Cứu sống nữ bệnh nhân vỡ phình mạch não

(PLVN) - Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận trường hợp người bệnh Hà Thị T (56 tuổi, Thị trấn Yên Lập, Huyện Yên Lập, Phú Thọ) cấp cứu với biểu hiện xuất huyết não.
Hình ảnh chụp trước và sau can thiệp. Ảnh: BVCC

Theo lời kể từ gia đình, bệnh nhân T có tiền sử tăng huyết áp duy trì thuốc không thường xuyên. Khoảng 19h ngày 1/4, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau đầu nhiều khi đang ăn cơm, ý thức suy giảm dần, trước đó không có va chạm vùng đầu. Sau khi được người nhà đưa vào Trung tâm y tế huyện và được các bác sĩ chụp cắt lớp vi tính sọ não với chẩn đoán ban đầu xuất huyết não được thở máy qua ống nội khí quản, chuyển tuyến lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Đến 23h00 cùng ngày, người bệnh được đưa đến Trung tâm đột quỵ Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu với 10 điểm Glasgow (Thang điểm đánh giá hôn mê), chảy máu do vỡ phình tiếp tục tăng. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch não cho hình ảnh khối phình động mạch thân nền đã vỡ, chảy máu dưới nhện lan tỏa.

Nhận định tình trạng phình động mạch não tiên lượng xấu đe dọa tính mạng nên các bác sĩ đã nhanh chóng giải thích tình trạng người bệnh và tư vấn điều trị bằng phương pháp can thiệp nút túi phình bằng vòng xoắn Coil với sự đồng thuận của gia đình.

Kíp can thiệp đã tiến hành luồn một ống thông nhỏ từ động mạch đùi khéo léo đưa lên đoạn mạch não bị tổn thương, tiếp cận túi phình động mạch não và thực hiện nút mạch bít túi phình bằng vòng xoắn Coil dưới hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).

Quá trình cấp cứu người bệnh diễn ra với rất nhiều khó khăn: khi ống luồn qua động mạch đốt sống rất hẹp (thiểu sản) và ngoằn ngoèo gây cản trở việc tiếp cận túi phình; tình trạng nặng do động mạch đốt sống bị vỡ thì tiếp tục chảy máu tiếp mà không cầm được và bệnh nhân hôn mê sâu, xuất hiện loạn nhịp tim nặng buộc các điều dưỡng phải hồi sức cả trong quá trình can thiệp khiến cho tiên lượng tử vong cao.

Với quyết tâm cứu sống bệnh nhân, kíp can thiệp đã luồn đến vị trí túi phình sau 2 giờ kiên trì. Tiếp theo, các bác sĩ tỉ mỉ thả coil bít túi phình để ngăn chặn xuất huyết não tiếp diễn. Kết quả chụp mạch kiểm tra thấy không còn hình ảnh túi phình. Ca can thiệp diễn ra thành công thuận lợi trong 3 giờ đồng hồ.

Trở về Đơn vị cấp cứu - hồi sức tích cực của Trung tâm, bệnh nhân đã tỉnh sau hai ngày và đến ngày thứ ba đã có thể rút ống nội khí quản. Đến nay, bệnh nhân đã có thể ăn uống, tự nuốt được, tiếp xúc tốt, sức khỏe ổn định, chỉ còn đau đầu nhẹ.

Trực tiếp tham gia cấp cứu, Thạc sỹ Bác sỹ Phan Ngọc Nhu - Trung tâm Đột quỵ không ngại ngần chia sẻ: “Đã có những lúc chúng tôi định dừng tay khi đường vào vị trí tổn thương quá khó nhưng anh em lại bảo nhau cố chút nữa, chút nữa dù hy vọng là quá mong manh. Để rồi tìm thấy sự vui mừng khi thả những đoạn coil chính xác vào bít tối đa túi phình bằng 04 đoạn coil. Sự phục hồi kì diệu của bệnh nhân sau đó là thành quả từ đôi tay các bác sỹ, điều dưỡng hồi sức cùng với sự chăm sóc tận tình không quản ngày đêm của gia đình”. 

Túi phình động mạch máu thường hình thành tại các vị trí mạch yếu như đoạn mạch rẽ nhánh và sẽ mở rộng dần dần. Khi trở nên to hơn, tình trạng vỡ túi phình mạch máu não sẽ xảy ra. Khi đó, máu sẽ bị rò rỉ chảy vào không gian xung quanh não. Tình trạng này còn có tên gọi khác là xuất huyết dưới nhện cực kỳ nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Đọc thêm