Đà Nẵng xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ những bất cập, ý kiến tâm huyết và đề xuất các giải pháp trong nhiều lĩnh vực của 150 đại diện các hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp... Đà Nẵng cũng đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022.
Đà Nẵng đối thoại doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát triển kinh tế.
Đà Nẵng đối thoại doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát triển kinh tế.

Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp diễn ra ngày 24/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 vừa qua, trong công tác chống dịch COVID-19, Đà Nẵng đã liên tục triển khai các phương án giãn cách nghiêm ngặt. Tuy thành công ban đầu về khống chế dịch bệnh, nhưng các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch bệnh đã tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền thành phố đã tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, nhiều giải pháp khi triển khai trong thực tế vẫn còn lúng túng, gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp.

Đà Nẵng khi áp dụng các biện pháp mạnh đã tác động lớn đến kinh tế, xã hội thành phố

Đà Nẵng khi áp dụng các biện pháp mạnh đã tác động lớn đến kinh tế, xã hội thành phố

Tại buổi đối thoại này, bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân TP. Đà Nẵng kiến nghị, chính quyền thành phố cần đẩy nhanh việc tiêm chủng cho người lao động và toàn dân kể cả trẻ nhỏ. Cùng đó, nâng cao năng lực điều trị COVID-19 sẵn sàng cho giai đoạn mới đó là giai đoạn khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn.

Các chính sách tín dụng, hỗ trợ tín dụng, vay ưu đãi, vay không thế chấp cần được triển khai sát thực tế hơn để đến được với các doanh nghiệp. Ngoài ra, có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 và không điều chỉnh tăng giá đất trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần xây dựng các kịch bản phòng chống dịch cho giai đoạn mới; quy định cụ thể việc xử lý ca F0 trong nhà máy, doanh nghiệp, cộng đồng để đảm bảo an toàn và duy trì sản xuất.

Các doanh nghiệp tham gia đã có nhiều kiến nghị, giải pháp mong thành phố tháo gỡ

Các doanh nghiệp tham gia đã có nhiều kiến nghị, giải pháp mong thành phố tháo gỡ

Ông Dương Tiến Lâm, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam tại Đà Nẵng cho rằng, việc xin phép ra vào thành phố khá phức tạp. Doanh nghiệp rất lúng túng. Các doanh nghiệp trực tiếp đến phường nộp đơn nhưng không được ai giải quyết. Ông Lâm đề xuất, việc ra, vào thành phố cũng cần được thực hiện online và đơn giản để tránh chồng chéo với những quy định khác.

Chủ trì buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, trong thời gian tới, thành phố sẽ mở lại nhiều hoạt động sinh hoạt, sản xuất, theo hướng tiếp tục nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, và nhiều khó khăn vướng mắc hiện nay sẽ được tháo gỡ.

Trong tháng 10/2021, lãnh đạo thành phố cam kết đảm bảo tiêm vaccine mũi 1 cho 100% người dân thành phố trong độ tuổi cho phép, đến cuối năm tiêm đủ 2 mũi. Đồng thời, hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp theo kế hoạch xét nghiệm.

Việc chuyển đổi số sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và lãnh đạo thành phố cam kết chịu trách nhiệm về thuận lợi hóa thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy đoàn kết, tự lực tự cường, chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, tương ứng phương án phòng chống dịch của thành phố.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định thời gian tới nhiều khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định thời gian tới nhiều khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ

Về mục tiêu phát triển kinh tế, trên cơ sở ước thực hiện năm 2021, thành phố xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022 ở 3 cấp độ Thấp, Trung bình và Cao, trong đó: khu vực công nghiệp - xây dựng có tốc độ phục hồi và tăng nhanh hơn khu vực dịch vụ; khu vực nông, lâm, thủy sản cơ bản duy trì như nhưng năm trước.

Đối với kịch bản Thấp, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 4,47% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,85%, 5,4% và 3,87%.

Đối với kịch bản Trung bình, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 5,75% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 2,5%; 6,8% và 5,4%.

Một số ngành phục hồi và có mức tăng trưởng mạnh là tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 20,2), thông tin và truyền thông (tăng 18,9%), hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (tăng17,2%), bán buôn, bán lẻ (tăng 16,8%), giáo dục và đào tạo (tăng 16,7%); một số ngành phục hồi nhưng chưa trở lại tương đương với năm 2019 là công nghiệp chế biến, chế tạo (93,4%), xây dựng (98,5%), vận tải kho bãi (94,51%), lưu trú và ăn uống (57%).

Đối với kịch bản Cao, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3,01%, 8,40% và 6,63%.

Từ đó, lãnh đạo thành phố đưa ra kết luận tại buổi đối thoại: “Với tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 đạt trên 95% vào cuối tháng 9/2021, 100% mũi 1 và 22,1% mũi 2 vào cuối tháng 10/2021; khả năng kiểm soát dịch bệnh ở cấp độ 1 (trạng thái bình thường mới), khả năng thành phố sẽ đạt được các chỉ tiêu năm 2022 theo kịch bản Trung bình.

Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế quốc tế sớm phục hồi trở lại, các ngành kinh tế cấp 1 chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của thành phố như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng Vận tải kho bãi; Dịch vụ lưu trú và ăn uống… sẽ được phục hồi nhanh, trở lại mức tương đương hoặc cao hơn năm 2019 thì khả năng thành phố sẽ đạt được tăng trưởng ở mức kịch bản Cao”.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm