Cựu Tổng Giám đốc IMF sẽ đối mặt bao nhiêu năm tù?

(PLO) - Đây là câu hỏi được dư luận quan tâm cho dù cựu Tổng Giám đốc IMF Rodrigo Rato (2004-2007) đã bác mọi cáo buộc nhằm vào ông. Ngày 26/9, Tòa án Tây Ban Nha đã khai đình xét xử ông Rodrigo Rato với cáo buộc lạm dụng công quỹ khi làm lãnh đạo 2 ngân hàng hàng đầu ở nước này.
Cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Rodrigo Rato
Cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Rodrigo Rato

Nếu bị kết án, ông Rodrigo Rato sẽ phải đối mặt với án tù 4,5 năm cùng khoản tiền phạt 2,6 triệu euro. Cùng xuất hiện trước Tòa với cựu Tổng Giám đốc IMF còn có 64 người khác (1 người đã chết) - là cựu giám đốc, cựu thành viên hội đồng quản trị của 2 ngân hàng Caja Madrid và Bankia của Tây Ban Nha.

Liên tiếp bị cáo buộc

Theo điều tra của cảnh sát, những người kể trên đã tiêu 12 triệu euro từ năm 2003 đến năm 2012. Ông Rodrigo Rato và hơn 60 nghi phạm bị cáo buộc đã sử dụng thẻ tín dụng ở 2 ngân hàng Caja Madrid và Bankia để chi trả cho những chi phí cá nhân mà không công khai hay thông báo với cơ quan thuế.

Ông Rodrigo Rato cũng duy trì "hệ thống tham nhũng" được thành lập từ người tiền nhiệm Miguel Blesa, sau khi nắm quyền điều hành ngân hàng Caja Madrid vào năm 2010, thành lập một hệ thống tương tự sau khi lãnh đạo ngân hàng Bankia vào năm 2011.

Hơn 1 năm trước (24/9/2015), Tòa án Tây Ban Nha đã tịch biên tài sản của cựu Tổng Giám đốc IMF Rodrigo Rato trị giá 18 triệu euro cũng như phong tỏa tiền hưu trí của ông này sau khi ông Rodrigo Rato không nộp khoản tiền đảm bảo trách nhiệm dân sự cho Tòa.

Đây không phải lần đầu tiên danh tính của ông Rodrigo Rato được dư luận xứ sở bò tót nhắc tới. Trước đó (16/4/2015), tờ El Pais của Tây Ban Nha từng đưa tin về vụ bắt giữ cựu Tổng Giám đốc IMF vì bị cáo buộc rửa tiền.

Theo tờ Telegraph, khoảng 16 giờ ngày 16/4/2015, cảnh sát và nhân viên của Hải quan, một bộ phận của cơ quan thuế Tây Ban Nha đã khám xét tư dinh của ông Rodrigo Rato tại khu phố cao cấp Salamanca của Madrid và cựu Tổng Giám đốc IMF đã bị bắt với cáo buộc rửa tiền, gian lận.

Khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos từ chối bình luận về vụ điều tra này bởi ông có nhiệm vụ giữ bí mật các thông tin. Ông Rodrigo Rato trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau khi không phủ nhận thông tin cho rằng, đã lợi dụng ân xá thuế năm 2012 của chính phủ Tây Ban Nha để kê khai tài sản.

Ông Rodrigo Rato bị cảnh sát bắt giữ
Ông Rodrigo Rato bị cảnh sát bắt giữ

Mặc dù ông Rodrigo Rato đã xin được miễn thuế và đây là một hoạt động hợp pháp, nhưng vẫn bị Cơ quan phòng chống rửa tiền (Sepblac) Tây Ban Nha cáo buộc đã rửa tiền ở nước ngoài trước khi khai thuế, đặc biệt là các tài khoản cá nhân ở Gibraltar và quần đảo Virgin, những nơi được coi là “thiên đường” trốn thuế.

Cơ quan Thuế Tây Ban Nha từng cung cấp cho Sepblac danh tính của 705 người nộp thuế vô danh và họ đã mở một cuộc điều tra về những người này và bất ngờ thấy tên của ông Rodrigo Rato. Tờ The Guardian từng trích lời Bộ trưởng Tư pháp Rafael Catala cho biết, những gì đang được Sepblac điều tra đã được dư luận bàn tán từ lâu, đặc biệt là nguồn gốc các khoản thu nhập của ông Rodrigo Rato.

Ông Rodrigo Rato bị cáo buộc về hành vi lạm dụng thẻ tín dụng tại 2 ngân hàng Caja Madrid và Bankia, nơi cựu Tổng Giám đốc IMF từng làm Chủ tịch. Cựu Tổng Giám đốc IMF bị điều tra vì liên quan đến vụ ngân hàng Bankia, một trong những ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha niêm yết trên thị trường chứng khoán với sự gian lận và giả mạo các tài liệu.

Con đường quốc hữu hóa

Theo giới truyền thông, sau khi rời ghế Tổng Giám đốc IMF (tháng 12/2007), ông Rodrigo Rato được nhiều tổ chức tín dụng Tây Ban Nha mời làm cố vấn cao cấp, nhưng cựu Bộ trưởng Tài chính đã quyết định làm chủ Đề án thành lập ngân hàng Bankia.

Sau khi thành lập (tháng 12/2010), Bankia đã thành công trong việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO hồi tháng 7/2011) với việc huy động 3,3 tỷ euro. Đây là 1 trong những đợt IPO hiếm hoi ở Tây Ban Nha trong năm 2011.

