PV: Thưa ông, kỳ này UBTV Quốc hội đã có báo cáo giám sát về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
Ông Đinh Xuân Thảo: Trước hết phải khẳng định là số lượng không nhiều (oan sai chiếm 0,02% và bức cung, nhục hình chiếm 0,00005% tổng số vụ - pv), nhưng dù xảy ra một vụ mà nghiêm trọng thì vẫn cần phải khắc phục, vì nó liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Cũng phải nói rằng trên thế giới không có nước nào tuyệt đối không có oan sai. Chúng ta cũng phải thấy công tác điều tra truy tố xét xử, hoạt động tố tụng của Việt Nam nói chung là tốt và ngày càng tiến bộ. Tình hình án ở Việt Nam rất phức tạp, số lượng hàng trăm nghìn vụ việc hàng năm, rải ra trên cả nước.
Tôi cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó cơ quan điều tra Công an các cấp đã có nhiều giải pháp ngăn ngừa rất hiệu quả, Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề này.
Số lượng vụ việc chiếm tỷ lệ rất ít, như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ này cũng xảy ra lâu rồi.
PV: Vậy, theo ông cần nhìn nhận nguyên nhân vấn đề này ra sao?
Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Từ những vụ cụ thể, vấn đề là phải tìm ra nguyên nhân, lý do vì sao mà có oan, sai. Nếu như oan sai mà do quy định của pháp luật không chặt, có kẽ hở thì việc giám sát để tìm ra nguyên nhân giúp cho việc sửa đổi pháp luật cho phù hợp. Thứ hai là liên quan đến cơ quan tiến hành tố tụng mà do trình độ hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc có tiêu cực chẳng hạn thì phải khắc phục công tác cán bộ, từ việc đào tạo, giáo dục cho tốt.Thứ nữa là phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc điều tra, truy xét, cũng chưa tốt.
Ví dụ để điều tra thì anh phải thu thập chứng cứ, dấu vết, mà phương tiện kỹ thuật không tốt, không có thì nó cũng thiếu chính xác... ảnh hưởng đến oan sai. Qua giám sát cũng đã có đánh giá nội dung này...
Tôi muốn nói là oan sai thì không nhiều, nhưng cần nhìn nhận đúng để hạn chế, khắc phục. Cần thấy việc đó để mình kịp thời chấn chỉnh, như Quốc hội kỳ vừa rồi chuyển biến rất tích cực trong việc sửa đổi một loạt các luật từ Bộ Luật Hình sự đến Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Tố tụng Hành chính, Luật Tổ chức các cơ quan điều tra, Luật tạm giữa, tạm giam... Tổng hợp tất cả lại sẽ góp phần hạn chế oan sai để thực hiện việc bảo đảm quyền con người, quyền lợi hợp pháp của công dân và cũng đảm bảo hiệu quả cho việc phòng chống tội phạm tốt hơn.
|
Vụ án oan điển hình Nguyễn Thanh Chấn, ảnh MH |
PV: Thưa ông, nhận định về tỷ lệ giải quyết tin báo tội phạm của báo cáo giám sát cho biết vẫn còn tỷ lệ 3,1% số tin báo được xử lý quá hạn. Nhưng thực ra tỷ lệ giải quyết hơn 96,5% (gần 300.000 vụ so với hơn 307.000 tin báo) và tỷ lệ khởi tố 74% (hơn 219.000 vụ) đã vượt Nghị quyết của Quốc hội (yêu cầu tỷ lệ giải quyết là trên 90% và tỷ lệ khởi tố trên 70%). Phải chăng báo cáo giám sát đã quá khắt khe?
Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Đoàn giám sát của UBTVQH đã trực tiếp đến một số tỉnh, còn một số tỉnh khác thì giao cho Đoàn ĐBQH của tỉnh đó chủ động tổ chức để giám sát, báo cáo kết quả tổng hợp lại.
Cơ bản hoạt động tố tụng của Việt Nam trong thời gian qua (từ 2011 - 2014) so với yêu cầu, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra thì số vụ việc thụ lý, điều tra, truy tố xét xử trong cả nước số lượng rất lớn, các chỉ tiêu nhìn chung thực hiện tốt.
Như địa bàn Hà Nội là nơi chúng tôi đã trực tiếp thực hiện giám sát, tỷ lệ các vụ án hình sự so với cả nước ở mức cao, nhưng qua giám sát ở các quận huyện thì thấy được sự cố gắng của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có cơ quan điều tra Công an.
Nhưng xem báo cáo thì đúng là trong báo cáo tổng kết đánh giá cũng có phần khắt khe. Dư luận xã hội thời gian vừa qua cũng quan ngại với một số vụ việc oan sai, mặc dù chỉ xảy ra vài vụ.
Qua giám sát cũng rút ra những bài học kinh nghiệm, để phục vụ cho việc khắc phục hạn chế, thiếu sót trước hết trong lĩnh vực lập pháp và thực hiện các nguyên tắc mới về hoạt động tố tụng được quy định trong Hiến pháp 2013.
Mục tiêu là như thế, làm việc này để phục vụ nhiều mục đích, từ xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật đến việc xây dựng, hoàn thiện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm hoạt động tố tụng.