Đã hoàn thành 3 dự án kết cấu hạ tầng vùng trung du và miền núi phía Bắc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong tổng số 33 dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của vùng trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) cần nghiên cứu, thực hiện đến năm 2030 theo Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, sau 2 năm triển khai, đến nay đã có 3 dự án hoàn thành, 15 dự án đang triển khai.
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong 3 dự án đã hoàn thành. (Ảnh: Anh Minh)
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong 3 dự án đã hoàn thành. (Ảnh: Anh Minh)

Hoàn thành 5/17 nhiệm vụ của Đề án

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng TD&MNPB lần thứ ba tổ chức tại Phú Thọ sáng nay - 24/5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng TD&MNPB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tại Nghị quyết 96/NQ-CP, trong đó đề ra 21 chỉ tiêu, 17 đề án, nhiệm vụ và 33 dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của vùng cần nghiên cứu, thực hiện đến năm 2030.

Đến nay, qua gần 2 năm triển khai đã hoàn thành 05/17 nhiệm vụ, đề án, gồm: Phê duyệt Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phê duyệt quy hoạch 14/14 địa phương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Hoàn thành việc thành lập, kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng vùng; Đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở của Vùng; Đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Đối với 12 nhiệm vụ còn lại chưa hoàn thành là các đề án lớn về chính sách đặc thù phát triển Vùng, chính sách về thương mại biên giới, cụm liên kết ngành, quản lý môi trường và chia sẻ nguồn nước,… đang được các Bộ, địa phương xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các cơ quan có liên quan.

Riêng về phát triển kết cấu hạ tầng, toàn Vùng đã hoàn thành 3 dự án (Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Nâng cấp cảng hàng không Điện Biên;Tuyến Đoan Hùng - Phú Thọ), đang triển khai 15 dự án trên tổng số 33 dự án trọng điểm của Vùng (như Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng; cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La)…); 15 dự án còn lại trong Chương trình hành động đang được các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu để triển khai trong thời gian tới…

Tình hình triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ tình hình triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Theo đó một số dự án đã hoàn thành và đang tích cực triển khai như Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Dự án này đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác vào ngày 24/12/2023. năng lực tăng thêm khoảng 40km đường cao tốc với quy mô 4 làn từ đó kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.

Với Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 (chiều dài 104 km, quy mô đầu tư 02 làn hạn chế, giải phóng mặt bằng (GPMB) với quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách TW hỗ trợ là hơn 5.600 tỷ đồng), Dự án đã được khởi công từ tháng 5/2023 và dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Hiện 02 địa phương đang rà soát, đề xuất phương án mở rộng lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, đồng thời kéo dài từ Bắc Quang đến TP Hà Giang.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức BOT với tổng chiều dài tuyến 121 km; giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93km. Dự án đã khởi công ngày 01/01/2024 và dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2025.

Khó khăn vướng mắc của dự án này là chỉ tiêu sử dụng đất tại tỉnh Lạng Sơn, đến năm 2025 cần tăng thêm 188 ha đất giao thông, trong khi thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cần nhiều thời gian. Ngoài ra, khó khăn về khả năng huy động vốn của Nhà đầu tư nên dự án đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư để nâng mức vốn tham gia của ngân sách nhà nước (NSNN) thêm 3.220 tỷ đồng.

Với Dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La), dự án này gồm 04 đoạn, trong đó: Tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình, dài 23km, tỉnh Hòa Bình hiện đang lập dự án để mở rộng quy mô lên 6 làn và triển khai thực hiện theo hình thức BOT; Tuyến đường liên kết Vùng TP Hòa Bình - Đà Bắc (km0-km19), tỉnh Hòa Bình đang rà soát đề xuất điều chỉnh hướng tuyến và thực hiện theo quy mô cao tốc; Tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (km19-53), đoạn thuộc địa bàn tỉnh Hòa Bình có chiều dài 34 km, hiện chưa chọn được nhà đầu tư và chưa khởi công; Tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu: đoạn thuộc địa bàn tỉnh Sơn La có chiều dài 32,3km, đã được Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm giao tỉnh Sơn La là cơ quan chủ quản; hiện tỉnh đã hoàn thành thủ tục đầu tư và dự kiến khởi công sau khi Quốc hội bổ sung vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.

“Như vậy, toàn tuyến Dự án hiện nay chưa khởi công và chậm so với tiến độ phê duyệt…” - Bộ trưởng lưu ý.

Thông tin về Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo hình thức BOT, Bộ trưởng cho biết, Dự án này có quy mô cấp 4C, công suất 1,5 triệu hành khách/năm; tổng vốn đầu tư là 4.208 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN là 2.103 tỷ đồng.

Dự án đã hoàn thành công tác GPMB giai đoạn 1, hiện chưa lựa chọn được nhà đầu tư, tỉnh Lào Cai đang điều chỉnh chủ trương đầu tư để tăng vốn NSNN tham gia vào dự án.

Sáng 24/5/2024, Chính phủ tổ chức "hội nghị 2 trong 1": Hội nghị Hội đồng điều phối TD&MNPB, kết hợp công bố quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sáng 24/5/2024, Chính phủ tổ chức "hội nghị 2 trong 1": Hội nghị Hội đồng điều phối TD&MNPB, kết hợp công bố quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài các dự án cụ thể nêu trên, Bộ trưởng cho biết, các Bộ, ngành đang nghiên cứu phương án đầu tư một số dự án như: Tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài- Lào Cai; Tuyến Đoan Hùng - Chợ Bến; Giai đoạn 2 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Tuyến cao tốc Bắc kạn - Cao Bằng; Tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu quốc tế Tây Trang; Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt điện khí hóa Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…; Đồng thời các địa phương đang rà soát, xây dựng phương án nâng quy mô các tuyến cao tốc lên 4 làn hoàn chỉnh, bổ sung các tuyến kết nối, nút giao để phát huy hiệu quả các cao tốc trên địa bàn.

Để thúc đẩy tiến độ các dự án quan trọng, liên kết vùng, Bộ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để sớm khởi công dự án, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã khởi công.

Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư hoặc nghiên cứu triển khai, lồng ghép đưa vào trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…

Đọc thêm