Giới chuyên môn cho rằng, nếu không có mối quan hệ sâu rộng với quan chức chính phủ của ông Rodrigo Rato, ngân hàng Bankia khó huy động được 3,3 tỷ euro. Nhưng Bankia lại là một trong những ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha niêm yết trên thị trường chứng khoán với sự gian lận và giả mạo các tài liệu.

Năm 2011, Bankia công bố lợi nhuận 309 triệu euro, nhưng sau khi ông Rodrigo Rato từ chức, ngân hàng này lại công bố thua lỗ 3 tỷ euro. Gần 2 năm trước (16/10/2014), ông Rodrigo Rato ra tòa với cáo buộc vi phạm tài chính trong vụ phá sản của ngân hàng Bankia, buộc phải từ chức Chủ tịch Bankia sau khi bị cáo buộc gian lận và việc sử dụng thẻ tín dụng bí mật của các thành viên trong hội đồng quản trị.

Giới kinh tế cho biết, Ngân hàng Caja Madrid được quốc hữu hóa thành Ngân hàng Bankia năm 2010 và trở thành đơn vị tài chính lớn thứ tư ở Tây Ban Nha, sau khi sáp nhập với 6 quỹ tín dụng khác  là Bancaja, La Caja de Canarias, Caja de Avila, Caixa Laietana, Caja Segovia và Caja Rioja.

Mặc dù được coi là ngân hàng thương mại lớn thứ 4, là ngân hàng cho vay đầu tư vào bất động sản lớn nhất Tây Ban Nha, nhưng ngày 9/5/2012, Bankia vẫn chính thức bị quốc hữu hóa. Quyết định kể trên được công bố sau khi ông Rodrigo Rato, đột ngột xin từ chức Chủ tịch ngân hàng Bankia hôm 7/5/2012.

Khi đó, chính phủ Tây Ban Nha phải chi 4,5 tỷ euro để sở hữu 45% cổ phần và điều hành ngân hàng này. Theo thống kê, ngân hàng Bankia có thể nắm giữ 10% lượng tiền gửi của hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha (khoảng 328 tỷ euro). Nếu chính phủ không động thủ, ngân hàng Bankia bị phá sản bởi đã cho vay hơn 37,5 tỷ euro đầu tư vào bất động sản, trong đó nợ xấu, khó đòi chiếm tỷ lệ lớn.

Và quyết định chi 19 tỉ euro vào Ngân hàng Bankia được coi là nỗ lực đáng kể của chính phủ nhằm làm dịu mối lo ngại về sự mất ổn định ngành tài chính Tây Ban Nha.

Ngân hàng Bankia trở thành trọng tâm đặc biệt sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo nghi vấn về sức khỏe của toàn hệ thống tài chính Tây Ban Nha. Động thái này diễn ra sau khi Bankia tuyên bố, sẽ chi 12,75 tỉ euro để “làm sạch bất động sản”, tài sản lớn nhất trong ngành ngân hàng Tây Ban Nha (hơn 50 tỉ euro).

Ông Rodrigo Rato bị cảnh sát bắt hôm 16/4/2015
 Ông Rodrigo Rato bị cảnh sát bắt hôm 16/4/2015

Trước khi trở thành Tổng Giám đốc IMF, ông Rodrigo Rato từng làm Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha (1996-2004). Cựu Thủ tướng Jose Maria Aznar từng coi ông Rodrigo Rato là Bộ trưởng Kinh tế giỏi nhất của Tây Ban Nha.

Nhân vật số hai của Đảng Nhân dân bảo thủ là bà Maria Dolores de Cospedal thậm chí còn ca ngợi ông Rodrigo Rato là tác giả của “điều kỳ diệu đối với nền kinh tế Tây Ban Nha”.

Theo giới truyền thông, sau khi ông Horst Koehler rời ghế Tổng Giám đốc IMF để tranh chức Tổng thống Đức (tháng 3/2003), cả 3 người kế vị đều phải đương đầu với các cuộc chiến pháp lý.

Trước khi ông Rodrigo Rato bị điều tra và xét xử, Tòa án Công lý Pháp quyết định (12/9), nữ Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde sẽ bị xét xử với tội danh sơ suất trao khoản tiền 404 triệu euro cho nhà tài phiệt Bernard Tapie năm 2008 khi còn là Bộ trưởng Tài chính Pháp, dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Còn cựu Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Khan thì thân bại danh liệt sau khi ông bị bắt hơn 5 năm trước (tháng 5/2011) vì bê bối tình dục với cô hầu phòng Nafissatou Diallo ở khách sạn Softiel, Mỹ...

Tuy không phải là chuyên gia kinh tế - là nhà báo kiêm luật sư, nhưng ông Camille Gutt, người Bỉ vẫn được chọn làm Tổng Giám đốc IMF đầu tiên (6/5/1946-5/5/1951) sau khi tổ chức này được thành lập. Kế nhiệm là ông Ivar Rooth, người Thụy Điển (3/8/1951-3/10/1956).
Tiếp đến là ông Per Jacobsson, người Thụy Điển (21/11/1956-5/5/1963); ông Pierre-Paul Schweitzer, người Pháp (1/9/1963-31/8/1973); ông Johannes Witteveen, người Hà Lan (1/9/1973-16/6/1978); ông Jacques Larosiere, người Pháp (17/6/1978-15/1/1987); ông Michel Camdessus, người Pháp (16/1/1987-14/2/2000); ông Horst Kohler, người Đức (1/5/2000-4/3/2004); ông Rodrigo Rato, người Tây Ban Nha (7/6/2004-31/10/2007); ông Dominique Strauss-Kahn, người Pháp (1/11/2007-18/5/2011); và bà Christine Lagarde, người Pháp (từ 28-6-2011 đến nay)./. 

Đọc thêm