Đặc nhiệm Liên quân trên chiến trường Iraq (Kỳ 3): Hoàn thành sứ mệnh

(PLO) - Sau khi Tổng thống Bush tuyên bố đưa quân đến vùng Vịnh, thì đội “mũ nồi xanh” đã có mặt tại Ảrập – Xê út. Tiếp đó, có 5 trung đội đặc nhiệm, phân đội "Báo biển" cũng đến nơi.
 
Tướng Norman Schwarzkopf (giữa)
Tướng Norman Schwarzkopf (giữa)

Mặc dù đã rất cố gắng tìm mọi cách để tiêu diệt tên lửa Scud của Iraq, song nguy cơ kéo Israel vào tham chiến là khó tránh khỏi. Trước tình huống này, tướng 4 sao Schwarzkopf  đã quyết định đưa lực lượng “mũ nồi xanh” vào tham chiến.

“Mũ nồi xanh” nhập cuộc

Một buổi sáng, Schwarzkopf gọi điện cho doanh trại của lực lượng "mũ nồi xanh", tìm Trung tá Blante. Ông ta quyết định đưa lực lượng đặc nhiệm Mỹ tham gia tác chiến. Schwarzkopf lệnh cho anh ta luồn sâu vào trận địa tên lửa "Scud" của Iraq, điều tra rõ về tình hình lắp đặt của đầu đạn, bắt sống một chuyên gia tên lửa Iraq. Trung tá Blante khá bất ngờ trước đề nghị này, thầm nghĩ "khó đấy, bắt sống được một chuyên gia đâu phải chuyện dễ".

Ngay lập tức Blante trở về phổ biến nhiệm vụ cho đội và làm công tác chuẩn bị. Thời gian sau, một tốp trực thăng đưa đặc nhiệm “mũ nồi xanh” đi tìm mục tiêu. Theo chỉ dẫn của vệ tinh, máy bay đến đúng địa điểm dự định.

Máy bay vừa hạ xuống, các bóng đen đã nhảy ra khỏi khoang, lao về phía trận địa tên lửa Scud. Lúc này, phía trận địa hết sức yên lặng. Mặc dù lính Iraq hiểu rằng chiến tranh sắp nổ ra, nhưng trận địa này cách xa chiến tuyến Iraq, Kuweit, lại được bố trí tại một nơi rất khó phát hiện trong sa mạc, binh lính Iraq cho rằng nơi đây rất bảo đảm an toàn. 

Lính đặc nhiệm nhanh chóng hạ gục lính gác. Blante khoát tay làm hiệu, một nhóm tản ra bao vây chiếc lều bạt, nhóm kia lao về phía bệ phóng tên lửa. Chiếc lều bạt này chính là trung tâm điều khiển tên lửa. Lúc này, trong lều một nhân viên tham mưu Iraq đang trực ban, những người khác đã ngủ. 

Nghe có tiếng động khả nghi vọng vào, người gác lập tức đứng dậy, bước ra cửa lều. Đột nhiên một nòng súng tiểu liên gắn ống giảm thanh dí sát vào sườn và vang lên một giọng nói trầm thấp, nhưng đầy uy lực bằng tiếng Ảrập: "Không được kêu, giơ tay lên!"

Chưa kịp phản ứng, miệng anh ta đã bị một miếng băng keo gắn chặt, hai tay bị khóa lại. Tiếp đó mười mấy bộ mặt bôi vẽ đã chui vào trong lều. Những người lính Iraq đang ngái ngủ, lần lượt bị khống chế. "Chúng tôi là đặc nhiệm Mỹ, các anh đã bị bao vây, tôi không muốn làm hại các anh, tất cả phải nghe theo lệnh" Blante gằn giọng. 

Vừa dứt lời, đột nhiên một sĩ quan Iraq lợi dụng sơ hở thò tay lần tìm khẩu súng dưới gối. Nhanh như cắt, một lính đặc nhiệm rê súng, quầng lửa vọt ra từ nòng súng giảm thanh, viên sĩ quan nọ ngã gục xuống cạnh giường. "Ai là chỉ huy ở đây?" Blante hỏi. Không có tiếng trả lời. "Trói chúng lại, đưa tất cả đi!" Blante ra lệnh. "Đừng, tôi không đi, tôi nói, là anh ta..." một lính Iraq đứng tuổi chỉ vào người chắc đậm... 

