6 bất an của nhân dân
Phát biểu tại phiên họp, chia sẻ với những thách thức mà Chính phủ đang phải đối mặt nhưng ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH điểm mặt 6 vấn đề bất an mà nhân dân đang bức xúc, Chính phủ cần quan tâm giải quyết. Bất an thứ nhất, theo đại biểu (ĐB) Phong, là mới chỉ có một mình Chính phủ hành động kiến tạo và liêm chính.
Bất an thứ hai được ông Phong nêu ra là vấn nạn tham nhũng và lãng phí quá lớn chưa được chặn đứng, đẩy đất nước đến bờ vực của sa sút lòng tin. “Tiền của dân chắt chiu gom góp trong mồ hôi, nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức đáng báo động”, ĐB Phong nhận định. Bất an thứ ba, theo ông, là sự xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định bền vững của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm; hiệu quả đầu tư thấp, nợ công còn cao. “Mức bội chi gấp 3 lần tăng trưởng. Như vậy, chúng ta làm 1 đồng nhưng xài tới 3 đồng”, ĐB Phong phân tích.
Bất an thứ tư là tình trạng thương mại hóa các quan hệ xã hội, đến mức “đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền”. “Đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách và đâm thủng pháp luật. Minh chứng cho vấn đề này là hiện tượng “chạy” ở Việt Nam. Thực tế rất đau lòng là trong bụng mẹ đã “chạy” chỗ sinh đẻ, chập chững đi đã “chạy” trường, học phổ thông các cấp và đại học cũng phải “chạy” trường, “chạy” lớp, “chạy” điểm. Được tuyển dụng thì “chạy” chỗ, “chạy” chức, “chạy” quy hoạch, “chạy” luân chuyển. Vi phạm pháp luật thì “chạy” điều tra, truy tố, “chạy” án và thậm chí chạy khỏi Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết gì đến vấn đề tội phạm để an thân”, ĐB nói.
Vẫn theo ĐB Phong, người dân hiện không an tâm khi rừng đã hết, biển gần chết, không còn tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau. Bất an thứ sáu là về an toàn sống, đến mức bữa cơm trong nhà cũng lo vì an toàn vệ sinh thực phẩm, bước ra đường thì sợ vì an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không dám can thiệp vì sợ vạ lây.
Không để nông sản Việt thua ngay trên sân nhà
Những bất cập trong bài toán giá – nông sản cũng được nhiều ĐB đề cập. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, trong nhiều năm qua, nông sản Việt vẫn trong vòng luẩn quẩn “hết trồng rồi lại chặt, được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Theo ĐB Hòa, các giải pháp cứu trợ đợ giá ngắn hạn chỉ là nhất thời, không mang lại hiệu quả lâu dài, thiết thực.
Theo ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), trong nền kinh tế thị trường thì giá cả phụ thuộc và chịu ảnh hưởng bởi quy luật cung - cầu. Nhưng ĐB đặt vấn đề về tại sao vấn đề trên vẫn xảy ra khiến đời sống của người dân vốn dĩ đã khó khăn càng khó khăn dù đã có các cơ quan quản lý ở các lĩnh vực. Từ nhận định trên, ĐB Hận và ĐB Hòa đề nghị Chính phủ xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.
Ngoài ra, ĐB Hòa cũng đề nghị Chính phủ chú ý vấn đề dự báo nhu cầu thị trường trong tương lai để nông dân nắm được thông tin, từ đó có kế hoạch điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, tránh rủi ro. Bên cạnh đó, ĐB Hòa cho rằng cũng cần hạn chế tình trạng xuất tiểu ngạch qua “nước láng giềng” vốn không ổn định và tìm các thị trường khác ngoài thị trường này. Để nông sản Việt phát triển bền vững, ĐB Hòa cũng đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp thay đổi tư duy, có chính sách đồng bộ để giảm chi phí vận chuyển trong nội địa và ra nước ngoài để tránh việc nông sản của chúng ta tiếp tục thua từ trên sân nhà lẫn thị trường ngoài nước.
Cẩn trọng khi thực hiện bỏ biên chế
Câu chuyện biên chế cũng được nhiều ĐB đưa ra tại phiên họp. Trong đó, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề nghị QH thận trọng khi quyết định triển khai chủ trương biến các cơ sở y tế, giáo dục công thành các đơn vị hoạt động độc lập như mô hình công ty, trao quyền lớn cho lãnh đạo đơn vị ở Việt Nam. Bởi, theo ĐB, mô hình mới này dù chưa chính thức vận hành đã xuất hiện ngày càng nhiều bất cập như bảo hiểm y tế xuất toán ồ ạt tại các bệnh viện từ trung ương tới địa phương; nhiều bác sỹ, giáo viên ở vùng sâu và vùng xa bỏ việc; việc lạm dụng kỹ thuật cao trong y tế tràn lan…
Liên quan đến phương án bỏ công chức trong giáo dục và y tế, ĐB Hiếu đề xuất xem xét hết sức cụ thể chính sách cho từng vùng miền theo các đặc thù nếu thực hiện để tránh gây sụp đổ mạng lưới giáo viên, y bác sỹ cắm bản ở nhiều địa phương vốn phải mất nhiều năm mới xây dựng được. Ngoài ra, ĐB cũng cho rằng việc giao quyền cho hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện phải thực hiện theo một cơ chế rõ ràng, mạch lạc, quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị để tránh nguy cơ “giao trứng cho ác”.
