Vào một ngày voi không còn mọc ngà…
Đặc điểm nổi bật của tất cả các loài voi trên thế giới bao gồm thân dài, ngà, vạt tai lớn, chân to và làn da dày. Vòi voi được sử dụng để thở, đưa thức ăn, nước vào miệng và cầm nắm đồ vật. Đôi ngà, tiến hóa từ răng cửa, được voi dùng để tự vệ, di chuyển chướng ngại vật và đào hố. Đôi tai lớn giúp voi duy trì thân nhiệt ổn định và giao tiếp. Chân chúng to như cây cột giúp đỡ tải trọng lớn…
Thế nhưng, mới đây tại Mozambique – một quốc gia châu Phi, các nhà nghiên cứu phát hiện sau giai đoạn nội chiến và săn trộm với quy mô nghiêm trọng, nhiều cá thể voi tương lai ở nước này sẽ không còn mọc ngà nữa. Theo AFP, tại khu vực giờ đây là Công viên Quốc gia Gorongosa, khoảng 90% cá thể voi đã bị giết hại. Các cá thể còn sống sót đều chia sẻ cùng một đặc điểm chính là phân nửa số voi cái đều không có ngà một cách tự nhiên. Giống như màu mắt ở người, gene di truyền chịu trách nhiệm về việc voi thừa hưởng cặp ngà từ cha mẹ. Do đó, những con voi thiếu ngà đã di truyền đặc điểm này cho hậu duệ của chúng. Kết quả là phân nửa số voi cái được sinh ra từ nhóm voi sống sót đều không có ngà.
Xu hướng không ngà này không chỉ giới hạn ở Mozambique. Ở Nam Phi, hiệu ứng này đặc biệt cực đoan – tới 98% trong tổng số 174 con cái ở Vườn Quốc gia voi Addo được phát hiện là không có ngà vào đầu những năm 2000. Josephine Smit, nhà nghiên cứu hành vi voi với Chương trình voi miền Nam Tanzania cũng bật mí trong số những con voi cái mà bà theo dõi tại Vườn Quốc gia Ruaha – khu vực bị săn trộm nặng nề trong thập niên 1970 và 1980 – có tới 21% voi cái trên 5 tuổi không có ngà. Hay như ở Gorongosa, con số này cao nhất trong số những voi cái lớn tuổi: khoảng 35% voi cái trên 25 tuổi không có ngà và trong số những con voi có độ tuổi từ 5 đến 25, 13% voi cái không có ngà…
Loài voi không còn dám mọc ngà vì sự tàn ác của con người. |
Không chỉ “góp phần” làm tiêu biến ngà, nạn săn trộm còn đẩy kích thước ngà giảm xuống ở một số khu vực bị săn bắn nhiều, chẳng hạn như miền Nam Kenya. Một nghiên cứu do Đại học Duke và Tổ chức Bảo tồn Kenya Wildlife Service thực hiện vào năm 2015 đã so sánh ngà voi bị bắt ở đó từ năm 2005 đến 2013 với những chú voi được tiêu hủy trong khoảng thời gian từ năm 1966 đến 1968 (nghĩa là trước khi nạn săn trộm dữ dội diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980) và tìm thấy sự khác biệt đáng kể. Những con voi sống sót trong giai đoạn săn trộm dữ dội đó có ngà nhỏ hơn nhiều – khoảng 1/5 ở voi đực và 1/3 ở voi cái.
Tình trạng không có ngà có ảnh hưởng đến tập tính tự nhiên của loài voi hay không? Ngà là phần răng mọc quá ra ngoài, chúng thường được sử dụng cho các hoạt động hàng ngày như đào hố lấy nước hoặc khoáng chất quan trọng trong lòng đất, bóc vỏ cây để lấy thức ăn nhiều xơ, các con đực thường sử dụng ngà để tranh giành con cái.
