Cựu Tổng thống Pháp bị tuyên án tù

Cựu Tổng thống Jacques Chirac bị Tòa tiểu hình Paris, Pháp, kết án 2 năm tù treo hôm 15/12 vì tội biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực trong những năm 1990 của thế kỷ trước, khi ông đang là Thị trưởng Paris.

Cựu Tổng thống Jacques Chirac bị Tòa tiểu hình Paris, Pháp, kết án 2 năm tù treo hôm 15/12 vì tội biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực trong những năm 1990 của thế kỷ trước, khi ông đang là Thị trưởng Paris.

Cựu tổng thống Jacques Chirac, 79 tuổi, không xuất hiện tại tòa vì lý do sức khỏe. Ông bị cáo buộc đã sử dụng tiền của Tòa thị chính Paris, nơi ông là Thị trưởng trong thời gian từ năm 1977-1995 (trước khi đắc cử Tổng thống), để tuyển dụng nhiều người làm việc nhưng công việc của những người này lại chẳng có mối liên hệ nào với thành phố. 

Ông Jacques Chirac.

Ông Chirac được cho là người dàn dựng hàng chục bản hợp đồng lao động “ma” đó cho các bạn thân và những thành viên chính trị trong đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa (RPR). Nhiều “viên chức” ký những hợp đồng này đã chưa bao giờ làm việc. Ông cũng bị cáo buộc dùng tiền của Tòa thị chính Paris để trả cho các nhân viên trong chiến dịch tranh cử của mình.

Những hành vi này đã gây thiệt hại cho Tòa thị chính 1,4 triệu euro (1,8 triệu USD). “Thị trưởng phải chịu trách nhiệm về các khoản chi tiêu chung. Lệnh của thị trưởng yêu cầu trả lương cho đội ngũ nhân viên làm những công việc “ma” bằng quỹ chung có thể được coi như hành vi biển thủ công quỹ”, Chánh tòa tiểu hình Paris bình luận khi đọc bản án.

Cựu Tổng thống Jacques Chirac luôn bác bỏ cáo buộc trên. Và ngay cả khi Chirac “dứt khoát phản đối bản án”, ông sẽ không kháng cáo. Đây là tội danh có thể bị phạt tối đa là 10 năm tù và một khoản tiền phạt 160.000 USD Mỹ. Nhưng với ông Chirac, các thẩm phán đã tuyên 2 năm tù treo. Bản án đã gây ngạc nhiên cho nhiều người bởi chính phía công tố viên cũng kêu gọi tha bổng cho ông Chirac cùng 9 bị cáo khác tại phiên tòa.

Thực tế, tình cảm của người dân Pháp dành cho ông Chirac, một chính trị gia tài năng và quyến rũ, vẫn cao kể từ khi ông rời nhiệm.  Cùng với ông Chirac, 7 trong số 9 bị can khác cũng bị kết tội từ 2-4 tháng tù treo.

Trong giới chính trị, các phản ứng về bản án không thái quá. Những đối thủ của ông Chirac bên cánh hữu không vỗ tay tán thưởng, còn bạn bè của ông bên cánh tả thì nhắc lại rằng không một ai đứng trên luật pháp. Tuy nhiên, Francois Hollande – một người đồng hương, một người bạn của Chirac và là ứng cử viên của đảng Xã hội ra tranh chức Tổng thống Pháp tới đây – nói thêm rằng, cần phải tính đến những vấn đề về sức khỏe của vị cựu Tổng thống. Và lời bình luận “độc địa nhất” đến từ cựu chủ tịch Mặt trận quốc gia, Jean-Marie Le Pen, người cho rằng Chirac đã bị “tóm ngay cửa nghĩa trang”.

Trong nhiều năm trời, trong vai trò là tổng thống, theo điều 67 của Hiến pháp, ông Chirac đã được hưởng quyền miễn trừ. Nhưng chỉ ngay sau khi rời Điện Élysée năm 2007, các luật sư của Chirac đã phải chiến đấu mất nhiều năm trời để giúp ông tránh một phiên tòa.

Năm ngoái, cựu Tổng thống Chirac cũng đã đạt được một thỏa thuận với thị trưởng Paris mới để rút những đơn tố cáo và phải hoàn trả gần 1,6 triệu euro cho vị thị trưởng.

Nhưng cuối cùng, mức án 2 năm tù treo dành cho cựu Tổng thống Jacques Chirac đã chính thức khép lại quá trình xét xử “nhập nhằng” kéo dài hai năm, với nhiều lần bị đình hoãn vì các vấn đề liên quan tới thủ tục tố tụng. Đây là lần đầu tiên một cựu nguyên thủ quốc gia của Pháp bị tòa án kết tội và lĩnh án.

Điều quan trọng là kế hoạch về hưu mà ông Chirac đã suy tính rất nhiều và nhiều người Pháp mong muốn đã tan thành mây khói với bản án 2 năm tù treo. Cánh tay công lý có thể đã phải với ra xa quá mức, nhưng cuối cùng cũng đã “chộp” tới được vị cựu Tổng thống. Jean-Noel Cuenod, một ký giả của tờ Tribune de Genève tại Paris, nhận xét: “Bản án dành cho Jacque Chirac đánh dấu một sự phá rào trong quan niệm của Pháp về quyền của tổng thống”.

Theo ký giả Cuenod, Charles de Gaule - người kêu gọi xây dựng nên Hiến pháp của Pháp hiện nay - đã thiết lập một chế độ mà để điều hành đất nước, nguyên thủ quốc gia cần phải được bảo vệ trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, trong suốt triều đại của ông, quyền miễn trừ bảo vệ cho vị nguyên thủ quốc gia tránh các cuộc điều tra hình sự.

Thực tế, nhiều thế hệ thẩm phán đã không thể vượt được “bức tường” này nhưng nhờ sự kiên trì của các thẩm phán điều tra, trở ngại này lần đầu tiên đã được tháo gỡ. Một cựu tổng thống không giống như những người khác; ttuy nhiên, ông ta không phải là bất khả xâm phạm nữa. (…) Và những vị tổng thống sau này – dù là ai – cũng có nguy cơ mất “vương miện” nếu vướng vào vòng lao lý.

Phúc Lợi (tổng hợp)