Da diết tình quê trong thơ Đinh Sỹ Minh

(PLVN) - Nếu như Việt Nam là dân tộc thơ thì nhà thơ Đinh Sỹ Minh, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội được sinh ra ở vùng “đất thơ”- Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tôi quen biết anh “không mới”, nên biết Đinh Sỹ Minh đã đến với thơ cũng lâu rồi. “Nàng thơ” cùng anh, một kỹ sư xây dựng gần như suốt quãng đời rong ruổi cùng các công trình xây dựng khắp các vùng miền.
Da diết tình quê trong thơ Đinh Sỹ Minh

Cho đến nay, nhà thơ Đinh Sỹ Minh đã “trình làng” 3 tập thơ: “Thăm thẳm bóng làng”, NXB Hội Nhà văn năm 2015; “Nhốt đam mê”, NXB Hội Nhà văn năm 2016; và gần đây là “Phồn sinh”. Tôi đồ rằng, trái tim, tâm hồn Đinh Sỹ Minh thuộc về làng, nó “thăm thẳm”, không thể không làm thơ. Thế nhưng, thơ với anh, dẫu là một sự “đam mê” không cưỡng được nhưng đã có lúc anh định “nhốt” nó lại; vậy mà, anh bất lực, anh đã “Phồn sinh”.

Nhà thơ Trần Quang Quý, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017 đã nhận xét về “Thăm thẳm bóng làng” – đứa con tinh thần đầu lòng của Đinh Sỹ Minh như sau: “Thăm thẳm bóng làng đã gợi sự quan tâm sâu nặng về cố hương, những người thân yêu, những ký ức cuộc đời của tác giả”. Đúng như vậy, làng dẫu là cái “bóng” nhưng trong trái tim thơ Đinh Sỹ Minh có sức nặng lắm. 

Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012, một người nổi tiếng, sau khi đọc “Nhốt đam mê” của Đinh Sỹ Minh đã khẳng định: “Thơ anh càng về sau càng giàu cảm xúc và tràn trề nội lực. Cái mạch quê ở tập đầu như gợi mở cho tập sau. Đinh Sỹ Minh đang làm mới thơ mình, trẻ hóa tâm hồn mình”.

 

Công việc “thẩm thơ” Đinh Sỹ Minh đã có những “đàn anh” trong làng thơ, các nhà lý luận phê bình và bạn đọc; riêng tôi – người viết bài báo “mọn” này, với tưc cách là bạn thơ, mê thơ Đinh Sỹ Minh khi anh luôn có những đổi mới về thi ảnh và ngôn ngữ thơ. Phải nói là thơ Đinh Sỹ Minh có nhiều hình ảnh đẹp. Anh tự tạc “chân dung” mình:

Tôi một gã quê ngập vào tình đất

Nghêu ngao em điệu ví quê mình

Tưới vào biển để làm tươi gió!

Rất đáng yêu và lãng mạn. Đọc thơ Đinh Sỹ Minh dù là những hình ảnh thân quen về làng, con đò, bến nước...nhưng qua “bộ lọc tâm hồn” thi sỹ, bỗng có gì đó mới lạ. Ta nghe chữ xôn xao, chộn rộn. Ngay khi viết “Về làng”, Đinh Sỹ Minh cũng có những hình ảnh rất riêng:

Về làng gặp những xửa xưa

Bao gương mặt nhớ như vừa thoáng qua

Rét nàng Bân, nắng tháng ba

Hoa mưng đỏ mặt, cánh sa ngực làng

Đinh Sỹ Minh thuộc về làng. Đọc cả ba tập thơ, cái mạch quê của tập trước gợi mở cho tập sau, Vẫn làng ấy, đất ấy, vẫn “Mùa lá rụng khẳng khiu lời thề cũ/ Hoa xoan nở cuối mùa/ nở cho cả những mong manh”, nhưng mỗi ngày anh khám phá ra những điều mới lạ nơi chốn cũ.

Đinh Sỹ Minh viết nhiều về làng, có thể đó là con đường “Đường làng chạy trong tôi ngổn ngang nỗi nhớ”, bởi “Đường nhói lòng tôi những luống cày trần thế/ Nơi mẹ cha nâu sồng giản dị/ Gieo ta hy vọng con đường”. Từ “đường làng” đến “con đường” của cuộc đời vắt ngang, kết nối bắt đầu bằng hy vọng.

 

Tôi cũng là người sinh ra từ làng nhưng đọc thơ Đinh Sỹ Minh vẫn “khát” về làng. Vâng, làng quê, nơi cất giữ biết bao kỷ niệm của những con người sinh ra, lớn lên từ đồng đất. Làng là nơi có tổ tiên, ông bà, bố mẹ, bạn bè...Nhớ làng là nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ tiên tổ. 

