Thầy cô đang coi bạo lực học đường là điều bình thường?

(PLVN) - Việc học sinh bị bạo hành, dâm ô, bị lợi dụng thể xác, hiếp dâm... đang không còn là chuyện hiếm hoi trong trường học, nếu chưa nói nó diễn ra khá nhiều, thường xuyên và đang là căn bệnh trầm kha, đau đớn của ngành giáo dục. Xử lý cũng nhiều rồi, nhưng "bệnh" không giảm. 
Chú ruột của nữ sinh cho rằng nhà trường đang cố tình coi sự việc là bình thường.
Chú ruột của nữ sinh cho rằng nhà trường đang cố tình coi sự việc là bình thường.

Nguyên nhân diễn ra bạo lực, lạm dụng tình dục tại nhà trường do đâu?. Phải chăng một phần bởi thầy cô giáo biết chuyện nhưng câm nín, "nhắm mắt" coi đó là “chuyện bình thường”. Đến khi sự thật lộ ra, cộng đồng lên tiếng thì xử lý lấy lệ, chứ chưa “nhổ cỏ tận gốc”.

Cách đây không lâu Hiệu trưởng một trường dân tộc nội trú ở Thanh Sơn, Phú Thọ có hành vi dâm ô với học sinh nam. Điều đau xót là vụ việc kéo dài nhiều năm, học trò phản ánh có người biết nhưng không ai lên tiếng bảo vệ nhân phẩm học sinh. Phải chăng việc hồn nhiên thấy "các em lên phòng thầy" liên tục đã vô tình tiếp tay cho tội ác?.

Nữ sinh hiền lành, nhút nhát bị tấn công giữa lớp một cách tàn bạo ở Hưng Yên không phải chỉ xảy ra 1 lần, nạn nhân kể, hành động côn đồ của nhóm bạn đã diễn ra từ lâu, em từng báo cô chủ nhiệm. Việc xảy ra, hiệu trưởng xem clip nhưng lại cho xóa clip đi, với lý lẽ "bảo vệ học sinh".

Dù cô giáo chủ nhiệm tuyên bố là “cô đã làm hết trách nhiệm” những thực sự cô giáo chủ nhiệm đã không hề thông tin đầy đủ cho gia đình em nữ sinh về tình trạng của em, thậm chí, theo phản ánh của một học sinh lớp 9A mà phóng viên tiếp xúc được, cô chủ nhiệm đã yêu cầu cả lớp không được thông tin sự việc ra bên ngoài, xóa clip.

Nếu dư luận không biết đến clip ấy, người nhà em không nghe hàng xóm nói về clip ấy, thì vụ việc đi đến đâu?.

Một phản ứng rất khó hiểu nữa của một số thầy cô giáo của Trường THCS Phù Ủng khi phóng viên đến làm việc, đều cho rằng sự việc “không có gì nghiêm trọng”.

Còn thầy hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong thì bày tỏ một cách vô cảm là nguyên nhân bị bắt nạt có thể chỉ vì em "quá hiền".

Ông Nguyễn Văn Doanh (33 tuổi, trú tại xã Phù Ủng, chú ruột của nữ sinh) cho biết sau khi sự việc xảy ra, cô giáo T. cũng đã làm bản tường trình vụ việc gửi lên UBND xã Phù Ủng. Giáo viên chủ nhiệm chỉ nói quan điểm đã giải quyết ổn thoả, trong khi gia đình đang quá bức xúc khi thấy hình ảnh con, cháu mình bị lột đồ, đánh đập dã man.

"Cô giáo viết là “việc nhóm học sinh nữ đánh nhau”. Cách hành văn của cô chủ nhiệm đã không trung thực vì đây không phải là việc đánh nhau mà là một nhóm học sinh đang tấn công, nhục mạ một em khác mà em này không có khả năng chống trả. Ngày 28/3, cô chủ nhiệm làm tường trình thì trước đó clip cháu tôi bị làm nhục, lột đồ, đánh đập đã tràn lan trên mạng”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cũng đặt câu hỏi có hay không việc cô giáo và nhà trường muốn làm giảm tính chất nghiêm trọng của sự việc nên đã không nói đến việc nữ sinh bị lột đồ, hành hung?.

Bản tường trình của cô giáo không trung thực khi cho rằng "nhóm học sinh nữ đánh nhau"
Bản tường trình của cô giáo không trung thực khi cho rằng "nhóm học sinh nữ đánh nhau"

Ngành giáo dục vốn bị sức ép quá lớn từ thành tích, danh hiệu thi đua nên có thể "chuyện bê bối" trong nhà trường được ban giám hiệu nhà trường thực hiện với phương châm “đóng cửa bảo nhau”?. Nếu gia đình không phản ứng mạnh mẽ, truyền thông không lên tiếng có lẽ nạn nhân phải “ngậm đắng nuốt cay”?.

Đã có giáo viên bị xử lý thích đáng, có đối tượng đi tù vì hành vi tệ hại với học sinh, nhưng môi trường trường học vẫn dang khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Truyền dạy kiến thức là nhiệm vụ chính của giáo viên, nhưng việc bảo đảm an toàn tính, mạng nhân phẩm, bồi dưỡng nhân cách học sinh trong nhà trường cũng thuộc trách nhiệm của thầy cô. Nếu biết học trò của mình bị đe dọa, thậm chí bị đánh đập, bạo hành dã man như thể mà thầy cô bỏ qua thì đã làm đúng vị trí, lương tâm nhà giáo?.

Đọc thêm