Thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng nhờ sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế đã giúp Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) thu về hàng trăm triệu đồng. Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước có giải pháp tái chế chất thải nhựa lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt khuẩn hơi nước, mang lại hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế, xã hội.
Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Ảnh: Ngọc Nga
Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Ảnh: Ngọc Nga

Sáng kiến tái chế chất thải lây nhiễm

Theo báo cáo của Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, trong năm 2023, đơn vị đã thực hiện hấp để xử lý 45.800kg chất thải y tế lây nhiễm thành chất thải thường có thể tái chế, trong đó 23.142kg được tái chế và đã thu về tổng lợi nhuận khoảng 475 triệu đồng. Giải pháp này được Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đánh giá cao và giới thiệu mô hình điểm cho các cơ sở y tế trong nước đến tham quan, học tập, đồng thời báo cáo tại nhiều hội nghị, hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm cho các đơn vị khác.

Điều dưỡng Chuyên khoa 1 Trương Thị Kiều Oanh, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, để giảm thiểu chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa y tế tại bệnh viện, sau khi QCVN:2013/BTNMT được ban hành năm 2013, bệnh viện đã nghiên cứu, liên hệ và được các chuyên gia của Cục Quản lý Môi trường y tế hỗ trợ, hướng dẫn triển khai việc thực hiện tại bệnh viện.

Phương pháp này không phát sinh khói bụi, chất khí độc hại, góp phần giảm đáng kể nguy cơ ô nhiễm không khí, đất và nước. Đồng thời chuyển chất thải y tế lây nhiễm thành chất thải thông thường có thể tái chế, hạn chế tối đa rác thải nhựa khó phân hủy, từ đó mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành y tế.

Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí. Ảnh: Ngọc Nga
Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí. Ảnh: Ngọc Nga

Ngoài ra, bệnh viện tổ chức phân loại rác ngay tại nguồn, với các thùng rác được dán nhãn rõ ràng, hạn chế nhầm lẫn. Trên xe tiêm cũng có thùng phân loại riêng, có dán nhãn tránh nhầm lẫn.

Cán bộ y tế thường xuyên tuyên truyền, vận động người bệnh, người nhà người bệnh phân loại thu gom rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tăng cường tái sử dụng và tái chế các sản phẩm nhựa... Từ đó xây dựng và duy trì thói quen thân thiện với môi trường, góp phần đẩy lùi ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường lành mạnh trong và ngoài bệnh viện.

Một góc khuôn viên xanh của Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí. Ảnh: Ngọc Nga
Một góc khuôn viên xanh của Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí. Ảnh: Ngọc Nga

Bệnh nhân chủ động giờ khám, không in phim chụp, giảm tối đa tác hại đến môi trường

Theo BSCKII Nguyễn Bá Việt, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, ngành Y tế là đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi số của tỉnh. Và đơn vị đang hướng đến mô hình bệnh viện thông minh.

Điểm sáng trong việc thực hiện chuyển đổi số tại đây là việc triển khai đặt lịch khám trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, bệnh án điện tử, phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án và thông tin bệnh viện, hệ thống lưu trữ truyền tải hình ảnh y khoa… Điều này giúp giảm thời gian khám bệnh cho bệnh nhân, giảm thải chất thải ra môi trường, xây dựng bệnh viện xanh sạch đẹp.

Không gian xanh sạch đẹp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Ngọc Nga
Không gian xanh sạch đẹp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Ngọc Nga

“Trước đây, thường xuyên có tình trạng bệnh nhân đến viện từ lúc 4-5h sáng để chờ khám. Đến khi thực hiện đặt lịch khám trực tuyến tình cảnh này đã không còn xuất hiện ở bệnh viện. Việc này giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và khi đến viện sẽ được khám ngay, dàn trải thời gian khám trong ngày. Khi chưa áp dụng đặt lịch khám trực tuyến thì người bệnh gọi điện phản ánh liên tục, vì lý do chờ đợi quá lâu. Đến nay sau khi thực hiện gần như không còn nữa”, Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Thống kê từ đầu năm 2024, tỷ lệ đặt lịch khám trước qua trực tuyến đến nay đã nâng lên 50%. Hình thức đặt lịch được triển khai qua điện thoại, zalo, website bệnh viện, qua app, kiot đăng ký tại viện... Lịch hẹn được trải đều trong ngày giúp hạn chế tình trạng quá tải cục bộ. Bệnh nhân chỉ cần đến viện trước lịch hẹn 10 - 15 phút, không phải mua sổ giấy khám bệnh nếu không có nhu cầu. Quá trình khám chữa bệnh chỉ cần một mã QR để đi khắp các khoa, phòng.

Bệnh nhân đặt lịch khám trực tuyến chủ động thời gian đến khám bệnh. Ảnh: Ngọc Nga
Bệnh nhân đặt lịch khám trực tuyến chủ động thời gian đến khám bệnh. Ảnh: Ngọc Nga

Đề cập đến lợi ích của việc không in phim chụp, BSCKI Ngô Quang Chức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho hay: “Việc không in phim chụp giúp giảm tối đa tác hại đến môi trường. Trước đó, mỗi năm bệnh viện phải in khoảng 3.000 phim/tháng và mỗi năm tiêu tốn khoảng 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, với hệ thống rửa phim ướt, hệ thống phim chúng tôi phải xử lý nước rửa phim rất phức tạp, tốn kém tiền bạc rất lớn. Hiện tại hoàn toàn không còn hệ thống phim in nên không còn thải các chất độc hại như: chì, nhựa… thải ra môi trường và tiết kiệm được rất nhiều chi phí”.

Bệnh viện sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án và thông tin bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Nga

Bệnh viện sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án và thông tin bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Nga

Đọc thêm