Đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu

(PLVN) - Đây là kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội đối với 1 trong 2 nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Doanh nghiệp, sau phiên thảo luận tại Hội trường đợt họp trực tuyến Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa qua.
Doanh nghiệp sẽ không phải thông báo mẫu dấu? (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp sẽ không phải thông báo mẫu dấu? (Ảnh minh họa)

Theo đó, trên cơ sở kết luận của Đoàn Chủ tịch tại phiên thảo luận tại Hội trường ngày 21/5, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 2 nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, về thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp, qua lấy kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, đã có 57,27% số phiếu đồng ý với phương án 1: bỏ quy định yêu cầu phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh và 42,49% đồng ý với phương án 2: Giữ quy định yêu cầu phải thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh như quy định của Luật hiện hành.

Bên cạnh đó, còn một số ý kiến khác cho rằng con dấu trước đây do Nhà nước quản lý trong giai đoạn Nhà nước nắm toàn diện hầu hết lĩnh vực kinh tế - xã hội, đó là lĩnh vực bí mật nhà nước. 

HIện nay, doanh nghiệp là thực thể mang tính xã hội, phải trao lại quyền cho doanh nghiệp được tự lựa chọn biểu tượng và hình thức bảo đảm an toàn pháp lý, Nhà nước không nên áp đặt. Doanh nghiệp có thể có hoặc không có con dấu, toàn quyền quyết định hình thức con dấu, không nhất thiết phải quy định tròn, vuông... vì đó là biểu tượng của doanh nghiệp. 

Cũng có ý kiến cho rằng trong thời kỳ quá độ, doanh nghiệp có dấu hoặc không có dấu đều hợp pháp. Chữ ký là đủ tính hợp pháp của hoạt động doanh nghiệp nhưng có con dấu thì vẫn bảo đảm hơn về tư cách pháp nhân. Quy định để doanh nghiệp lựa chọn nhằm bảo đảm linh hoạt, phù hợp với điều kiện hoạt động, quy mô, tính chất của doanh nghiệp.

Còn về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh, đã có 40,18% đồng ý với phương án 1 quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và có 59,58% đồng ý với phương án 2 xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. 

Ngoài ra, vẫn còn một số ý kiến khác cho rằng quy định nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (Hội nghị Trung ương 5 khóa 12). 

Cũng có ý kiến nhất trí thiết kế một chương riêng để điều chỉnh mức độ nhất định đối với hộ kinh doanh hiện nay vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần lưu ý khi sửa đổi Luật Cư trú sẽ bỏ hộ khẩu nên sẽ không còn là hộ kinh doanh, đòi hỏi cần thiết kế theo hướng cá nhân kinh doanh thay cho hộ kinh doanh. 

Có ý kiến đồng ý với phương án 1 nhưng đề nghị quy định về điều kiện đăng ký hộ kinh doanh chỉ có tối đa là 5 lao động thay vì 9 lao động như quy định của Luật hiện hành. Thực tế, có nhiều hộ kinh doanh có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn nhưng vẫn đăng ký hộ kinh doanh, như vậy là không công bằng trong hoạt động kinh doanh (hộ kinh doanh chỉ thực hiện thuế khoán, còn doanh nghiệp thì phải kê khai thuế)…

Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Đọc thêm