Đã trình phương án thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn

(PLO) - Sau một tuần xôn xao với các quyết định “cho phá sản” 2 dự án về ethanol, tìm cách xử lý các dự án nghìn tỷ đang “ngắc ngoải” và tiến độ thoái vốn ở các tập đoàn lớn, Bộ Công Thương đã lên tiếng chính thức về vấn đề này trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ, diễn ra vào cuối tuần trước. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tính kỹ phương án cho phá sản!

Theo ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ  Công Thương), sau gần nửa năm chính thức có Ban Chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém của ngành Công Thương, Ban Chỉ đạo đã ra liên tục gần 200 văn bản liên quan đến từng dự án, từng vấn đề rất sát sao để xử lý đến cùng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Hưng khẳng định: “Đến thời điểm này, trên cơ sở chỉ đạo, tháo gỡ sát sao, một số dự án đã có chuyển biến ban đầu rất tốt như 4 nhà máy phân bón đã đi vào sản xuất trở lại có hiệu quả. Hai nhà máy sản xuất thép cũng có chuyển biến tích cực. Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã lên phương án tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản, hàng tồn kho. Thời gian tới sẽ còn nhiều vấn đề tiếp tục phải triển khai”.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch nhấn mạnh thêm, nguyên tắc chỉ đạo đầu tiên của Chính phủ là phải làm cho dự án tốt lên, xử lý triệt để các vấn đề còn tồn đọng của từng dự án. Nguyên tắc thứ hai là ngay lập tức các tập đoàn, tổng công ty, các chủ đầu tư, nhà máy của các dự án phải nâng cao hiệu quả quản trị, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh. Dựa trên các chỉ đạo này, ngay trong tháng 7/2017, Bộ Công Thương sẽ có phương án trình Ban Chỉ đạo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ về các phương án xử lý triệt để các dự án.

Trước những vấn đề liên quan đến các quyết định cho phá sản đối với 2 dự án ethanol, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng: “Thẩm quyền cho phá sản hay không không phải của Bộ Công Thương mà là Chính phủ. Sau khi có phương án thì phải thực hiện đúng theo quy định”.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Hải cũng cho biết, các dự án tồn đọng của ngành Công Thương đang trong giai đoạn chờ xử lý, vì đây là những dự án thuộc các tập đoàn, tổng công ty với quy mô vốn lớn, số lượng lao động nhiều, do đó vẫn cần có thêm thời gian để giải quyết.

“Ví như các dự án của ngành Than. Trong điều kiện giá than sản xuất trong nước đắt hơn giá than nhập khẩu, ngành Than vẫn đang có những tính toán để làm sao không ảnh hưởng tới 113.000 lao động của toàn ngành. Đấy cũng là một khó khăn lớn cần tính đến khi quyết định số phận của các tổng công ty, tập đoàn lớn” -Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Ông Hải cũng cho biết thêm, mỗi lao động ngành Than đang có 4-5 người trong gia đình phụ thuộc, nên riêng đối với ngành này vẫn cần phải xem xét rất kỹ lưỡng. Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng cục Năng lượng trình Chính phủ đề án thoái vốn ngay trong tháng 7 này.

Sẽ hoàn thành việc thoái vốn ở Sabeco, Habeco trong năm 2017

Trước sức ép về các vấn đề đòi hỏi phải thoái vốn nhà nước để khu vực kinh tế tư nhân có đất để phát triển, bà Nguyễn Thị Hoa, Thường trực Ban Đổi mới DN (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tích cực chủ động hỗ trợ, chỉ đạo công tác thoái vốn, cổ phần hóa các DN. 

Theo bà Hoa, trên cơ sở Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DN nhà nước, DN có vốn nhà nước và Danh mục DN nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ đang tập trung xây dựng, sắp xếp cổ phần hóa, kế hoạch thoái vốn tại các DN cổ phần hóa và trình phê duyệt theo thẩm quyền.

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Hoa cho biết thông tin về đề án thoái vốn tại 4 Tập đoàn trực thuộc Bộ. Theo đó, hiện tại Bộ đã trình 3 đề án lên Chính phủ, gồm Đề án của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Riêng đề án của TKV hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 này. Được biết, hiện đề án thoái vốn ở EVN đã được phê duyệt.

Cũng theo thông tin phát đi từ cuộc họp báo, 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã chỉ đạo TCty Giấy Việt Nam hoàn thành việc định giá và hoàn tất các thủ tục pháp lý có liên quan để thực hiện việc chào bán đấu giá Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam; chỉ đạo TCty Thuốc lá, Cty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC hoàn thành việc quyết toán thuế báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên và Công ty mẹ tại thời điểm xác định giá trị DN để tiếp tục cổ phần hóa trong năm 2017. 

Đối với TCty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và TCty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Bộ Công Thương đã chỉ đạo 2 DN này thực hiện thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện 2 DN này đã hoàn thành ký hợp đồng tư vấn thoái vốn với các đơn vị tư vấn và dự định sẽ hoàn thành việc bán vốn nhà nước trong năm 2017.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết đã thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước tại TCty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam.

Đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, TCty Thép Việt NamCTCP, CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp, CTCP Giao nhận kho vận ngoại thương, CTCP Nhựa Việt Nam, CTCP Nông thổ sản Việt Nam, CTCP đầu tư Xây lắp và Vật liệu xây dựng, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại các DN này chuẩn bị hồ sơ để bàn giao quyền chủ sở hữu vốn nhà nước cho TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý.

Đọc thêm