Đại biểu Quốc hội tán thành mở rộng thí điểm Thừa phát lại

Cuối tuần qua, thảo luận ở tổ về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc tiếp tục kéo dài thời hạn thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh và nhân rộng đến một số địa phương khác. Tuy nhiên, ĐBQH lưu ý, phải chuẩn bị thật tốt các điều kiện cho TPL hoạt động, nhất là về yếu tố nhân lực.

Cuối tuần qua, thảo luận ở tổ về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc tiếp tục kéo dài thời hạn thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh và nhân rộng đến một số địa phương khác. Tuy nhiên, ĐBQH lưu ý, phải chuẩn bị thật tốt các điều kiện cho TPL hoạt động, nhất là về yếu tố nhân lực.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.Hồ Chí Minh) phát biểu tại tổ về thí điểm chế định Thừa phát lại
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.Hồ Chí Minh) phát biểu tại tổ về thí điểm chế định Thừa phát lại

Kéo dài thí điểm là cần thiết

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thí điểm chế định TPL, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh: Ủy ban cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm.

Hoạt động TPL đã xác định được vị trí của mình trong đời sống xã hội, tạo lập một nghề mới về cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ hành chính – tư pháp, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội như giảm tải nhân lực, thời gian và chi phí, bảo đảm các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan Tòa án và Thi hành án dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng khẳng định “việc thí điểm chế định TPL là cần thiết ». Tuy nhiên, trong điều kiện hệ thống pháp luật và bối cảnh kinh tế - xã hội cũng như tập quán, ý thức pháp luật của người dân ở nước ta hiện đã có sự khác biệt rất lớn so với trước đây, nên “việc thí điểm đòi hỏi phải có bước đi thận trọng”. Nhiều ý kiến  trong Ủy ban tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL và mở rộng thêm địa bàn thí điểm (ở một số địa phương khác).

Đánh giá hoạt động của TPL đã góp phần giảm án tồn, chia sẻ công việc cho ngành Tòa án, tuy nhiên ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ cân nhắc lại việc cho phép TPL thực hiện cưỡng chế thi hành án vì nghi ngại “sẽ gặp khó khăn”. ĐB Ánh nhất trí thẩm định của Ủy ban Tư pháp, cho tiếp tục thí điểm và nhân rộng mô hình TPL đến hết năm 2015, tuy nhiên ĐB này đề nghị “Bộ Tư pháp cần củng cố bổ sung văn bản hướng dẫn đảm bảo hành lang pháp lý cho TPL hoạt động tốt hơn”.

ĐB Trần Du Lịch (TP.Hồ Chi Minh) cũng cảm thông trong khi thế giới “người ta làm cả rồi” mà ta thì “trật vật” lắm mới ra được việc thí điểm TPL. Ông nhất trí cao “địa phương nào có điều kiện thì cứ cho làm” nhưng lưu ý “không nên làm phong trào, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng Tòa án, Tư pháp việc của mình không làm mà cứ “nằm” đó chờ mấy ông TPL”. ĐB Lịch nhấn mạnh “cần luật hóa hoạt động này chứ không thể mãi thí điểm”.

Đánh giá TPL có tác dụng cho xã hội, ĐB Thân Đức Nam (TP.Đà Nẵng) cũng cho rằng những bất cập hạn chế của TPL chủ yếu do thể chế chưa hoàn thiện. Về hoạt động của các Văn phòng TPL trong thời gian chuyển tiếp, ĐB này đề nghị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần khẳng định hiệu lực và tính pháp lý của các hoạt động từ 1/7/2012 đến khi có Nghị quyết mới nếu không sẽ tạo ra cách hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên có liên quan.

Chung ý kiến, ĐB Lê Đông Phong (TP. Hồ Chí Minh), ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên), ÐB Ðinh Xuân Thảo (Hà Nội), ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa)… cùng nhiều ĐB khác tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL và cần mở rộng triển khai ở nhiều địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Mở rộng quy mô: phải chuẩn bị điều kiện thật tốt

Cơ bản nhất trí với những đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, song ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến, TP.Hồ Chí Minh tỏ ra rất thận trọng: “TP Hồ Chí Minh làm TPL từ trước giải phóng, sau này vào thí điểm đã có sự chuẩn bị rất tốt về nhân lực, vật lực, tức là đã “đi trước một bước” rồi mà thực hiện triển khai còn nhiều khó khăn.

Vậy còn các địa phương khác chưa thực hiện bao giờ thì sẽ ra sao?”, bà Tiến đặt câu hỏi và cho rằng “cần chuẩn bị các điều kiện thật tốt, nhất là về con người để việc thực hiện TPL được thành công. Bộ Tư pháp cần phối hợp với chính quyền địa phương làm kỹ công tác khảo sát, chứ không nên cứ tỉnh nào đăng ký là cho làm”.

Tuy nhiên, về việc kéo dài và mở rộng quy mô hoạt động TPL, cũng có một số ý kiến ĐB chưa đồng tình. ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) không tán thành tiếp tục thực hiện thí điểm. Ông tỏ rõ quan điểm “TPL chỉ phục vụ cho thi hành án dân sự, không liên quan đến Tòa án. Hiện nay cán bộ Tòa án dù nhiều việc nhưng vẫn làm được, nên “không cần thiết phải xã hội hóa một phần việc như TPL”.

Theo chương trình làm việc, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện thí điểm chế định TPL vào ngày 10/11 tới đây.

Thu Hằng

Đọc thêm