Đại biểu Quốc hội: Phải được theo dõi đến cùng khi quy định chi tiết luật

(PLO) - Hôm qua (25/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018. 

Đa số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 của đất nước ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng, toàn diện, nổi bật trên nhiều lĩnh vực với những con số hết sức ấn tượng và đầy thuyết phục. 

Cần tránh những “khoảng lặng” trong tăng trưởng

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đánh giá, kinh tế - xã hội trong năm 2017, những tháng đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả rất nổi bật, với những con số rất thuyết phục, điển hình nhất là GDP đạt cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Từ kết quả này, ông Cầu “kỳ vọng tin tưởng” chỉ tiêu 2018 sẽ tiếp tục thành công như mong đợi. Tuy nhiên, với những vấn đề xã hội xảy ra trong thời gian qua, như vụ cà phê trộn pin, bảo mẫu bạo hành trẻ mẫu giáo dã man, thảm án giết nhiều người gây chấn động… Cử tri lo lắng và bày tỏ mong muốn: “Kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội bằng ngày xưa”.

Đại biểu ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An)
Đại biểu ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) 

Chỉ ra nhiều “khoảng lặng” trong bức tranh tăng trưởng, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhận định, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì chúng ta không đạt mục tiêu tăng trưởng. ĐB cho rằng, đúng như báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng đang giảm dần và lệ thuộc vào khai thác tài nguyên dầu thô. Năm 2017, công nghiệp khai khoáng thực hiện vượt kế hoạch nhưng cũng chỉ bằng 2,93% của 2016.

“Tuy tăng trưởng vượt mục tiêu, nhưng tăng trưởng từ nội lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ của nền kinh tế không được như kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu, đây là khoảng lặng của tăng trưởng năm 2017 cần phải được nhìn nhận”- ĐB Hàm nêu quan điểm.

Nhiều văn bản luật chưa đi vào cuộc sống

Cho rằng, trong thời gian vừa qua việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn luật đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các chính sách, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2017, quy định kho số viễn thông và kho số khác là tài sản công, trong đó có biển số xe. Nếu chúng ta sớm triển khai đấu giá biển số xe ô tô thì hàng năm ngân sách sẽ thu về được khoảng 5.000 tỷ đồng từ việc đấu giá hơn 12%  biển số đẹp được sắp xếp có quy tắc, biển số được người dân ưa thích và hơn 60% biển số theo yêu cầu của người dân trong tổng kho số. 

Tuy nhiên, khi xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn đấu giá biển số, có ý kiến đề xuất chỉ đấu giá các biển số có 5 chữ số giống nhau, 4 chữ chố giống nhau, 3 chữ số giống nhau và số tiến, cũng như những số mà người dân có nhu cầu khác 4 nhóm trên, như vậy chiếm chưa đến 1% tổng kho số. Bên cạnh đó, còn có đề xuất không cho phép người có biển số thông qua đấu giá được tiếp tục sử dụng cho chiếc xe tiếp theo của mình.

Từ ví dụ trên, ĐB Cảnh đề nghị, với các văn bản luật ban hành sau này, những nội dung giao cho Chính phủ cụ thể trong nghị định; bộ, ngành cụ thể trong thông tư thì các cơ quan soạn thảo vẫn cần tiếp tục lấy ý kiến của các ĐBQH về nội dung đó, vì phát biểu của ĐBQH mang ý chí, nguyện vọng của cử tri, dành tâm sức vào đóng góp các chính sách để phát triển đất nước.

“Việc tạo điều kiện để ĐBQH theo đuổi nội dung được các ĐB quan tâm từ khi xây dựng luật đến khi ban hành các văn bản quy định chi tiết sẽ đảm bảo không chỉ Luật thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri mà nghị định, thông tư cũng đáp ứng tối đa nhu cầu của cuộc sống”- ông Cảnh nêu quan điểm.

