Ngày thứ hai chất vấn (14/6), Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã được nhiều ĐBQH đánh giá là “trả lời rõ ràng, có chất lượng”. Tuy nhiên nhiều ĐBQH tỏ ra tiếc nuối vì “thời gian quá ít”
Nhận lỗi vì để độc quyền quá lâu
Đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội vào sáng hôm qua, trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) về việc phá bỏ thế độc quyền của điện, xăng dầu và trách nhiệm của Bộ đối với vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận “nếu tiếp tục độc quyền như hiện nay, điện sẽ thiếu sự cạnh tranh lành mạnh”. Thời gian qua, Bộ Công thương đã có nhiều giải pháp xóa bỏ thế độc quyền DN. Sau thời gian thí điểm từ 7/2012 sẽ chính thức phát triển thị trường điện cạnh tranh.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng: Nhận lỗi vì để độc quyền quá lâu |
Trước sự “sốt ruột” của một số ĐBQH “bao giờ xóa độc quyền”, ông Hoàng đã thẳng thắn “để độc quyền lâu như vậy, Bộ Công thương cũng chưa làm hết trách nhiệm, còn thiếu sự kiểm tra, đôn đốc ...Hiện Bộ đã kiến nghị với Chính phủ tách khâu phân phối và sản xuất”. Bộ trưởng cũng hứa tiếp thu và “rút ngắn thời gian xóa độc quyền”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hoan nghênh cách trả lời thẳng thắn này của Bộ trưởng Hoàng.
Liên quan đến giá xăng, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) và một số ĐB khác phản ánh “Cử tri rất bức xúc trong điều hành giá xăng dầu của Bộ, giá tăng thì nhanh, tăng cao, còn hạ thì hạ không kịp thời, không đáng kể” và đề nghị “Bộ trưởng cho ý kiến?”
Giải trình, Bộ trưởng Công thương cho biết, việc tăng, hạ giá xăng dầu hiện đang được thực hiện theo quy định của Nghị định 84/CP. Theo đó, thương nhân, đầu mối nhập khảu xăng dầu khi có biến động giá thế giới, phải trên cơ sở giá cơ sở của 30 ngày trước đó để điều chỉnh. Lý do chọn 30 ngày là do xăng dầu của VN hiện vẫn phải dựa vào nguồn nhập khẩu, nên cần có thời gian dự trữ trong 30 ngày. “Biến động giá bên ngoài phải có độ trễ, xăng dầu hiện chủ yếu đang nhập khẩu, có thể lô hàng đến Việt Nam đã phải nhập khẩu cách đó 1 tháng với giá khác”.
Bộ trưởng Hoàng phân tích thêm và thừa nhận, “đúng là khi giá thế giới thay đổi, trong nước thay đổi chưa kịp thời” và tình trạng tăng cao, hạ ít như ĐBQH phản ánh là đúng. Hiện Thủ tướng đang giao Bộ Công thương nghiên cứu, xem xét Nghị định 84 sau 2 năm vận hành có gì bất hợp lý để sửa đổi, bổ sung.
Ngoài giá điện, xăng, nhiều ĐB đặt câu hỏi về thủy điện Sông Tranh 2, vấn đề mà dư luận đang dành nhiều sự quan tâm đặc biệt. Bộ trưởng Hoàng cho biết “đúng là lượng thấm của thủy điện đã quá mức cho phép, Hội đồng giám sát chất lượng nhà nước cũng đã có ý kiến, đây là sự cố nghiêm túc cần xử lý, khắc phục rồi mà nghi ngại chất lượng thì phải có biện pháp căn cơ hơn, tinh thần đảm bảo an toàn”.
Trước câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) về việc “có nên đánh đổi diện tích rừng làm thủy điện nhỏ”, ông Hoàng cho biết sẽ kiểm tra lại quy hoạch và “nếu thấy rằng công trình thủy điện không đảm bảo tiêu chí mà diện tích phá dừng lớn thì phải dừng lại”.
