Cứu nạn, cứu hộ trên các tuyến cao tốc: Cần thiết phải trang bị máy bay trực thăng

(PLO) - Hôm qua (30/3), tại trụ sở Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác ATGT quý I/2018. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì Hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Mức giảm tai nạn giao thông không đạt yêu cầu

Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong quý I/2018, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT không đạt yêu cầu. Vẫn còn đến 27 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 14 tỉnh tăng trên 40%, đặc biệt có 3 tỉnh có số người chết tăng từ 150% trở lên là: Cà Mau, Tây Ninh, Cao Bằng. Tình trạng xe dù, bến cóc có xu hướng tăng mạnh, gây mất trật tự ATGT, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định. Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn còn diễn biến phức tạp...

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh đến ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ tăng, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị, trên các tuyến quốc lộ... Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do những hạn chế về hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn; còn tâm lý nể nang, thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, ATGT, tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm; phối hợp với ngành Giao thông Vận tải xây dựng các phương án phân luồng, xử lý các trường hợp ùn tắc giao thông; rà soát, sửa đổi, bổ sung các phương án phân luồng giao thông khu vực Thủ đô Hà Nội, TP HCM với các địa phương lân cận.

Ngoài ra, phải tăng cường công tác tập huấn, diễn tập cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho các lực lượng chức năng, đặc biệt là công tác chỉ huy, phối hợp và thực hành của các lực lượng liên quan trong quá trình thực hiện cứu hộ, cứu nạn các vụ TNGT trên đường cao tốc, giúp nâng cao năng lực và bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu hộ, cứu nạn. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần xây dựng phần mềm quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải, ứng dụng trên internet và điện thoại thông minh để đảm bảo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp…

Thí điểm một số điểm dừng, đón trả khách trên đường cao tốc

Thông tin về loạt vụ TNGT trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trong đó có vụ va chạm giữa xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ chạy ngược chiều giao thông và xe ô tô chở khách trên đường cao tốc ngày 18/3 đã làm 5 người chết, nhiều người bị thương, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, nguyên nhân điều tra ban đầu xác định là do lái xe không giữ khoảng cách an toàn trong điều kiện trời mưa, đường trơn, có sương mù làm giảm tầm nhìn của lái xe và giảm hiệu quả xử lý phanh của xe ô tô. Công an TP Hà Nội đã giao Phòng Cảnh sát Hình sự PC45 khẩn trương tiến hành điều tra để xác định nguyên nhân vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách.

Từ thực tế công tác cứu hộ, cứu nạn trong các vụ tai nạn này, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát, dành quỹ đất để xây dựng các đồn trạm, nơi dừng chân của CSGT, trạm y tế cấp cứu, trạm cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến cao tốc. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị với các tuyến cao tốc, cần trang bị máy bay trực thăng để cứu nạn, với sự tham gia của lực lượng quân đội và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phó Cục trưởng Cục CSGT cũng đề xuất Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương thí điểm một số điểm dừng, đón trả khách trên đường cao tốc như Hà Nội – Ninh Bình, Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Lào Cai để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và tạo điều kiện cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ…

Hà Nội xóa được nhiều “điểm đen” về TNGT

Theo báo cáo của Ban ATGT TP Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2018, TNGT đường bộ, đường sắt giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

Từ ngày 16/11/2017 đến 20/3/2018 đã giải quyết được 6/11 “điểm đen” về TNGT. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Ban An toàn giao thông TP Hà Nội, tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn TP vẫn gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Đặc biệt là số vụ TNGT xảy ra trên địa bàn các huyện ngoại thành vẫn còn cao; số người gây tai nạn giao thông chủ yếu ở độ tuổi từ 18-55.

Quý II/2018, Ban ATGT TP cho biết sẽ tiếp tục tập trung xử lý các điểm ùn tắc giao thông, “điểm đen” về TNGT trong năm 2018; tiếp tục triển khai ứng dụng dịch vụ đỗ xe thông minh (IPARKING); khảo sát các tuyến phố có đủ điều kiện để đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ.

Đọc thêm