Làng theo ta đi suốt cuộc đời

Những mái nhà tranh lam chiều khói tỏa

Có mắt mẹ nóng lòng ngóng nhìn qua khe cửa

Trông con về sau mỗi loạt bom rơi

(Nhớ làng)

Khi tôi viết bài báo này thì trên bàn thờ của mỗi gia đình Việt còn hương khói trên bàn thờ của mùa Vu Lan, cách nhà tôi không xa tiếng chuông chùa trầm buồn. Thế nhưng khi đọc bài “Vu lan nhớ mẹ” của nhà thơ Đinh Sỹ Minh tôi thấy, nỗi buồn thật đẹp. “Vu lan nghe tiếng chuông chùa/ Giữa làn sương khói bóng xưa mẹ về/ Còng lưng gánh cả trưa hè/ Dòng sông thác lũ cánh bè mẹ trôi”. Hoặc trong bài “Giếng làng” anh viết: “Tháng bảy vu lan khẽ chạm giếng quê/ ta múc giọt thơm rắc vào thu hờ hững/ nghe mặn chát ủ từ lưng áo mẹ/ nước mắt làng đắng đót/ để cho ta được mất giếng làng”.

Tất nhiên, Đinh Sỹ Minh không chỉ viết về làng. Đề tài trong thơ anh phong phú. Trái tim của thi sỹ nặng tình cảm với quê hương, đất nước trên dặm đường người kỹ sư xây dựng đã từng có mặt. Có thể đó là những nơi rất gần làng anh như Thiên Cầm, Vinh...có thể rất xa và ngược chiều nhau như Gia Lai, Mã Pí Lèng...

 

Với Ngàn Hống, cách quê anh không xa, dãy núi biểu tượng của tâm linh và văn hóa vùng đất xứ Nghệ “rượu Tiên Điền đau đáu thi nhân/ rót sông Lam đẫm mắt nàng Kiều” và “đá đứng đá ngồi nhập hồn Từ Hải/ nghiêng mắt quê cười trắng nón cời”. Nhà thơ như nhập hồn vào sự hùng vĩ, bất diệt của sông núi quê hương:

đây núi Hồng, biển Đông hùng vĩ

đội những mùa giáp hạt lên xanh

dốc ngược sông Lam, lật ngang ngàn Hống

chín chín đỉnh dọc ngang trần thế

dọc ngang nỗi người

suối nguồn dâu bể

vắt non xanh xoa vết xước gió Lào

giản dị bên trời, thăm thẳm lên cao”.

Không có tình yêu sâu nặng với quê hương, không có những câu thơ chưng cất như vậy. Viết về Ngàn Hống chắc chắn xưa nay có rất nhiều nhà thơ nhưng hình ảnh trong thơ Đinh Sỹ Minh rất mới, độc đáo. Có thể đó là “trời cho” nhưng chắc chắn rằng, nó phải thuộc về tài thơ mới thốt lên được.

Như mọi nhà thơ khác, Đinh Sỹ Minh cũng có nhiều bài thơ về tình yêu. Tình yêu trong thơ anh vừa tinh tế vừa bạo liệt. Và như chủ đề mà tôi nói ngay từ đầu, sử dụng hình ảnh của Đinh Sỹ Minh cũng khác biệt, độc đáo:

Ngày xa em thu trút xiêm y

Thấm tận cùng nỗi đau, trao tận cùng hương sắc

Suối vét khô nguồn

Sông u mê trầm tích

(Lửng thu)

Đinh Sỹ Minh nhiều lần nói với thơ anh gần như là cuộc dạo chơi cùng ký tự. Tất nhiên đã “chơi” dù “dạo” vẫn tận cùng với nó. Anh đã từng muốn “Nhốt đam mê” như tên tập thơ thứ hai của anh nhưng rồi anh “Phồn sinh”, trở lại với thơ với tất cả những gì anh có: “Cứ giấu mãi/ Trong chiều xơ xác gió/ Chút đam mê chín rụng giữa đam mê”, và:

Để một ngày

Cháy cả hoàng hôn

Xanh như cỏ

Phù dung như cánh lá

Sau xanh xao ứa máu tâm hồn

Mặt trời rót vô tình rong rêu đá

Và một ngày đá hóa phù hoa

(Đam mê)

Nhà thơ Nguyễn Quang Hoài đánh giá “đứa con tinh thần” thứ ba là “Phồn sinh” của nhà thơ Đinh Sỹ Minh: “Tôi coi Phồn sinh là một bước phát triển mới của thơ Đinh Sỹ Minh trên hành trình thể hiện niềm đam mê của anh với thi ca”.

Nhà thơ Quang Hoài không ngần ngại khẳng định:“Chính sự phồn sinh đó đã bước đầu tạo nên giọng điệu thơ Đinh Sỹ Minh – một giọng điệu kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa tính dân tộc và tính phổ quát”. Tôi thấy ông nhận xét xác đáng, trước đam mê tận đáy với đời, với thơ của Đinh Sỹ Minh.

Đọc thêm