Đánh giá “hòa cả làng” “giết chết” động lực phát triển
Đánh giá công tác điều hành chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, cần xác định rõ quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững, ổn định lâu dài, “không thể tăng trưởng “nóng”, bởi sự đe dọa đến phát triển là nhãn tiền” – ĐB Bùi Đức Thu (Lai Châu) nêu quan điểm.
Cùng với đó, ĐBQH cũng không quên nhắc lại “nguy cơ nợ công” xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là thể chế tài chính công với cơ chế “xin - cho”, thiếu tự chủ và khó kiểm soát được khoản chi. ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng, kinh tế, hành chính công, tài chính công là “3 chân kiềng” không đồng bộ thì không mang lại hiệu quả. “Đây là 3 thách thức lớn, là trở lực của chúng ta mà trong nhiệm kỳ tới cần phải giải quyết” – ĐB nhấn mạnh.
ĐBQH cũng không khỏi lo ngại khi “Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đặt ra là khác, phải tập trung nguồn lực, phải có chuyển biến mạnh mẽ. Tái cơ cấu chứ có phải chuyển dịch đâu. Chúng tôi đi thấy có những TP lớn, kể cả những bộ, ngành quan trọng không có đề án cụ thể gì, vì thế nên mới chuyển biến chậm. Thủ tướng thì quyết liệt, “tổng tham mưu trưởng” Bùi Quang Vinh quyết liệt nhưng một số địa phương bình thường thế thôi” như phản ánh của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc sau thực tế 5 năm đi giám sát tái cơ cấu nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tình trạng “hòa cả làng” trong đánh giá trách nhiệm việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế cũng khiến ĐBQH bức xúc vì “không tạo động lực cho những người làm được. Tôi thấy kỷ luật triển khai thực hiện là có vấn đề. Ở đây có nhiều địa phương cứ chờ đợi sự hỗ trợ, thậm chí vẫn còn tính bao cấp từ Trung ương, nên chả phải lo lắng gì quá. Bình tĩnh mà nghèo!”, ĐB Phúc nói và đề nghị: “Phải có nghị quyết của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm (2015-2020)”.
Tinh giản biên chế không phải chỉ “cắt ngọn”
Đưa hình ảnh “một nông dân cõng 4 công chức béo thì chết”, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) đề nghị Chính phủ phải coi trọng chống tội phạm tham nhũng, “đánh có trọng tâm, trọng điểm thì mới chấn chỉnh bộ máy phía dưới”. Đồng thời, ĐBQH yêu cầu phải cải tổ bộ máy hành chính, đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy theo Hiến pháp, tinh giản biên chế từ gốc chứ không phải chỉ “cắt ngọn”.
Phiên thảo luận của ĐBQH tại tổ còn “nhắm” đến những giải pháp đối phó tình hình hạn hán, ngập mặn và những nguy cơ thiên tai sẽ xảy ra do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo ĐBQH, Chính phủ cần nâng chất lượng hoạt động dự báo thiên tai, cảnh báo về những hậu quả, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu để có giải pháp căn cơ, lâu dài chứ không chỉ là những giải pháp tình thế như hiện nay. Đồng thời, cần báo cáo cụ thể với Quốc hội để Quốc hội “xem quyết định chính sách hiện tại và thời gian tới” - Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị.
Theo ĐBQH, giải pháp căn cơ cho tình trạng này là phải chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng, khôi phục mức độ che phủ rừng, xây dựng một số đập nước lớn ở các vùng trên cả nước để tích nước dùng cho mùa khô hạn. Đặc biệt, Chính phủ phải tập trung khuyến khích, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao như kinh nghiệm của Nhật Bản, Israel để “biến các vùng hạn hán thành vùng màu mỡ, sinh lợi nhuận” – ĐB Đỗ Văn Đương gợi ý.