Hành vi ủy thác này gây thiệt hại 718 tỷ đồng, bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Cùng số tiền này, ACB đã yêu cầu Vietinbank phải chịu trách nhiệm trả tiền trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Vụ án Huyền Như hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm.
Chưa xử đã “nóng”
Sau khi Tòa án nhân dân TP.Hà Nội có lịch xử sơ thẩm vụ Bầu Kiên, các luật sư Bùi Quang Nghiêm, Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, Luật sư Hoàng Đôn Hùng (cùng Đoàn LS TP.HCM), Luật sư Vũ Xuân Nam, Luật sư Vũ Ngọc Chi (cùng Đoàn LS Hà Nội), Luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn LS Vũng Tàu) đã đồng loạt cùng đề nghị Tòa án nhân dân TP.Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội hoãn phiên xử để chờ kết quả xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.
Đề nghị này của các luật sư đồng thời cũng được gửi cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Cố ý làm trái chưa xác định được thiệt hại?
Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định bầu Kiên cùng các cá nhân có hành vi cố ý làm trái khi ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank, thiệt hại gây ra là bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank HCM) giả chứng từ để rút tiền chiếm đoạt 718 tỷ đồng.
Ngày 06/01/2014, TAND TP HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án Huyền Như và quyết định: Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phải bồi thường cho ACB 718 tỷ đồng nhưng tòa cũng đồng thời buộc Vietinbank chuyển trả lại cho ACB số tiền 24 tỷ đồng vẫn còn trong tài khoản của các nhân viên ACB tại Vietinbank.
Theo các luật sư, như vậy, án sơ thẩm vụ Huyền Như chưa xác định được chính xác số tiền Huyền Như chiếm đoạt là bao nhiêu. Là toàn bộ số tiền 718 tỷ đồng hay trừ đi số tiền 24 tỷ đồng Vietinbank phải trả.
Hậu quả của hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (nếu có) cũng chưa xác định được chính xác.
Sau phiên tòa sơ thẩm, hầu hết các cá nhân, tổ chức gửi tiền tại Vietinbank trong vụ án Huyền Như đã kháng cáo yêu cầu Vietinbank trả số tiền mà các cá nhân, tổ chức này gửi tại Vietinbank.
Trong đó, ACB kháng cáo yêu cầu Vietinbank phải trả toàn bộ 718 tỷ và lãi phát sinh.
Hiện vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chưa xét xử phúc thẩm. Các kháng cáo, trong đó có ACB, về việc yêu cầu Vietinbank phải trả tiền sẽ được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm. Như vậy, việc ACB có bị thiệt hại trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như hay không vẫn chưa được xác định.
Cần chờ phúc thẩm vụ Huyền Như
Các luật sư nêu, việc xác định thiệt hại của ACB trong vụ án Huyền Như có ý nghĩa quyết định khi xác định tội danh cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xác định trách nhiệm dân sự của bầu Kiên và các bị cáo khác trong vụ án này.
Nếu kết quả phiên tòa phúc thẩm vụ án Huyền Như buộc Vietinbank phải trả tiền cho ACB, thì ACB không có thiệt hại. Khi đó, tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng không đủ yếu tố cấu thành.
Trường hợp vụ bầu Kiên xử sơ thẩm trước khi xử phúc thẩm vụ Huyền Như, kết luận bầu Kiên và các cá nhân liên quan phạm tội cố ý làm trái quy định Nhà nước, gây thiệt hại cho ACB 718 tỷ (bị Huyền Như chiếm đoạt), sau đó khi xử phúc thẩm vụ án Huyền Như nếu Tòa buộc Vietinbank phải trả tiền cho ACB thì kết quả hai vụ án sẽ mâu thuẫn nhau. Cùng một quan hệ, được xét xử hai lần ở hai vụ án khác nhau.
Nếu Tòa án ND TP. Hà Nội kết luận bầu Kiên cùng các cá nhân liên quan gây thiệt hại cho ACB tức gián tiếp xử Vietinbank không phải trả tiền trong phần trách nhiệm dân sự ở vụ án Huyền Như, mà việc này thuộc thẩm quyền của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao.
Để tránh gây oan sai, các luật sư đề nghị TAND Tp. Hà Nội xem xét hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên để chờ kết quả phiên tòa phúc thẩm vụ án Huyền Như nhằm xác định chính xác thiệt hại của ACB và trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Nếu kết quả phiên tòa phúc thẩm vụ án Huyền Như buộc Vietinbank phải trả tiền cho ACB, thì ACB không có thiệt hại. Khi đó, tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng không đủ yếu tố cấu thành.