ĐB Hiếu đặt vấn đề nếu bỏ biên chế y tế và giáo dục tốt cho xã hội thì nên bỏ biên chế toàn bộ hệ thống, trừ lĩnh vực an ninh, quốc phòng; đưa tất cả các cán bộ, viên chức thành hợp đồng như hầu hết các nước trên thế giới để bỏ được tâm lý “chạy” biên chế để được yên ổn suốt đời. Ngoài những lý do trên, ĐB Hiếu cũng cho rằng câu chuyện bỏ biên chế trong ngành giáo dục, chuyển sang hợp đồng không quan trọng bằng đổi mới giáo dục vì ngành này đang bộc lộ nhiều vấn đề. “Hãy tạo ra một chương trình giáo dục mở. Đừng áp những tiêu chí cứng nhắc, ép học sinh trở thành những nhà bác học, tài đức vẹn toàn mà cần chú ý đến cả những việc đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ”, ĐB kêu gọi.
“Chính phủ giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7% vì 3 lý do. Thứ nhất, đây là năm thứ 2 chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng cũng như Nghị quyết của QH về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Đây là năm bản lề hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo để đạt được các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm. Thứ 2 là nhu cầu của chúng ta cũng phải phát triển nhanh để tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực. Thứ 3 là để tạo các nguồn lực cho đầu tư phát triển cho các giai đoạn sau cũng như duy trì sự ổn định cho các cân đối lớn như nợ công, thu chi ngân sách, tạo việc làm, chi cho an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, từ đó góp phần phát triển xã hội, ổn định chính trị.
Cơ sở để Chính phủ xác định và quyết tâm mục tiêu tăng trưởng 6,7% là bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2016. Tăng trưởng nông nghiệp năm nay có khả năng đạt 3,05%. Công nghiệp chế biến, chế tạo có diễn biến tích cực, có khả năng đạt 13% sau khi tính toán và làm rõ các ngành cụ thể. Xuất khẩu có thể đạt được 10% trong năm nay. Tiêu dùng cũng tăng trưởng tốt, khoảng 10%; khu vực dịch vụ có đạt khoảng 7,79%. Nhiều dự án đầu tư từ nguồn ngân sách đang được đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn từ tư nhân, FDI; một số dự án lớn đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào khai thác, sử dụng, đóng góp cho tăng trưởng. Mục tiêu 6,7% được cho là cao nhưng Chính phủ thấy có cơ sở để phấn đấu, với điều kiện tất cả chúng ta phải triển khai đồng bộ, quyết liệt tất cả các giải pháp và phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Đây là mục tiêu cao cũng là mục tiêu để phấn đấu và có cơ sở để thực hiện, đảm bảo kế hoạch 5 năm”.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM): 3 điểm sáng Chính phủ cần phát huy
“Tôi ủng hộ Chính phủ tiếp tục chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế tiếp tục 6,7%. Tôi xin gợi mở thêm 3 điểm sáng mà Chính phủ cần phát huy: Điểm sáng thứ nhất là chúng ta triển khai nhiều nghị quyết để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, hình thành các tổ công tác để giải quyết, khai thông chính sách. Thứ hạng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tăng từ 91 lên 82. Tôi cho rằng thứ hạng này ta còn cải thiện được nữa nếu quyết liệt từ trên xuống dưới, nhất là hiệu quả của bộ máy hành chính công, tính năng động hết lòng vì dân vì nước của đội ngũ cán bộ công chức. Tôi thiết nghĩ, chúng ta nên sớm có cơ chế, cho thôi việc nhanh cán bộ, viên chức sách nhiễu, hành dân.
Điểm sáng thứ hai, mặc dù nợ công của chúng ta hiện nay ở mức sát trần, nợ xấu đến 17% trên dư nợ đe dọa an ninh tài chính tiền tệ quốc gia nhưng chúng ta vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện được thu nhập. Điểm sáng ba, thông qua hành động quyết liệt của Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, tinh thần doanh nhân tăng cao, hoạt động khởi nghiệp lan rộng khắp các địa phương”.
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng): Quan tâm câu chuyện cổ phần hóa
“Câu chuyện cố tình kéo dài thời gian cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã và đang xảy ra nhưng chưa được xử lý triệt để. Được biết, số vốn của các doanh nghiệp nhà nước lên tới 5,4 triệu tỷ đồng, số người nhà nước tham gia quản lý doanh nghiệp này cũng không hề nhỏ cùng với đó là chế độ chính sách, quyền lợi đối với họ. Một câu hỏi đặt ra là có phải là lợi ích nhóm đang chi phối, thao túng trong câu chuyện này hay không? Thật khó trả lời trong khi đâu đó vẫn còn có lợi ích nhóm, biến của công thành của tư, làm giàu nhanh chóng một cách không minh bạch. Một số người trong doanh nghiệp nhà nước và người thân của họ nắm thông tin, thao túng quá trình cổ phần hóa, thao túng những khu đất vàng với giá thấp nhưng sau khi cổ phần hóa xong giá trị khu đất tăng một cách chóng mặt mà vẫn đúng quy trình. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong nhiệm kỳ này, tôi đề nghị Chính phủ quan tâm có giải pháp để người dân yên tâm”.