bị đắt tiền và 18 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia đã được đầu tư nhưng không được khai thác hiệu quả? Các thiết bị đó đã dẫn tới bao nhiêu bài báo công bố quốc tế và có được hiệu quả kinh tế - công nghệ bù đắp được giá trị các thiết bị được mua? Phải chăng các thiết bị được đầu tư chưa đúng lúc hay chưa đúng chỗ? ”
Thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu tiền? 
Thống kê cho thấy, kinh phí cho khoa học từ ngân sách nhà nước nay đã vượt 400 triệu USD/năm. Thế nhưng, các nhà khoa học Việt Nam chỉ độc lập đứng tên công bố quốc tế bình quân 80 bài báo khoa học/năm trong suốt 10 năm. Không chỉ thế, nếu xét riêng về công bố quốc tế từ nội lực (tức là tự mình làm được) – sự tụt hậu của chúng ta lại càng lớn hơn. Cụ thể, gần nửa số bài của Thái Lan là do các nhà khoa học Thái Lan viết và đứng tên tác giả. Trong khi đó, có đến 80% bài báo khoa học của các tác giả Việt Nam công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế là từ “hợp tác quốc tế”.
Trong năm 2009, các nhà khoa học đã khám phá được 19 loài động vật mới ở Việt Nam cho khoa học thế giới. Kết quả trên là công trình hợp tác nghiên cứu của các nhà nghiên cứu động vật đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp và Việt Nam.Vì sao chúng ta phải cần đến những sự hợp tác ấy, khi Việt Nam không thiếu các nhà nghiên cứu có tài, có tâm huyết và nhất là lợi thế ngay trên đất nước mình? 
Phân tích vấn đề này, TSKH Phạm Đức Chính cho rằng, “không ít người thường tìm mọi cách lảng tránh các chuẩn mực khoa học nghiêm túc và khách quan với ngụy biện: Chúng ta còn nghèo, trình độ chung còn thấp, việc thực hiện các đề tài “nghiên cứu ứng dụng” không đòi hỏi phải có công bố quốc tế như một số "nghiên cứu lý thuyết”.  Lập luận đó vẫn cứ được bám giữ trong nhiều năm, bất chấp nhiều thay đổi tích cực của đất nước thời gian qua. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của chúng ta, kể từ các đề tài lớn cấp bộ ngành và cấp Nhà nước, thực chất chỉ là tập hợp lại các tài liệu đã có ở trong và ngoài nước, áp dụng công nghệ đã có, lắp các số liệu đầu vào các chương trình do mua hoặc xin được của nước ngoài để tính... T
hế nhưng, những việc đó không phải là những nghiên cứu khoa học theo quy ước quốc tế. Phần lớn các đề tài không được thẩm định khách quan qua các bài báo công bố quốc tế, và trong nhiều trường hợp trở thành nguồn tham nhũng, và là nơi "đánh quả" của các cá nhân và nhóm đặc quyền đặc lợi. Trong khoa học – lĩnh vực cần tính chuyên nghiệp cao nhất, nhưng thực tế lại đáng buồn vì: các nhà khoa học của chúng ta thiếu tính chuyên nghiệp!”
Mặt khác, nghèo cũng là một lý do. Đơn cử trong lĩnh vực sinh học, trong 14 bài báo quốc tế công bố về các loài mới thì chỉ có 4/14 bài là các nhà nghiên cứu trong nước làm chủ bút (đứng đầu bài báo), không có bài báo nào do các nhà nghiên cứu Việt Nam đứng tên độc lập bởi tất cả các khám phá giá trị này lại đều là công trình hợp tác của Việt Nam với các nước. Điều này có thể xuất phát từ thực tế kinh phí cho nghiên cứu cơ bản ở nước ta còn hạn chế. Nhiều nhà nghiên cứu còn phải tự bỏ thêm tiền túi ra để có thể mở rộng không gian nghiên cứu cho mình.
Các mẫu so sánh của các loài đã mô tả trước kia hầu như được lưu giữ ở các bảo tàng nước ngoài (mà các nhà nghiên cứu Việt Nam khó có thể với tới được). Thêm nữa, chi phí để mua các tài liệu chuyên ngành quốc tế cũng là điều không thể, đôi khi là phải đi xin, hoặc thông qua trao đổi cá nhân… Những hạn chế này đã vô tình kéo ngắn lại những thành công độc lập của các nhà nghiên cứu động vật Việt Nam trong hành trình đi tìm những giống loài mới đang tồn tại trên khắp đất nước và cũng chính là một trong những nguyên nhân cơ bản để trả lời vì sao động vật mới sinh trưởng tại Việt Nam nhưng phải mang thêm tên Tây khi công bố và là niềm tự hào của không ít nhà nghiên cứu người… Tây!

Hà An

Đọc thêm