Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung.
Một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là giải pháp hạn chế tình trạng sở hữu chéo.
Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) nhận thấy, nhằm mục tiêu hạn chế vấn đề thao túng hoạt động ngân hàng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng từ không vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%.
Tuy nhiên, thực tế có thể phát sinh việc thuê, nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm chi phối, kiểm soát tại một số tổ chức tín dụng. Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao trong thực tiễn. Có giải quyết được tính căn cơ khi giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần. Đại biểu Cường đề nghị, cần có đánh giá, làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định của pháp luật hay do trong tổ chức thực thi.
Mặt khác, trong trường hợp như quy định này cũng cần có sự đánh giá đối với các cổ đông đang hiện hữu có số vốn cao hơn quy định mới sẽ được giải quyết như thế nào, có thực hiện thoái vốn hoặc quy định không áp dụng hồi tố để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tâm huyết.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung (Đoàn Hà Nội). |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung (Đoàn Hà Nội) nhận định, tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là việc huy động vốn để cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng, mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là vẫn có thể tồn tại các cổ đông lớn đứng danh hoặc không đứng danh Hội đồng quản trị và Ban điều hành nắm cổ phần chi phối và điều hành hoạt động của ngân hàng. Cho nên, các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn.
Từ đó, Đại biểu Trung đề nghị, bổ sung thêm các quy định tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng; nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân, pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, để thiết kế được một chính sách cụ thể nhằm chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong Luật Tổ chức tín dụng thì những chủ trương, chính sách hiện chưa đủ mạnh. Dự luật mới chỉ chú trọng vào việc giảm tỷ lệ cổ phần và giảm phần cấp hạn mức tín dụng. Đây là những giải pháp mang tính chất rất thụ động. Việc chấm dứt được tình trạng sở hữu chéo rất quan trọng, liên quan đến việc công khai, minh bạch và việc xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân dính dáng vào tình trạng này, đòi hỏi phải đặt lại mô hình của cơ quan giám sát và kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng.
Nêu trường hợp SCB và rất nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngân hàng, Đại biểu An đề nghị, phải có hẳn một chương quy định về nội dung này và cần phải có một cơ quan thanh tra, kiểm tra ngân hàng, kiểm tra hoạt động tín dụng mang tính độc lập. Cùng với việc chúng ta làm tốt khâu thanh tra, kiểm tra, xử lý và công khai, minh bạch trong tất cả các giao dịch, không nhất thiết phải giảm tỷ lệ cổ phần, giảm room cấp vốn, thậm chí chúng ta có thể cho cao hơn nhưng chúng ta quản lý được để tổ chức và cá nhân không dám và không thể thực hiện các hành vi sử dụng tài sản ngân hàng chéo với công ty của mình. Đại biểu nhấn mạnh, phải có những thiết chế mạnh như thế thì mới xử lý nghiêm được…
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng báo cáo về một số vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm. |
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo về vấn đề sở hữu chéo mà nhiều đại biểu quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, chúng ta không cho phép sở hữu chéo nhưng trong thực tiễn như một số đại biểu đã nói là có thể các cổ đông nhờ những người có liên quan đứng tên mà đối với ngân hàng cũng không thể nắm được.
Để giải quyết triệt để được vấn đề này đòi hỏi rất nhiều các công cụ, giải pháp đồng bộ và từ nhiều cơ quan khác nhau, chẳng hạn như chúng ta ngày càng minh bạch hóa cơ sở dữ liệu, các giao dịch của dân cư hay là cơ sở dữ liệu, các giao dịch về vốn cổ phần hay là các giao dịch của các doanh nghiệp thì lúc đó, sự phối kết hợp giữa các bộ, ban, ngành có thể sẽ minh bạch hóa được các giao dịch.
Về việc liệu giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng cho 1 khách hàng hoặc 1 khách hàng và những người có liên quan thì có làm giảm tổng tín dụng của nền kinh tế không hay có khó khăn gì cho doanh nghiệp không, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, đối với hoạt động ngân hàng của Việt Nam, nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng.
Các tổ chức quốc tế đã cảnh báo rằng nếu như nhu cầu đầu tư tiếp tục phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro, bất cứ khi nào kinh tế thế giới, trong nước có những biến động phức tạp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân thì sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng, rất hệ lụy đến nền kinh tế. Vì vậy, thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cần phải được phát triển đồng bộ với với việc phát triển ngành ngân hàng và Chính phủ đang có các giải pháp để hướng đến điều đó...