Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' tìm nguồn lực cho doanh nghiệp phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để kinh tế Việt Nam "không bị lỡ nhịp" đà phục hồi kinh tế thế giới, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, các doanh nghiệp không chỉ cần có thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao, trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp không chỉ cần có thêm nguồn lực để phục hồi mà còn phải vượt lên đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao. Ảnh minh họa: VGP
Doanh nghiệp không chỉ cần có thêm nguồn lực để phục hồi mà còn phải vượt lên đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao. Ảnh minh họa: VGP

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Hội trường Quốc hội hôm nay (8/11), Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) chỉ rõ, qua 4 tháng cách ly phòng dịch cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu và tiềm lực của các doanh nghiệp đã suy kiệt, dù Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ rất kịp thời với mong muốn phục hồi và phát triển nền kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.

Muốn vậy, các doanh nghiệp cần phải được tăng thêm nguồn lực đầu tư từ các nguồn vốn giá rẻ và các đơn đặt hàng từ chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ, theo hướng có chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội).

"Nếu ngân sách dành ra 30 đến 40 ngàn tỷ để cấp bù lãi suất thì các doanh nghiệp có thêm khoảng 1 triệu tỷ tiền vốn lãi suất thấp để phục hồi và phát triển", Đại biểu nêu.

Kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đều được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.

Không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh thành tiền gửi để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất. Không để tiền vốn giá rẻ chảy vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công mà Chính phủ đang chỉ đạo bằng các giải pháp khác biệt là Chính phủ đặt hàng để doanh nghiệp trong nước đầu tư, phát triển các sản phẩm ưu tiên, tạo ra những đột phá cho phát triển 3 lĩnh vực đường sắt, kinh tế biển và hạ tầng công nghệ số.

Chỉ ra "cách" tạo ra nguồn lưc để hỗ trợ lãi suất và đặt hàng cho các dự án đầu tư đột phá, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định, "Chúng ta may mắn khi đang có dư địa rất lớn để tăng nguồn lực từ khi tỷ lệ nợ công khá thấp là 43,7% so với mức trần giới hạn là 60% GDP. Do vậy, nên điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách tăng thêm 2-3% so với kế hoạch đặt ra, trong vòng 2 đến 3 năm, chúng ta sẽ có đủ nguồn lực để thực hiện các kế hoạch phục hồi và đầu tư bứt phá".

"Ta kỳ vọng giải pháp đặt hàng không chỉ giúp nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn, mà còn cho ra đời thêm các tập đoàn kinh tế mạnh tạo thành trụ cột kinh tế đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường như nghị quyết ĐH Đảng lần thứ 13 đã đề ra", đại biểu đoàn TP Hà Nội bày tỏ.

Trong bối cảnh đợt bùng phát dịch COVID-19 kéo dài, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức khi khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian dài giãn cách xã hội. Số liệu kinh tế-xã hội tháng 10 cho thấy sự suy giảm kinh tế đã chạm đáy.

Chỉ số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khởi sắc khi các hoạt động kinh tế từng bước được khôi phục, tuy vẫn chưa phục hồi về mức được ghi nhận trước đợt bùng phát dịch tháng 4/2021.

Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư tháng thứ hai liên tiếp do nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD. Trong khi đó, vốn FDI đăng ký giảm sau ba tháng tăng.

Mặc dù giá nhiên liệu tăng, nhưng lạm phát vẫn giảm nhẹ do giá lương thực, thực phẩm giảm và nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm tiêu dùng khác còn yếu.

Tăng trưởng tín dụng ổn định trong tháng 10 và lãi suất qua đêm liên ngân hàng chững lại sau 4 tháng giảm. Cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước trở lại thặng dư vào tháng 10 chủ yếu do chi ngân sách giảm mạnh mặc dù thu ngân sách tiếp tục giảm tháng thứ ba. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, ngân sách thặng dư, là dấu hiệu cho thấy chính sách tài khóa thắt chặt tiếp tục được thực hiện, không hỗ trợ tổng cầu trong quá trình phục hồi.

Khi nền kinh tế mở cửa trở lại và phục hồi, ba hướng hành động chính vẫn có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, về mặt y tế, việc tiếp tục triển khai tiêm vaccine một cách nhanh chóng và tăng cường cảnh giác bằng biện pháp xét nghiệm và cách ly sẽ đóng vai trò quan trọng vì số ca nhiễm dự kiến sẽ tăng lên cùng với sự gia tăng mức độ di chuyển và tiếp xúc.

Thứ hai, chính sách tài khóa chủ động hơn sẽ hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong tháng 11 và tháng 12/2021 cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống và giải trí đã được thông qua, và được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước vốn đã bị suy giảm nghiêm trọng. Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu trong khi đẩy mạnh trợ giúp xã hội có thể thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân.

Cuối cùng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục chú ý theo dõi sức khỏe của khu vực tài chính.

Theo Nghị quyết 138/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh; có chính sách phù hợp về phí, lệ phí để kích cầu du lịch nội địa, xây dựng phương án chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp chuyên đề vào tháng 12/2021.

Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiếp tục rà soát pháp luật để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan...

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm