Đã rõ 'một bộ phận' làm mất uy tín của chính quyền

(PLO) - Trong hội nghị trực tuyến với các địa phương diễn ra trong ngày 3/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Nửa đầu năm, dù cơ chế, giải pháp đưa ra đồng bộ nhưng việc triển khai “thiếu lửa”, chưa đủ quyết liệt trong một bộ phận cán bộ, công chức, địa phương khi chùng chình, chưa kiên quyết thực hiện. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Nguyên nhân thì Thủ tướng đã chỉ rõ là do tham nhũng, lợi ích nhóm nên cán bộ chính quyền có hành động gây tai tiếng, còn địa chỉ cụ thể, những ai gây ra thì Thủ tướng không chỉ đích danh nhưng hiện tượng này khá phổ biến và mọi người đều biết.

Gần đây nhất, thấy rõ nhất là các vụ việc xảy ra tại Yên Bái khiến dư luận bất bình và chính quyền nơi đây mắc tai tiếng nặng nề. Có đủ các thứ gây tai tiếng hội tụ nơi đây, từ các dinh thự lộng lẫy của các quan chức đầu tỉnh đến việc cấp phép “thần tốc” trong sử dụng đất, từ những lời bao biện khó lọt tai đến hành vi hối lộ nhà báo mua sự im lặng, từ hành vi ngăn cản phóng viên tác nghiệp đến biện pháp nghiệp vụ bắt giữ người “phạm tội quả tang”, từ việc bổ nhiệm người chưa đủ tiêu chuẩn đến những cánh rừng Pơ mu bị triệt phá. Những sự việc này càng tương phản, nghịch tai, gai mắt khi đặt trong bối cảnh Yên Bái là một tỉnh nghèo nhất nước, đời sống nhân dân còn khổ cực, máu rừng vẫn chảy và không chỉ có máu rừng!

Tại nhiều địa phương khác nhau, hiện tượng “loại người tài, chọn người nhà” đang diễn ra khá phổ biến và tình trạng “cả họ làm quan” không phải là chuyện hiếm mà là báo chí chưa phanh phui hết mà thôi. Mới đây, lại xảy ra hiện tượng “loại người ngoài, chọn người nhà” khi ông Chủ tịch huyện nọ có đến 6 con cháu vào biên chế trong một thời gian ngắn.

Không ít người lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình làm những chuyện khuất tất trong đề bạt, bổ nhiệm, tuyển người vào biên chế hoặc xóa bỏ hợp đồng của một loạt người để ký hợp đồng mới với một loạt người khác. Một vài trường hợp giữ chức vụ cao, có tiếng là trong sạch thì vướng vào “nghi án” dùng bằng giả cho danh xưng tiến sỹ, sở hữu khối tài sản lớn, thiếu trung thực trong kê khai.

Có những cán bộ không giữ chữ “tín” với dân, thờ ơ trước quyền lợi của đất nước hoặc của nhân dân bị xâm hại như vụ sân gôn Tân Sơn Nhất hoặc vụ tàu thép gỉ, máy hỏng đóng cho ngư dân. Biểu hiện cửa quyền, xa dân, trù dập người tố cáo, làm ngơ trước những khiếu nại chính đáng của dân chúng,... đã có từ lâu và vẫn còn tiếp tục diễn ra gây bức xúc xã hội.

Thủ tướng đã chỉ ra “một bộ phận” đó. Gây tai tiếng, làm mất thanh danh và uy tín cần phải có của chính quyền, tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin chế độ, gây bất bình trong dư luận, những hành động kiểu đó cần xử lý nghiêm. Nếu còn tình trạng “giơ cao, đánh khẽ”, “rút kinh nghiệm sâu sắc” thì sự việc tồi tệ đó còn tái diễn! 

Đọc thêm