Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 22/11, UBND TP Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số TP Hải Phòng năm 2024 với chủ đề: “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Diễn đàn Chuyển đổi số TP Hải Phòng năm 2024, với chủ đề “Chuyển đổi số xanh - Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Diễn đàn Chuyển đổi số TP Hải Phòng năm 2024, với chủ đề “Chuyển đổi số xanh - Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.

Đây là sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia – nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò tầm quan trọng của Chuyển đổi số (CĐS); đánh dấu vai trò của CĐS như một phương thức phát triển mới, mở ra không gian mới cho sự phát triển xã hội số, kinh tế số trên địa bàn TP.

Năm 2024 được Chính phủ xác định là năm thúc đẩy phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số. CĐS tiếp tục được TP Hải Phòng lựa chọn là chủ đề năm 2024 “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số”, khẳng định sự quyết tâm của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hải Phòng thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về CĐS TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và triển khai nhằm thực hiện Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban quốc gia về CĐS.

Cũng trong năm 2024, TP Hải Phòng xác định thực hiện 81 nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực CĐS, với kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 400 tỷ đồng. Hạ tầng mạng viễn thông, internet đã được đầu tư rộng khắp. Vùng phủ sóng 4G đạt 100% các khu dân cư, nâng tốc độ tải khoảng 16% so với cuối năm 2023. Kho dữ liệu dùng chung được hình thành, đã cập nhật 1941 trường thông tin và hơn 437.000 bản ghi dữ liệu; cổng dữ liệu mở đã công bố 50/98 bộ dữ liệu mở do 7/20 sở, ngành cung cấp. Tích hợp 1.579/1.937 Dịch vụ công trực tuyến lên cổng quốc gia đạt tỷ lệ 81.51%; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt trên 90%.

Quang cảnh diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn.

Cùng với đó, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh đã kết nối liên thông Giấy khám sức khỏe lái xe, Giấy chứng sinh, Giấy báo tử lên Cổng Giám định BHYT. Triển khai Mô hình khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, Kios tự phục vụ, Mô hình khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VneID. Triển khai ký số học bạ, sổ điểm điện tử ở các cấp học. Số lượng doanh nghiệp triển khai hợp đồng điện tử đạt trên 80%, số lượng doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%. 100% các cảng triển khai hệ thống quản lý cảng thông minh, kinh tế số chiếm 29,7 % GRDP...

TP tiếp tục được xếp hạng trong top đứng đầu các tỉnh TP trên nhiều phương diện: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) xếp thứ 2; Chỉ số Hài lòng đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ 5; Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) xếp thứ 3. Tiếp tục được vinh danh Địa phương Top công nghiệp 4.0..

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Minh Cường chia sẻ, diễn đàn là một trong những sự kiện quan trọng, tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi về khả năng, nhu cầu, giải pháp và các chính sách nhằm thúc đẩy CĐS trên các lĩnh vực và nâng cao nhận thức CĐS trong các cấp, các ngành, các địa phương; góp phần tuyên truyền sâu rộng, kịp thời về tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích và những giá trị to lớn, thiết thực mà dữ liệu số mang lại cho công tác quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy, xúc tiến, hợp tác, đầu tư các ngành, các lĩnh vực tạo động lực phát triển kinh tế -xã hội của TP nói riêng và nền kinh tế khu vực, cả nước nói chung.

Đồng thời, đây là cơ hội để TP Hải Phòng tiếp tục có những góc nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về CĐS, chuyển đổi xanh; là dịp để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp công nghệ thông tin của TP Hải Phòng được kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các sản phẩm dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin, CĐS, chuyển đổi xanh phục vụ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn TP.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày thành tựu chính quyền số của thành phố.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày thành tựu chính quyền số của thành phố.

Để CĐS TP Hải Phòng đạt hiệu quả, tại diễn đàn, ông Hồ Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia đề xuất UBND TP Hải Phòng bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính Phủ, nhất là bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về CĐS, nghiêm túc thực hiện chế độ giao ban, kiểm điểm tiến độ hàng tuần từng nhiệm vụ Đề án 06/CP gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, nêu rõ trong báo cáo kết quả Đề án 06 hàng tháng, nhất là việc triển khai Sổ sức khoẻ điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VneID; Tiếp tục chỉ đạo, triển khai có hiệu quả 19 mô hình điểm về Đề án 06; trong đó mở rộng việc triển khai thí điểm đối với hồ sơ sức khoẻ điện tử, thu thuế khoán hộ kinh doanh cá thể và đẩy mạnh giải pháp triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chống thất thu thuế. Khẩn trương hoàn thành số hoá và đưa dữ liệu đã được số hoá vào tái sử dụng phục vụ cắt giảm TTHC; Nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất dự toán kinh phí triển khai Đề án 06 của Chính phủ năm 2025 để đảm bảo lộ trình triển khai…

Ngoài các phiên hội nghị chính, Diễn đàn Chuyển đổi số Hải Phòng 2024 còn có hoạt động bên lề như Triển lãm thành tựu và giải pháp công nghệ đến từ gần 20 gian hàng trưng bày trưng bày các thành tựu chuyển đổi số của Hải Phòng và các giải pháp chuyển đổi số từ các doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, VNPT, Mobifone... thu hút hơn 3.000 lượt tham quan.

Đọc thêm