Bảo đảm có đủ vaccine từ năm 2022 trở đi
Theo dự thảo, mục tiêu tổng quát là có vaccine phòng Covid-19, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2021; bảo đảm có đủ vaccine từ năm 2022 trở đi.
Còn mục tiêu cụ thể là thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất vaccine tại Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước, các nhà sản xuất nước ngoài để chuyển giao công nghệ hoặc nhập khẩu vaccine bán thành phẩm về đóng ống, sản xuất tại Việt Nam.
Huy động các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn xã hội hóa để nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất vaccine đáp ứng nhu cầu tiêm phòng cho nhân dân.
Bộ Y tế rà soát, sửa đổi các quy định theo hướng rút gọn, rút ngắn thời gian thử nghiệm, cấp phép nhưng bảo đảm các điều kiện theo quy định. Yêu cầu các đơn vị nghiên cứu thúc đẩy quá trình thử nghiệm vaccine, rút ngắn tối đa thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3, có phương thức thử nghiệm phù hợp.
Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất xây dựng các đề án thử nghiệm lâm sàng theo các giai đoạn, đề xuất việc thử nghiệm ở nước ngoài, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp phê duyệt để báo cáo Bộ Tài chính xem xét, cấp kinh phí thử nghiệm lâm sàng.
Khi kết quả thử nghiệm lâm sàng thành công, các đơn vị xây dựng Đề án sản xuất vaccine, đề xuất nguồn vốn đầu tư sản xuất cho phù hợp. Trường hợp cần hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để sản xuất, các đơn vị xây dựng dự án, báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về khoa học và công nghệ.
Trường hợp vaccine trong nước được cơ quan có thẩm quyền đặt hàng theo quy định: Bộ Tài chính ban hành giá tối đa trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, Bộ Y tế ban hành mức giá vaccine cụ thể sử dụng ngân sách trung ương; UBND tỉnh quy định giá vaccine sử dụng ngân sách địa phương. Các đối tượng không sử dụng ngân sách do đơn vị tự quyết định giá bán theo nguyên tắc bù đắp đủ chi phí và có tích lũy hợp lý.
Hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2 Nano Covax
Cũng theo dự thảo, hiện nay, cả nước có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 theo các hướng công nghệ khác nhau. Cụ thể: Công ty TNHH MTV vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC); Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Nanogen); Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC).
Kết quả nghiên cứu lâm sàng của VABIOTECH, IVAC, Nanogen cho thấy các ứng viên vaccine có tính an toàn trên động vật và có tính sinh kháng thể kháng SARS-CoV-2. Riêng vaccine Covinvac của VABIOTECH sẽ được thẩm định và thông qua đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàn giai đoạn 1-2 trong tháng 7/2021.
Còn POLYVAC đang trao đổi với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về phương án, kế hoạch hợp tác phát triển vaccine phòng Covid-19 theo công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya.
Đối với vaccine Nano Covax của Công ty Nanogen, sáng 7/4, lãnh đạo Học viện Quân y cho biết, đã triển khai tiêm mũi 2, giai đoạn 2 vaccine Nano Covax (do Công ty Nanogen phát triển) cho 4 tình nguyện viên. Hôm nay (8/4), 3 tình nguyện viên cuối cùng sẽ được tiêm, kết thúc tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine Nano Covax trên người tại Học viện Quân y.
Trong giai đoạn 2, Học viện Quân y có 280 người đủ điều kiện tiêm thử nghiệm mũi 1. Tuy nhiên, đã có 2 tình nguyện viên xin rút không tham gia tiêm mũi 2. Tất cả các trường hợp tiêm tới nay đều không có phản ứng nặng, chỉ có một số biểu hiện thông thường như sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm hay mệt mỏi.
Sau khi hoàn thành tiêm giai đoạn 2 vaccine Nano Covax, nhóm nghiên cứu tại Học viện Quân y sẽ đánh giá tính sinh miễn dịch, hiệu quả của vaccine Covid-19 trên các tình nguyện viên.
Cũng liên quan đến vấn đề vaccine, trong một tuyên bố của UNICEF, bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF kêu gọi các Chính phủ, doanh nghiệp và đối tác cần đẩy nhanh tốc độ và đơn giản hóa thủ tục để loại bỏ các rào cản đối với việc mua, sản xuất và phân phối vaccine Covid-19 trên toàn cầu. Cụ thể là đơn giản hóa quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc cấp phép tự nguyện và chủ động của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó là cần chấm dứt chủ nghĩa dân tộc đối với vaccine. Các Chính phủ nên loại bỏ các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu trực tiếp và gián tiếp dẫn tới ngăn chặn, hạn chế hoặc làm chậm xuất khẩu vaccine Covid-19, nguyên liệu và vật tư.
Ngoài ra, theo bà Fore, các Chính phủ đã ký được hợp đồng cho những “liều vaccine trong tương lai” nhiều hơn mức cần thiết để tiêm cho toàn bộ dân số trưởng thành của nước mình trong năm nay thì nên ngay lập tức cho vay, chuyển hoặc tặng các liều thừa của năm 2021 cho COVAX, để vaccine này được phân bổ công bằng cho các quốc gia khác...