Cũng theo ĐB Cảnh, hiện tại chúng ta còn nhiều văn bản luật đã ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống, gây lãng phí không nhỏ. Ví dụ, Luật Trưng cầu ý dân được QH khóa XIII ban hành nhưng đến nay chúng ta chưa đưa vào cuộc sống để vận dụng được sức mạnh trí tuệ của toàn dân trong bảo vệ và phát triển đất nước. 

Cùng quan điểm, ĐB Trần Đăng Ninh (Hòa Bình) đề nghị: “Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian tới, Chính phủ cần sớm trình QH sửa đổi Luật Đầu tư công”. Bởi theo ĐB Ninh, có nhiều quy định hiện nay khó thực hiện, hoặc không thể thực hiện được. Ví dụ, về nguyên tắc, mỗi dự án phải có vốn mới có căn cứ để thực hiện, song quy định hiện hành yêu cầu phải có dự án mới được bố trí vốn. Hay như quy trình chuẩn bị đầu tư, thẩm định, triển khai dự án cần qua nhiều khâu, tốn nhiều thời gian.

Cùng với đó, ĐB Trần Đăng Ninh đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, hài hòa lợi ích giữa người dân - doanh nghiệp - Nhà nước. Khi dự án có hiệu quả, người dân tái định cư được hưởng giá trị dự án mang lại.

“Đất vàng, đất bạc” rơi vào tay doanh nghiệp phân lô, bán nền

Theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An), cử tri phấn khởi trước kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây nhưng vẫn tâm tư, trăn trở trước sự thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản. “Trong xây dựng cơ bản, cử tri so sánh rằng nếu xây dựng một ngôi nhà có cùng thiết kế thì người dân xây hết 650 triệu, còn Nhà nước xây hết 1 tỷ, chất lượng thẩm mỹ không bằng người dân”-  ĐB Cầu nêu thực tế và cho biết, cử tri kiến nghị nên tính toán lại định mức, tính lại vấn đề bù giá, trượt giá, đội giá nếu không còn thất thoát hơn.

“Thực tiễn 12 đại dự án thua lỗ mà Chính phủ đang xử lý hiện nay là ví dụ nhãn tiền. Gần đây Kiểm toán Nhà nước phát hiện những sai phạm tại các dự án BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp, cá biệt như dự án nạo vét kè sông Sào Kê ở Ninh Bình điều chỉnh tăng đến 36 lần từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ, chứng minh tâm tư của cử tri là có cơ sở”, ông Cầu nói.

Trong khi đó,  ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị Chính phủ sớm tập trung giải pháp nguồn lực chỉ đạo tổng kiểm tra về đất đai cả nước, tập trung ở những đô thị, những khu vực “đất vàng”, khu vực chuẩn bị hình thành các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai)
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai)

“Nhân dân bất bình, thậm chí phẫn nộ bởi nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai, nhất là “đất vàng, đất bạc” rơi vào tay các doanh nghiệp “bạch tuộc”, không đầu tư cho sản xuất mà chăm chăm vào sang nhượng dự án hoặc phân lô, bán nền và nhiều hình thức khác làm thất thu lớn ngân sách nhà nước. Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu là “sân sau” của một số quan chức cùng cộng sinh thâu tóm, chiếm đoạt bằng nhiều thủ đoạn, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất”, ĐB Vượt nói.

Cũng theo ĐB Vượt, vì lợi ích nhóm, tồn tại nhiều quy hoạch treo nhiều nhiệm kỳ cũng cần được rà soát loại bỏ vì vừa gây lãng phí, vừa gây bức xúc, khốn đốn cho người dân thuộc vùng quy hoạch. “Cử tri mong muốn có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, Trung ương nếu không sẽ khó giải quyết đến nơi đến chốn vì dây mơ, dễ má, hậu duệ, đồ đệ và lợi ích nhóm”, ĐB Vượt cho biết. 

Đọc thêm