“Những gì voi làm với ngà cũng rất quan trọng đối với các loài động vật khác. Vai trò như một loài chủ chốt hất đổ cây và đào hố lấy nước của voi rất quan trọng đối với một loạt các loài thấp hơn phụ thuộc vào chúng”, Ryan Long, nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Idaho cho biết. Hành động của ngà cũng giúp kiến tạo môi trường sống. Ví dụ một số loài thằn lằn thích làm nhà trong những thân cây bị đổ thường theo chân loài voi. “Bất kỳ hoặc tất cả những thay đổi trong hành vi này có thể dẫn đến thay đổi phân bố voi trên toàn cảnh quan và đó là những thay đổi quy mô rộng có nhiều khả năng gây hậu quả nhất cho phần còn lại của hệ sinh thái”, Ryan Long cảnh báo.
Đau đáu 4 thế hệ
Câu chuyện về voi không có ngà cho thấy, thiên nhiên đang mở ngưỡng cảnh báo đỏ vì sự can thiệp thô bạo của con người. Từ sự can thiệp này mà thiên tai dồn dập xảy ra gây ảnh hưởng đến chính cuộc sống của nhân loại. Gen Z, gen Y, gen X và Baby Boomer là 4 thế hệ trong cộng đồng nhân loại. Họ tuy khác nhau về kinh nghiệm, về bài học cuộc sống nhưng có thể gặp nhau ở sự quan tâm sâu sắc đến thiên nhiên. Bởi không ai muốn mình trở thành nạn nhân tiếp theo của vấn nạn tàn phá môi trường dẫn đến những hậu họa xã hội nghiêm trọng.
Gặp nhau tại buổi tọa đàm trực tuyến với tên gọi: “Thiên tai - Chuyện của ai?” do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia tổ chức, Thái Minh Châu - Giám đốc đối ngoại Công ty Cổ phần Sách nói Fonos – Host, diễn giả đại diện cho thế hệ Gen Y (là những người sinh năm từ 1981 đến 1996, những người bắt đầu làm quen với công nghệ thông tin, khao khát sự tự do, thay đổi lối sống cũ) đã có những chia sẻ về nỗi trăn trở của bản thân mình trước những thực trạng đáng quan ngại của thiên nhiên trong những năm gần đây.
“Trải qua trận đại dịch Covid-19 vừa qua, chứng kiến nhiều người đã gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, không chỉ là thiệt hại về tài sản mà còn cả tính mạng, vĩnh viễn mất đi những người thân trong gia đình, tôi thấy mình thật may mắn. Có nhiều lúc tôi tự hỏi, tôi thấy nhiều tin tức thiên tai hơn, phải chăng là do công nghệ thông tin ngày càng tốt hơn? Hay là bởi vì thực sự ngày càng có nhiều thiên tai hơn và hậu quả càng ngày càng khốc liệt hơn? Tôi cũng luôn tự hỏi, liệu chúng ta có thể làm gì để giảm bớt thiên tai hay giảm bớt hậu quả thiên tai?” - Thái Minh Châu trăn trở.
Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, diễn giả đại diện Gen X (là những người sinh năm khoảng 1965 đến 1980), người đã có kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam cho biết: “Sự thực là trong những năm gần đây thiên tai xảy ra ở tất cả mọi nơi trên thế giới với tần suất nhiều hơn và mức độ tàn phá nặng nề hơn. Thời gian giữa các trận đại dịch ngày càng ngắn hơn và có tới 40% số các đại dịch liên quan trực tiếp đến việc con người phá rừng, đẩy các loài động vật hoang dã chứa các loại virus, vi khuẩn - nguồn lây bệnh vào gần hơn với con người.
Thế hệ gen X đã tạo ra nhiều thành tựu phát triển, nhưng cũng đồng thời là thế hệ muốn kiểm soát thiên nhiên mạnh mẽ và gây ra nhiều sự xáo trộn đối với thiên nhiên. Quá trình trưởng thành của gen X gắn liền với những chiếc máy tính cá nhân đầu tiên và câu chuyện thế giới phẳng. Những người thế hệ gen X cũng bắt đầu suy nghĩ lại về cư xử của mình với thiên nhiên”.
