Theo đó, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, qua gần 4 năm triển khai thực hiện, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn thành phố đã đi vào nề nếp. Nhìn chung, hầu hết các cơ quan đăng ký hộ tịch đều tích cực, chủ động trong công tác hộ tịch ở địa phương, đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng nhu cầu đăng ký hộ tịch của công dân trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, qua theo dõi công tác này tại địa phương cũng như trên cơ sở phản ánh của người dân cho thấy, trong thời gian qua, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận giải quyết các yêu cầu đăng ký hộ tịch của công dân, nhất là yêu cầu đăng ký lại khai sinh, đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ giấy tờ cá nhân, đăng ký lại việc tử, đăng ký khai tử cho người chết đã lâu…, gây phiền hà cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân như: hướng dẫn hồ sơ không đầy đủ, không có phiếu hướng dẫn, nhiều trường hợp từ chối tiếp nhận nhưng không trả lời rõ lý do bằng văn bản, kết quả giải quyết không đúng thời gian theo quy định… dẫn đến bức xúc trong nhân dân.
Công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng |
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên cũng như để công tác đăng ký hộ tịch ở địa phương ngày một hiệu quả, đảm bảo mọi sự kiện hộ tịch đều được đăng ký nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp các quận, huyện và UBND các phường, xã trên địa bàn thực hiện tốt việc tiếp nhận các yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân, hướng dẫn hồ sơ cho người dân tận tình, chu đáo, nhất là đối với hồ sơ đăng ký lại khai sinh, đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ giấy tờ cá nhân, đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, đăng ký lại việc tử bằng phiếu hướng dẫn; giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng thời gian quy định. Trường hợp từ chối, lãnh đạo UBND các quận, huyện, phường, xã (theo thẩm quyền) phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chỉ đạo UBND các phường, xã tiếp nhận 100% hồ sơ yêu cầu đăng ký khai tử đối với trường hợp chết đã lâu thuộc thẩm quyền đăng ký theo quy định của Luật Hộ tịch (không được từ chối tiếp nhận). Trong quá trình tiếp nhận, giải quyết, nếu người đi đăng ký khai tử không cung cấp được các giấy tờ chứng minh sự kiện chết cũng như các thông tin để đăng ký khai tử như họ tên, năm sinh của người chết, nguyên nhân, thời gian, địa điểm chết, quốc tịch của người chết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiến hành xác minh thực tế tại địa phương nơi cư trú cuối cùng của người chết hoặc nơi chết để nắm thông tin đăng ký khai tử. Trong quá trình giải quyết, nếu có khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ, cơ quan đăng ký hộ tịch gửi văn bản xin ý kiến cơ quan quản lý hộ tịch cấp trên (Phòng Tư pháp, Sở Tư pháp) để được hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời.
UBND thành phố cũng đồng thời giao Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ kiểm tra việc từ chối giải quyết việc đăng ký hộ tịch của công dân trên địa bàn, định kỳ hằng năm báo cáo UBND thành phố.