Tranh luận một vấn đề được quy định trong dự thảo Luật ở khoản 10 Điều 4 về khái niệm doanh nghiệp nhà nước tại phiên họp toàn thể ngày 21/5 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) không đồng thuận về khái niệm này với việc đưa ra hàng loạt lập luận.
Ông Thịnh cho rằng, việc thay đổi tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước trong doanh nghiệp từ 100% xuống trên 50% để tái định nghĩa doanh nghiệp Nhà nước sẽ có nhiều hệ lụy khi thực hiện đợt này, vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa với nhiều lý do.
Một là doanh nghiệp nhà nước sẽ bị điều chỉnh bởi các quy định về kiểm toán tài sản công, tài chính công.
Hai là doanh nghiệp nhà nước và các công ty con của mình sẽ bị điều chỉnh bởi các quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ba là khái niệm 50% không rõ là nắm giữ trực tiếp hay nắm giữ gián tiếp. Nếu là nắm giữ gián tiếp thì rất nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa bỗng nhiên trở thành doanh nghiệp nhà nước trở lại.
Bốn là nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất e ngại trong việc mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước, nếu họ không mua trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó do bị hạn chế, hay do không đủ tiền, hay do không muốn mua.
Năm là một doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp nhà nước sẽ khó tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công.
Sáu là một cán bộ quản lý hay thành viên Hội đồng thành viên trong một doanh nghiệp bình thường bỗng nhiên trở thành người đại diện phần vốn góp Nhà nước có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không bảo toàn vốn, kể cả vì các lý do khách quan do cố ý làm trái quy định. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ doanh nghiệp nhà nước đã nghỉ việc xin ra ngoài làm vì các quy định quản lý vốn nhà nước và chịu trách nhiệm quá nặng.
Bảy là doanh nghiệp nhà nước thì mức lương lại phải theo thang bảng lương Nhà nước, không hấp dẫn nhân tài.
Tám là một doanh nghiệp nhà nước sẽ được đối xử bất bình đẳng hơn so với các doanh nghiệp trong việc ưu đãi cho vay, cho thuê đất.
Chín là chừng nào vẫn còn phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác thì Việt Nam vẫn có thể thể bị coi là nền kinh tế phi thị trường, ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Vì vậy, ông Thịnh đề nghị để tránh các xáo trộn nghiêm trọng trong nền kinh tế và để giữ vững mục tiêu cổ phần hóa của Đảng, Nhà nước đã đề ra thì có thể vẫn giữ nguyên khái niệm doanh nghiệp nhà nước như Luật hiện nay là 100% vốn nhà nước và thực tế hoạt động trong vấn đề này trong những năm qua không có nhiều xáo trộn lớn trong nền kinh tế.