(PLVN) - Nằm tại xã Tam Thăng cách thành phố Tam Kỳ chỉ khoảng 7km về hướng Đông Bắc, di tích lịch sử địa đạo Kỳ Anh là một trong những di tích được nhà nước công nhận vào năm 1997 gắn liền với câu chuyện chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta,..
Địa đạo Kỳ Anh được xây dựng từ đầu năm 1965-1969 với chiều dài là 32 km nằm quanh co khúc khuỷu trải rộng trên địa bàn thôn Thạch Tân và Thôn Vĩnh Bình, mắt xích quan trọng nằm tại Đình Thạch Tân với tập hợp nhiều điểm chiến lược quan trọng.
Theo lời kể của ông Huỳnh Kim Ta, là cựu chiến binh cũng như là Trưởng thôn Thạch Tân, kiêm BQL di tích, trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước ác liệt nhất ở chiến trường Quảng Nam, trên địa bàn huyện Bắc Tam Kỳ, cuộc chiến đấu của quân và dân ở đây diễn ra vô cùng quyết liệt. Đảng bộ và nhân dân Kỳ Anh lúc đó cũng đã quyết tâm xây dựng hệ thống địa đạo, mở ra hệ thống hầm bí mật trong lòng đất để bám trụ, đánh địch. Trong gần 4 năm, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Bá và Trần Minh Tuân, nhân dân Kỳ Anh cũng đã tạo được cho mình một địa đạo bí mật để giúp quân và ta dân hoạt động dễ dàng hơn.
Nằm phía trên điểm chốt của di tích là khu Đình Thạch Tân được xây dựng theo kiểu trúc nhà rường với 3 gian 2 chái; kết cấu chồng rường giả thủ, phía trên là lớp ngói xưa mang đậm dấu nét của thời gian. Bên trong còn là nơi thờ những vị tiền hiền và liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Kỳ Anh .
Bên dưới ngôi đình là khu địa đạo hình ô bàn cờ, quanh co uốn khúc và nhiều ngách
Khu vực hầm cứu thương cũng được xây dựng khá rộng rãi để có thể chứa được nhiều chiến sĩ bị thương khi chiến đấu. Ngoài khu hầm cứu thương, quân và dân Kỳ Anh cũng tạo ra nhiều khu hầm như hầm lương thực, hầm tác chiến,...
Lối ra vào của địa đạo cũng được thiết kế kín đáo và nguỵ trang cẩn thận trong các gian bếp, chuồng bò, bụi tre, khu mương của nhà dân.
Bên cạnh khu đình là căn hầm chỉ huy nằm dưới mặt đất được nguỵ trang cẩn thận, đổ bê tông chắc chắc và an toàn. Nơi đây là nơi giao thông của toàn bộ khu địa đạo với 4 con đường thông với bên ngoài và các căn hầm khác.
Cho đến hiện nay, nhiều con đường cũng đã bị huỷ hoại theo thời gian.
Ngoài khu địa đạo, quân và dân Kỳ Anh cũng thiết lập một điểm theo dõi và giám sát quân địch nằm trên cây rõi cổ thụ của khu làng. Theo lời kể của ông Ta, tương truyền khi ông bà người dân Kỳ Anh đến nơi đây, cây cổ thụ này đã tồn tại. Vì nó rất cao mà cứ điểm quân địch cũng không ở quá xa nên nơi đây cũng trở thành 'con mắt' của các chiến sĩ cách mạng.
Nhiều dụng cụ, tranh ảnh của nhân dân Kỳ Anh được tìm thấy, bảo tồn và lưu giữ cẩn thận cho đến bây giờ.