Cứu sống người phụ nữ sốc nhiễm khuẩn nặng

(PLVN) - Sốc nhiễm khuẩn nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong, tỷ lệ lên đến 60 - 70%.
Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang mới tiếp nhận, cấp cứu nữ bệnh nhân B.T.H (47 tuổi). Bà H nhập viện trong tình trạng sốt, lúc nóng, lúc rét, kèm tức ngực, khó thở, mệt mỏi nhiều.

Cách đây 10 năm, bà H bị sỏi thận 2 bên và điều trị tán sỏi. Hai ngày trước khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân có biểu hiện đau thắt lưng hai bên.

Ngay khi tiếp nhận tại khoa Cấp cứu, người bệnh được thở oxy, truyền dịch, vận mạch, dùng kháng sinh và làm các cận lâm sàng cần thiết rồi chuyển vào khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

Nhận thấy người bệnh biểu hiện diễn biến nặng dần lên: suy hô hấp, tụt huyết áp, khí máu toan chuyển hóa, lactat máu tăng…, các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu bằng nhiều phương pháp chuyên sâu: đặt ống nội khí quản, thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh.

Kết quả xét nghiệm và chụp chiếu cho thấy người bệnh có tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, phim chụp cắt lớp vi tính có tổn thương đông đặc lan tỏa 2 phổi, hình ảnh sỏi niệu quản trái gây ứ nước thận trái kèm viêm tấy quanh thận trái, xét nghiệm phản ứng viêm tăng, chỉ số Ure/Creatinin trong máu cao.

Qua các biện pháp thăm dò, người bệnh được xác định là một trường hợp nặng với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, viêm quanh thận trái, sỏi thận 2 bên.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn lãnh đạo khoa và thống nhất đưa ra phương án điều trị là sử dụng kỹ thuật lọc máy hấp phụ bằng màng lọc Resin (HA 330) kết hợp quả lọc M100 mục đích hấp phụ cytokine và nội độc tố với hiệu quả cao nhất kết hợp các phương pháp điều trị hồi sức tích cực hiện đại khác.

Sau 2 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân đã được đặt chế độ cai thở máy, tỉnh hơn, khỏe dần, đỡ khó thở, mạch, huyết áp ổn định dần; giảm liều thuốc vận mạch, hết tình trạng toan chuyển hóa và các chức năng thận trở về bình thường. Sau 4 ngày, sức khỏe người bệnh đã cải thiện rất nhiều, tỉnh táo hơn, dừng thở máy, rút ống nội khí quản. Hiện tại, người bệnh đã ổn định và dự kiến sẽ ra viện trong thời gian tới.

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Hiếu, khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, bệnh lý sốc nhiễm khuẩn có sự giải phóng ồ ạt của các yếu tố viêm gây nên một tình trạng toan chuyển rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể tử vong, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 60 - 70%. Lọc máu hấp phụ là một trong những biện pháp hiệu quả để hạn chế sự giải phóng ồ ạt của các yếu tố viêm, điều chỉnh tình trạng sốc kèm theo và giúp cải thiện tiên lượng người bệnh.

Đọc thêm