Trường hợp một nữ sinh lớp 9 bị 5 bạn gái hành hung ở Hưng Yên mới đây là một ví dụ. Dư luận không chỉ phẫn nộ với hành vi côn đồ của các em gái cùng lớp mà còn đau lòng, xót xa, thương cảm với cô bé bị đánh đến nỗi phải nhập viện.
Nhưng, cái đáng để buồn hơn cả chính là thái độ của nhà trường, cô giáo trong việc giải quyết “sự cố ngoài mong muốn” này. Họ đã cấm các em tiết lộ, bắt xóa clip video ghi lại cảnh này đưa lên mạng... Dù với động cơ gì thì đó không đúng với cách ứng xử của những nhà sư phạm, của người thầy công tâm và công bằng, đặc biệt là việc giáo dục sự trung thực cho học sinh – phẩm chất quan trọng của nhân cách làm người.
Sự giả dối, che đậy sự thật, dù là rất nhỏ cũng không được phép tồn tại trong môi trường giáo dục, thế mà, điều này đã xảy ra, không chỉ hãn hữu mà là thường xuyên đến nỗi, người ta coi chuyện đó là bình thường. Nỗi lo cho thế hệ tương lai nằm ở chính chỗ này chứ không phải chỉ là các vụ bạo lực học đường. Càng che giấu cho cái xấu thì cái xấu càng phát triển, hiện tượng bạo lực tràn lan trong nhà trường hiện tại là một minh chứng.
Cũng cần phải thừa nhận nguyên nhân của sự bạo lực học đường có một phần tác động không nhỏ từ môi trường xã hội. Người lớn cũng ưa dùng bạo lực và cư xử với nhau thiếu văn hóa thì trẻ em làm theo là lẽ tất nhiên.
Vừa rồi, cư dân mạng được chứng kiến lời lẽ của một bà Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường ở thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông) với một người dân trong rẫy trong lúc thi hành công vụ thì thấy nữ cán bộ này hành xử như chợ búa. Bà này giải thích là bị “gài bẫy” và vụ việc đó xảy ra từ năm ngoái. Cho dù bị gài bẫy hoặc đã xảy ra từ rất lâu đi chăng nữa thì hành vi và lời nói của bà cũng bộc lộ đầy đủ về “trình” văn hóa của mình, mặc dù nữ Trưởng phòng này là Tiến sỹ.
Che đậy hoặc bao biện đều là sự dung túng cho cái xấu và càng làm xấu hơn tình hình, dù cho mình hay cho người khác. Biết nhận lỗi, giải quyết những sự cố thẳng thắn, minh bạch là cách ứng xử cần thiết, tốt cho mình và cho cả xã hội nữa!