Làm rõ hơn những vấn đề về thủy điện Sông Tranh 2, về lo ngại của cử tri về sự an toàn của thủy điện, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Đập đã an toàn vì thiết kế an toàn, nền đập an toàn, thi công đảm bảo chất lượng. “không an toàn thì mới di dân, mà đã an toàn rồi thì không phải di dân”, ông Dũng nói
Kiến nghị được áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết tránh đối tượng bỏ trốn
Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã nhận được hàng loạt câu hỏi từ ĐB, đó là những vấn đề bức xúc mà dư luận cả nước thời gian qua đặc biệt quan tâm.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) gây nóng diễn đàn bằng vụ Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng bỏ trốn và đặt ra trách nhiệm của ngành công an trong vụ việc này. ĐB cũng “kéo” Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng lên diễn đàn với nhắc nhở “tôi hỏi, Bộ trưởng Thăng trả lời hơn 1 trang nhưng chỉ có 1,5 dòng về việc ông Dũng”.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết: “Ngay sau khi VKS phê chuẩn, các tổ công tác đã thi hành lệnh bắt nhưng ông Dũng đã bỏ trốn. Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đặc biệt trên toàn quốc, phối hợp quốc tế truy bắt bằng những biện pháp khẩn trương và chỉ đạo CSĐT làm rõ nguyên nhân ông Dũng bỏ trốn”
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang: Đang chỉ đạo làm rõ việc bị can Dương Chí Dũng bỏ trốn |
Từ vụ việc này, Bộ trưởng Quang cũng kiến nghị Quốc hội, cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi Bộ luật TTHS, Luật Phòng chống tham nhũng cho phép CQĐT được áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết được tiến hành điều tra bí mật đối với những cá nhân đã có chứng cứ dấu hiệu, phạm tội tham nhũng, để tránh tình trạng có những đối tượng tìm cách bỏ trốn.
Giải trình thêm về việc bổ nhiệm đối với ông Dũng, Bộ trưởng Thăng cho rằng: “Bộ đã thực hiện đúng quy trình về quản lý, bổ nhiệm, đảm bảo dân chủ, tập thể…có sự thống nhất tuyệt đối” và việc bổ nhiệm “không trái quy định của Luật Thanh tra”. Tuy nhiên, ông Thăng cũng “nhận trách nhiệm, khuyết điểm sâu sắc về việc này”. Bộ trưởng cho biết hiện đang kiểm điểm từng cá nhân trong Ban Cán sự Bộ.
Đề cập đến các vụ việc về tham nhũng, ĐBQH Đỗ Văn Đương (Tp. HCM) hỏi Bộ trưởng Công an có khó khăn gì khi số vụ khởi tố ít chưa tương xứng với tình hình và sự mong đợi của nhân dân. “Tới đây Bộ có cách gì tập trung thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, phòng ngừa quan chức phạm tội, trốn ra nước ngoài không?” - ĐB Đương hỏi.
Bộ trưởng Quang cho biết, đấu tranh chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Ngành Công an cũng vào cuộc quyết liệt. Số vụ, số bị can xử lý đều tăng. Tuy nhiên, khó khăn trong các vụ tham nhũng là chủ thể phức tạp, có chức vụ, thủ đoạn tinh vi nên điều tra xử lý khó khăn, thận trọng. Thời gian trưng cầu giám định tư pháp cũng thường kéo dài. Có vụ khởi tố bị can rồi nhưng yêu cầu giám định thiệt hại nhưng nhiều tháng chưa xong. Bộ trưởng cũng đề nghị thành lập cơ quan giám định tư pháp liên quan tới xây dựng, kinh tế để xử lý án tham nhũng kịp thời.
Liên quan đến lĩnh vực của Bộ trưởng Quang, câu hỏi của ĐBQH còn tập trung vào các vấn đề khác như hiện tượng tiêu cực trong ngành, tiến độ triển khai việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, về chế độ cho công an viên, về tội phạm vị thành niên, về sử dụng lực lượng cưỡng chế…Phần trả lời của Bộ trưởng Quang được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi kết luận phiên chất vấn đánh giá là “cầu thị, rõ ràng”.
Thu Hằng