Trong lúc nhóm đặc nhiệm thứ nhất xông vào trong lều, nhóm đặc nhiệm còn lại đã tiếp cận bệ phóng tên lửa, nhanh chóng tháo gỡ một quả tên lửa, xem xét, đối chiếu, đặc biệt chú ý xem chúng có được gắn đầu đạn hóa học hay không, đã được nâng cấp hay chưa, cài đặt những mục tiêu nào. Tiếp đó, họ mang theo một số tài liệu và một sĩ quan chỉ huy, một chuyên gia kỹ thuật tên lửa người Iraq lên máy bay. Chiếc máy bay lại lặng lẽ bay khuất.

Tìm diệt “át chủ bài”

Tên lửa Scud là vũ khí chiến lược, người Iraq coi việc bảo vệ nó mang ý nghĩa quyết định thắng bại. Từ đầu cuộc chiến đến nay, phía Iraq đã phóng hơn 70 quả tên lửa, đã gây cho liên quân một số thương vong, nhưng xét về tổng thể đạt hiệu quả thấp. Saddam cho rằng nguyên nhân là do hỏa lực phân tán, do đó cần tập trung hoả lực, tập trung tiêu diệt một hoặc hai mục tiêu quan trọng. 

Một hôm, Saddam Hussein cho gọi viên phụ tá đến: "Nếu ta cho tập trung từ 20 đến 30 quả tên lửa Scud, cùng nhằm bắn vào một mục tiêu, thì kết quả sẽ ra sao"? "Mục tiêu sẽ bị tiêu diệt, đó là kết quả của tập trung hỏa lực".

Phụ tá của Tổng thống Saddam Hussein phấn khởi nói, "Tên lửa Patriot của Mỹ không thể cùng lúc đối phó số lượng tên lửa Scud nhiều như vậy”. Vậy là, một kế hoạch táo bạo đã ra đời, tập trung hỏa lực tên lửa nhằm vào Israel đưa Israel vào cuộc. 

Trước tình hình này các tướng lĩnh của Liên quân phân tích. Một vị tướng cho rằng: "Iraq đã sử dụng gần hết số tên lửa của họ. Ngày 25/2/1991, họ lại bắn hai quả sang Israel, trong đó có một quả đầu đạn chứa đầy bê tông, chứng tỏ là họ đã gần dùng cạn số đạn trong kho". Cùng lúc, Schwarzkopf cũng nhận được một bản báo cáo thống kê số lượng tên lửa Iraq đã sử dụng.

Lực lượng Đặc biệt thuộc Lục quân Mỹ (hay còn được gọi là Green Berets – mũ nồi xanh) được thế giới biết đến với những kỹ năng đặc biệt và tính chuyên nghiệp về mặt tác chiến trong suốt các cuộc chiến tranh mà lực lượng này từng tham gia.
Lực lượng Đặc biệt thuộc Lục quân Mỹ (hay còn được gọi là Green Berets – mũ nồi xanh) được thế giới biết đến với những kỹ năng đặc biệt và tính chuyên nghiệp về mặt tác chiến trong suốt các cuộc chiến tranh mà lực lượng này từng tham gia.

Bản báo cáo này cho thấy, trong 10 ngày đầu của chiến dịch "Báo táp sa mạc", mỗi ngày Iraq phóng 5 quả Scud. Sau này trong 33 ngày, bình quân mỗi ngày chỉ một quả. Qua đó có thể xác định, Iraq đã dùng gần hết số tên lửa hiện có. 

Đêm 26/2/1991, mặc dù nhiều trận địa bị tiêu diệt, nhưng vẫn có tên lửa Scud được phóng lên. Trong ngày 25, một quả tên lửa đã rơi vào doanh trại lính Mỹ tại Ảrập - Xêút, làm chết 28, bị thương hơn 100 người. Schwarzkopf quyết định tiếp tục cử lực lượng đặc nhiệm "Mũ nồi xanh" đi trinh sát.

Trong chuyến đi này, họ chọn ra những người quốc tịch Mỹ gốc Ảrập có vẻ ngoài giống người Iraq, nói thành thạo tiếng Ảrập. Ngoài các vũ khí hạng nhẹ, họ được trang bị chỉ thị mục tiêu bằng la de, ống nhòm, máy chụp cảnh số hóa cỡ nhỏ, nó có thể truyền hình ảnh qua vệ tinh chuyển về sở chỉ huy. 

