Cứu trẻ 6 tuổi sốc phản vệ sau khi dùng kháng sinh

(PLVN) - Nhập viện điều trị viêm phổi, trẻ 6 tuổi rơi vào tình trạng suy đa cơ quan nghi do sốc phản vệ với kháng sinh.
Bé S. nay đã dần khoẻ. Ảnh: BV

Tháng 10/2022, cháu N.V.S (6 tuổi) bị bệnh viêm phổi và nhập viện tại bệnh viện tuyến dưới. Trong quá trình điều trị, trẻ bị sốc phản vệ nghi do thuốc kháng sinh.

Ngay sau đó bé được chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM trong tình trạng sốc phản vệ nặng, tổn thương đa cơ quan.

Nhận thấy tình hình nguy kịch, cháu S. được các bác sĩ khoa cấp cứu và hồi sức chỉ định và thực hiện chạy ECMO (tim phổi nhân tạo thông qua tuần hoàn ngoài cơ thể). Qua nhiều phiên điều trị với sức sống mãnh liệt, trẻ dần cai được ECMO, hồi phục gần như bình thường.

Trao đổi về việc trẻ bị sốc phản vệ, bác sĩ Nguyễn Hiền - Khoa Ngoại tổng hợp cho biết, đây là một kiểu phản ứng dị ứng cấp tính nặng và đe dọa trực tiếp tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

“Sốc phản vệ xảy ra sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng (dị nguyên) như thuốc, nhựa mủ, nọc độc, ong chích, kiến đốt,… hay là những thực phẩm hàng ngày không phù hợp với cơ thể mỗi người như: cá ngừ, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, khoai tây, đậu phộng, đậu nành.... Các dấu hiệu nhận biết như: cảm giác chóng mặt; xây xẩm đứng không vững do hạ huyết áp; tay chân lạnh; vã mồ hôi; mạch nhanh nhẹ khó bắt; phát ban trên da; buồn nôn và nôn. Bệnh nhân cần được phát hiện sớm, xử trí đúng, kịp thời, nếu phát hiện trễ hoặc xử trí không đúng có thể gây nguy hiểm.

Song song đó, ECMO đưa máu ra bên ngoài cơ thể, sau đó loại bỏ cacbon dioxit và thêm oxy vào tế bào hồng cầu. Công nghệ này được áp dụng để điều trị các ca bệnh trong giai đoạn cuối, suy tim hay suy hô hấp nghiêm trọng, cũng là biện pháp cuối cùng để cứu trẻ”, bác sĩ Hiền nói.

Đọc thêm