Thế hệ Baby Boomer sinh ra từ 1946 đến 1964 là thế hệ khá tập trung theo chủ nghĩa tiêu dùng. PGS.TS Viên Ngọc Nam, một trong những chuyên gia lâm nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, đại diện thế hệ Baby Boomer, người đã có nhiều thập kỷ trải nghiệm sự thay đổi của thiên nhiên, xã hội phân tích: “Bản thân tôi là người đã chứng kiến nhiều sự thay đổi khôn lường của thiên nhiên trong nhiều thập kỷ qua. Trước năm 1975, nguyên nhân chủ yếu khiến mất rừng là chiến tranh, bão và mưa lớn cũng xảy ra nhưng rất ít lũ quét. Từ những năm 1975 đến 1990, đây cũng là thời kỳ chúng ta đẩy mạnh khai thác rừng tự nhiên để phục hồi kinh tế sau chiến tranh, các hậu quả xói mòn, sạt lở, lũ quét đã trầm trọng hơn, tuy nhiên, thời kỳ này, biến đổi khí hậu còn chưa rõ rệt, chưa có tác động mạnh.
Những năm 1995-2000 là thời kỳ bùng nổ của các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đặc biệt là sự phát triển ào ạt, thiếu kiểm soát của các công trình thủy điện nhỏ. Quá trình xây dựng các thủy điện nhỏ đã khiến cho diện tích lớn các khu rừng bị tàn phá. Các nhà máy thủy điện cũng khiến cho cơ cấu địa chất ở các vùng đồi núi, vốn đã không ổn định, càng trở nên nhạy cảm hơn, khiến các vụ sạt lở xảy ra ngày một thường xuyên và nghiêm trọng hơn…”.
PGS.TS Viên Ngọc Nam nhấn mạnh: “Chứng kiến những sự thay đổi và tác động khốc liệt của thiên tai, tôi thấy chúng ta cần phải dựa vào thiên nhiên mà sống, không nên làm điều gì trái với quy luật tự nhiên. Việc tăng cường nhận thức của người dân, của quan chức đối với tầm quan trọng của việc khôi phục các hệ sinh thái và giảm thiệt hại thiên tai cũng đặc biệt quan trọng, bên cạnh các giải pháp thiết yếu như thiết lập hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai, tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hay hạn chế các loại khí nhà kính do việc sử dụng xăng dầu trong đi lại, vận hành máy móc, canh tác, chăn nuôi”.
Thiên tai bây giờ nên gọi là nhân tai
Thơm Đặng - một bạn trẻ gen Z (gồm những bạn trẻ sinh từ 1997 đến 2012), năng động, nhiệt thành, đồng thời là một người dẫn dắt và khởi xướng hàng loạt hoạt động môi trường truyền cảm hứng, với những trải nghiệm sâu sắc của mình thẳng thắn chia sẻ: “Ngày nay, với sự phổ biến của công nghệ thông tin, thế hệ gen Z như tôi có thể dễ dàng tiếp cận với các kiến thức về thiên nhiên và thiên tai, mình cũng ý thức rất rõ rằng thiên tai không hoàn toàn là thiên tai nữa. Thiên tai bây giờ nên gọi là nhân tai thì đúng hơn. Chính các hoạt động của con người như: phá rừng, tiêu thụ quá mức, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên... đang khiến cho thiên tai xảy ra ngày một nhiều và nặng nề hơn. Tôi cũng nhận thấy, mỗi bạn trẻ ở thế hệ của mình cũng đều có thể hành động, không cần chờ đợi. Nếu nói hơi cường điệu thì mỗi bạn đều có thể chọn
để trở thành người hùng tiếp theo, hay cam chịu là nạn nhân tiếp theo”.