Đại biểu Quốc hội đề nghị cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho đầu tư phát triển

(PLVN) - Theo Đại biểu Lê Văn Dũng (Đoàn Quảng Nam), hiện nay nhiều tỉnh sau khi cân đối đủ nguồn cải cách tiền lương vẫn còn dư khá lớn, nhưng không được chi cho đầu tư phát triển, gây lãng phí nguồn lực.
Cần linh hoạt để tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và đầu tư phát triển. Ảnh minh họa
Cần linh hoạt để tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và đầu tư phát triển. Ảnh minh họa

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, sáng 9/11, Quốc hội bước vào ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch, nhất là các giải pháp thích ứng trong tình hình mới, Đại biểu Lê Văn Dũng (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, các giải pháp phòng, chống dịch phải kịp thời, đồng bộ và hiệu quả, tránh mỗi địa phương là một kiểu dẫn đến lúng túng, bị động. Có thể lấy ví dụ điển hình như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch vẫn kiểu mạnh ai nấy làm, mỗi ngành, mỗi địa phương một ứng dụng khai báo gây khó khăn cho Nhân dân.

Từ đó, Đại biểu đề nghị cần áp dụng đồng bộ việc ứng dụng công nghệ khai báo y tế, phòng, chống dịch, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đi lại. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, phân bổ đồng đều và tiêm vaccine. Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện kịp thời các gói hỗ trợ của Nhà nước cho người dân và doanh nghiệp.

Để tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch và đầu tư phát triển, tránh lãng phí nguồn lực, Đại biểu Dũng đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép các tỉnh có điều tiết ngân sách về Trung ương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho đầu tư phát triển, với điều kiện cam kết đảm bảo nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch và cải cách tiền lương theo lộ trình.

Đại biểu Thái Thu Xương (Đoàn Hậu Giang)

Đại biểu Thái Thu Xương (Đoàn Hậu Giang)

Đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương (Đoàn Hậu Giang) cũng kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ hơn trong công tác phòng chống dịch để đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.

Theo Đại biểu, cần xây dựng chương trình tổng thể, công tác phòng chống dịch phải được chuẩn bị đủ nguồn lực kể cả về con người và vật chất, nhất là khâu điều trị cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vì lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi.

Đảm bảo các chế độ, chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trước tình hình diễn biến dịch phức tạp theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, điều kiện hỗ trợ; nghiên cứu hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các nhóm đối tượng là lao động tự do, vì ngân sách địa phương đã dành phần nhiều cho công tác phòng chống dịch.

Đại biểu cho rằng, cần rà soát điều chỉnh các chính sách hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đảm bảo sức khỏe, động viên tinh thần hơn nữa lực lượng này. Quan tâm hỗ trợ trẻ bị mồ côi do cha mẹ mất vì dịch bệnh được phát triển toàn diện, huy động y tế tư nhân tham gia chăm sóc bệnh nhân COVID-19...

Đọc thêm