Đà Nẵng: Nhiều vấn đề cần làm rõ trong vụ án bắt giữ người trái pháp luật

(PLO) - VKS quận Thanh Khê, Đà Nẵng đã có cáo trạng truy tố anh Nguyễn Hoàng Tuấn về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” mặc dù người bị hại, trước đó khẳng định việc ở lại nhà người bị truy tố là ở nhờ và hoàn toàn tự nguyện.
Đà Nẵng: Nhiều vấn đề cần làm rõ trong vụ án bắt giữ người trái pháp luật

Ngày 17/10/2016, Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh việc anh Nguyễn Hoàng Tuấn bị truy tố về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” có dấu hiệu oan sai vì chính “người bị hại” đã có văn bản xác nhận mình không bị bắt giữ và việc ở lại nhà anh Tuấn là ở nhờ. Ngay sau đó, vụ án đã được VKS trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung để làm rõ sự việc anh Nam ở lại nhà anh Tuấn là do bị bắt giữ hay là “ngủ nhờ”.

Ngày 19/12/2016, CQĐT Công an quận Thanh Khê đã có kết luận điều tra bổ sung vụ này và vẫn giữ nguyên nội dung như những kết luận trước đó và tái khẳng định quan điểm về việc anh Huỳnh Văn Nam bị bắt giữ trái pháp luật tại nhà anh Nguyễn Hoàng Tuấn vào tối 25/4/2016. Chỉ có điều, những chứng cứ chứng minh việc vô tội của Nguyễn Hoàng Tuấn, đặc biệt là nội dung tự trình bày anh Nam về việc không bị bắt giữ đã bị đảo ngược.

Trở lại nội dung vụ án, do còn nợ tiền của Nguyễn Hoàng Tuấn nên ngày 25/4/2016, anh Nam hẹn gặp anh Tuấn để thương lượng việc trả tiền. Cả hai hẹn gặp tại một quán café, với sự có mặt của một người bạn khác tên là Lâm (cũng cho anh Nam vay tiền). Sau đó, anh Tuấn và anh Nam đã về nhà anh Tuấn tại đường Hà Huy Tập, TP Đà Nẵng để tiếp tục câu chuyện vay tiền còn chưa xong. Buổi trưa cùng ngày, vợ anh Nam cũng có mặt để giải quyết việc trả nợ nhưng không xong. Anh Nam tiếp tục ở lại nhà anh Tuấn. 

Khoảng 18 giờ tối cùng ngày, anh Nguyễn Hoàng Tuấn đưa bạn gái đi ăn tối còn anh Huỳnh Văn Nam vẫn ở lại nhà anh Tuấn. Anh Nam thông báo cho vợ biết việc chưa thương lượng trả nợ được nên vợ anh Nam đã báo cáo Công an phường Xuân Hà về việc Tuấn giữ anh Nam ở nhà. Công an phường Xuân Hà đã đến kiểm tra, lúc này có mặt anh Nam tại nhà Tuấn nhưng những người có mặt tại đây đều khẳng định không có việc bắt giữ người mà anh Nam ở đây để thương lượng việc trả nợ. Do đó, Công an phường Xuân Hà cũng đã chấm dứt việc kiểm tra. Đây là chi tiết rất quan trọng của vụ án, phù hợp với việc anh Nam trình bày là không bị bắt giữ trong đơn gửi CQĐT, VKS quận Thanh Khê.

Sau khi CQĐT khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật thì ngày 11/5/2016, anh Huỳnh Văn Nam có đơn gửi CQĐT và VKS quận Thanh Khê khẳng định anh không hề bị anh Tuấn bắt giữ trái pháp luật mà ở lại nhà anh Tuấn hoàn toàn tự nguyện và đề nghị đình chỉ vụ án đối với anh Tuấn. Nếu sự thật đã sáng tỏ như trong đơn mà anh Huỳnh Văn Nam gửi CQĐT và VKS thì có nghĩa là việc khởi tố, bắt giam đối với Nguyễn Hoàng Tuấn là sai.

Tuy nhiên, trong kết luận điều tra bổ sung, sự việc anh Nam có đơn gửi CQĐT trình bày về việc mình không bị bắt giữ đã được lý giải theo cách khác. Theo đó, CQĐT đã lấy lời khai lại của Huỳnh Văn Nam về nội dung mà anh đã gửi CQĐT ngày 11/5/2016. Theo kết luận điều tra bổ sung của CQĐT, việc làm đơn này của anh Nam chỉ là nhằm “hòa giải”, không làm thay đổi bản chất. Với kết quả điều tra này, ngày 16/1/2017, VKS quận Thanh Khê đã ra cáo trạng truy tố Nguyễn Hoàng Tuấn về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Với cách lý giải đầy mâu thuẫn về chứng cứ quan trọng nhất của vụ án là lời khai của anh Huỳnh Văn Nam, việc việc VKS quận Thanh Khê truy tố anh Nguyễn Hoàng Tuấn về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” là rất “rủi ro” về pháp luật.

Theo Luật sư Trần Việt Hùng thì tội bắt giữ người trái pháp luật bao gồm các hành vi bắt, giữ, giam người khác, trực tiếp hạn chế quyền tự do đi lại của người bị bắt, giữ, giam. Việc xâm phạm quyền tự do đi lại của người khác có thể được thực hiện bằng vũ lực hoặc thủ đoạn khác, buộc người bị bắt, giữ ở lại một cách không tự nguyện. Thời điểm kiểm tra hành chính của Công an phường Xuân Hà đã cho thấy, việc anh Nam ở lại là tự nguyện, phù hợp với đơn gửi CQĐT, VKS. Việc điều tra bổ sung bằng cách lý giải khác đi sự thật này là không hợp lý trong cách đánh giá chứng cứ, có thể gây oan sai.

Trong vụ án này, một điều đáng lưu tâm nữa là việc anh Nguyễn Hoàng Tuấn bị tạm giam gần 1 năm qua, trong khi tội danh mà VKS truy tố anh chỉ có mức hình phạt dưới 2 năm tù, không được áp dụng biện pháp tạm giam. Theo Luật sư Lê Văn Kiên, để hạn chế hậu quả của vụ án nếu việc khởi tố đối với anh Nguyễn Hoàng Tuấn là sai, VPLS Ánh Sáng Công lý đã đề nghị CQĐT thay đổi biện pháp tạm giam đối với anh Tuấn. Nhưng CQĐT đã trả lời việc giam giữ này để điều tra một tội phạm khác và không chấp nhận chấm dứt việc giam giữ. Đến nay, việc điều tra đã kết thúc và anh Nguyễn Hoàng Tuấn không bị điều tra, truy tố về tội phạm nào khác. Liệu có phải vì bị can đã bị giam giữ dài ngày mà các cơ quan tố tụng quận Thanh Khê phải tiếp tục theo đuổi vụ án? Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm