Đại biểu Quốc hội nhất trí lập Quỹ phòng thủ dân sự

(PLVN) - Sáng 20/6, tại Kỳ họp thứ 5, đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự, theo đó nhất trí với sự cần thiết thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự.
Quang cảnh phiên họp sáng 20/6.
Quang cảnh phiên họp sáng 20/6.

Quốc hội đã thông qua Luật Phòng thủ dân sự (PTDS) với 469/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PTDS.

Về Quỹ PTDS, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Hội trường ngày 24/5/2023 về dự thảo Luật PTDS, căn cứ quy định tại Điều 10 Nội quy kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng hai phương án về Quỹ PTDS, trong đó nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án và gửi Phiếu xin ý kiến ĐBQH.

Kết quả, tổng số ĐBQH tham gia ý kiến/ tổng số ĐBQH: 373/494 = 75,51%. Trong đó, số ĐBQH tán thành Phương án 1 là 255 đại biểu, chiếm 68,36% số ĐBQH tham gia biểu quyết và bằng 51,62% tổng số ĐBQH; Số ĐBQH tán thành Phương án 2 là 118 đại biểu, chiếm 31,64% số ĐBQH tham gia biểu quyết và bằng 23,89% tổng số ĐBQH.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận và với kết quả xin ý kiến nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đại đa số các vị ĐBQH đều đồng tình với việc có Quỹ PTDS (cả Phương án 1 và Phương án 2 đều xác định có Quỹ), do đó việc thành lập Quỹ PTDS là cần thiết.

Trên cơ sở kết quả xin ý kiến, UBTVQH xin được tiếp thu, quy định Phương án 1; đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, thành viên UBTVQH và ý kiến các cơ quan hữu quan tại Phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định về nguyên tắc việc điều tiết giữa Quỹ PTDS và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa được thực hiện trong trường hợp cấp bách và giao Chính phủ quy định việc điều tiết giữa các quỹ này tại điểm d khoản 3 và khoản 4 Điều này như dự thảo Luật.

Cũng theo ông Lê Tấn Tới, về huy động, vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp của tổ chức, cá nhân vận động đóng góp tự nguyện với chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nơi được hỗ trợ để đảm bảo hoạt động này được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nơi có đối tượng được cứu trợ, hỗ trợ và nơi được hỗ trợ tại điểm d khoản 1 và điểm c khoản 2 như dự thảo Luật.

Đọc thêm