Để tránh xảy ra nhầm lẫn, khu vực hoạt động của lực lượng đặc nhiệm Anh, Mỹ được chia riêng. Hai bên lấy con đường quốc lộ từ Baghdad đi Amman thủ đô Jordan làm ranh giới. Phía Nam là vùng hoạt động của đặc nhiệm Anh, phía Bắc là của quân Mỹ. Cuối cùng, chỉ huy của hai bên thống nhất phương thức liên lạc giữa hai lực lượng, lúc cần có thể tiến hành hợp tác và tương trợ.

Hủy diệt

Màn đêm buông xuống, trực thăng lại đưa lực lượng "Mũ nồi xanh" xuất kích, máy bay thả họ xuống những khu vực khác nhau. Sau khi lọt vào lãnh thổ Iraq, họ phân tán lực lượng, ngày giấu mình trong cát nghỉ ngơi, đêm thì bí mật đi tìm mục tiêu. 

Vài tiếng đồng hồ sau khi lực lượng này xâm nhập vào lãnh thổ Iraq, sở chỉ huy tại Riyadh đã nhận được hình ảnh và tọa độ chính xác của mục tiêu. Máy bay ném bom được lệnh cất cánh, một đợt không kích mới lại bắt đầu. 

Trong cuộc chiến vùng Vịnh, có một lính đặc nhiệm đã phát hiện trong một lần có 29 dàn tên lửa Scud của Iraq tập hợp, qua đó đã đánh cho Liên quân đa quốc gia và phía Israel một trận tập kích mang tính hủy diệt.

Sau hơn 20 giờ tìm kiếm không kết quả, lính đặc nhiệm Mỹ đã liên lạc để gọi trực thăng đến đón, rút ra khỏi khu vực để đến một địa điểm khác. Đột nhiên, một người lính phát hiện một dàn tên lửa Scud đang từ từ di chuyển trên sa mạc.

Sau khi quan sát kỹ lưỡng, anh ta lại phát hiện có hai dàn tên lửa di động nữa.Khi lia ống nhòm ra bên cạnh thì phát hiện có hơn chục dàn tên lửa đang tập trung, anh ta lập tức thông báo tin tức này về trung tâm.

Ngay lập tức Schwarzkopf lệnh cho máy bay trực thăng đến đón lực lượng đặc nhiệm làm nhiệm vụ quanh khu vực các dàn tên lửa Scud đang tập kết. Khi những người lính vừa được đưa ra khỏi khu vực mục tiêu, các máy bay chiến đấu A-10 đã mở đợt tấn công mãnh liệt vào khu vực tập trung các dàn tên lửa của Iraq trong suốt 66 tiếng đồng hồ, 29 dàn tên lửa đã tan thành tro bụi. 

Thông thường tên lửa Scud của Iraq đều phải di chuyển qua hệ thống đường mang tên M.S.R. Do đó lực lượng đặc nhiệm của Liên quân có thể tiến hành theo dõi, truy đuổi và tấn công không mấy khó khăn. Sau khi công tác thông tin liên lạc được cải tiến, các đội đặc nhiệm không chỉ có thể độc lập sử dụng rốc két tấn công bất ngờ tiêu diệt chúng, mà họ còn có thể liên lạc gọi các máy bay chiến đấu của liên quân can thiệp, không kích.

Cục diện chiến lược vì vậy đã có sự thay đổi lớn, lực lượng bộ đội tên lửa của Iraq không còn dám nghênh ngang cơ động trên đường quốc lộ. Được sự phối hợp của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, đặc nhiệm Anh đã thành công trong việc ép lực lượng tên lửa Iraq tại miền Tây phải lui dần về miền Đông, cuối cùng là rút ra khỏi tầm bắn hiệu quả với Israel.

Tổng tư lệnh quân đội Mỹ Norman Schwarzkopf nói rằng: "Lực lượng đặc nhiệm là con mắt của lực lượng liên minh, là chiến dùi nhọn đâm vào mạng sườn quân đội tinh nhuệ Iraq", nhất là trong các phi vụ truy tìm bệ phóng tên lửa Scud làm suy giảm sức tấn công của quân đội Iraq, lực lượng đặc nhiệm đóng một vai trò hết sức quan trọng…

Đọc thêm