Tỷ thí bằng màn châm thuốc lá lên người
Kể về đời mình, ông Hội cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm. Cũng vì không có điều kiện học hành như bạn bè cùng trang lứa nên vừa học xong cấp 3 là tôi nghỉ học. Bố mẹ thấy tôi lớn tuổi, không có công ăn việc làm nên bảo lấy vợ. Năm 25 tuổi tôi cưới vợ rồi học nghề sửa xe máy để lo cho cuộc sống gia đình và 3 đứa con”.
Theo lời ông Hội, thời gian đầu, ông làm ăn rất khấm khá, nhưng cũng vì ăn nên làm ra nên ông trở nên ỉ lại rồi dần lười biếng, chỉ muốn ăn chơi. Thế rồi, bạn bè rủ rê ăn chơi, ông bỏ bê công việc, dần dần mất khách. Đến năm 1991, ông Hội gần như trắng tay, bạn bè cũng dần xa lánh.
Để tránh xa đám bạn bè chơi bời, bê tha, ông dẫn vợ con lên Tây Nguyên làm lại từ đầu. Đi khắp các huyện Đức Cơ, Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cũng với nghề sửa chữa xe máy, nhưng ngựa quen đường cũ, bất kỳ nơi nào đặt chân đến ông cũng để lại nỗi đau, hệ lụy cho vợ con, từ say xỉn đến bài bạc, bị các con nợ đến nhà đòi nợ rồi dọa giết tối ngày.
Một lần nữa, cuối năm 1993, ông lại đưa vợ con qua TP. Ban Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) chọn nghề xe ôm kiếm sống. Nhưng vẫn vậy, ông tiếp tục đi trên vết xe đỗ rồi lao vào vòng xoáy nghiện hút ma túy.
Năm 1994, biết chồng quá lún sâu vào nghiệp ngập, không thể chịu đựng được sự bê tha của chồng, vợ ông quyết định lặng lẽ ôm con quay về quê sinh sống. Lúc này, khi vợ con đã bỏ đi không muốn gia đình, anh em, bạn bè dèm pha, một phần bị “cái chết trắng” khống chế nên ông Hội rời Buôn Mê Thuột phiêu bạt giang hồ tứ chiếng.
Đầu năm 1998, khi đã đủ bản lĩnh giang hồ, ông đặt chân đến đất TP.Hồ Chí Minh phồn hoa và chết tên với biệt danh “Hội khùng”. “Sở dĩ tôi có cái biệt danh “Hội khùng” là bởi tính tình tôi thời đó ương ngạnh, khác người. Cứ nói là làm, thích chém ai, đánh ai là đánh. Mình khùng đến nỗi khuya khuya ra đường, ai nhìn đểu, nói lớn là lao vào đánh đấm ngày”, ông Hội kể.
Theo lời ông Hội, ngày bước chân đến Sài Gòn, ông cùng các đối tượng nghiện là đàn em của mình lập thành băng nhóm và tổ chức hoạt động bảo kê cho các nhà hàng, khách sạn, quán nhậu. Cũng nhờ kiếm được số tiền lớn từ bảo kê, ông mới tồn tại giữa một đô thị hạng nhất Việt Nam, bằng không chỉ có nước chết vì thiếu thuốc do mỗi ngày ông ngốn hết hơn 1 triệu đồng.
Ông Hội kể: “Cuối năm 1998, khi thấy một nhà hàng, khách sạn ở quận Tân Bình ăn nên làm ra, tôi cùng các đệ tử của mình tìm đến yêu cầu ký hợp đồng để mình bảo kê. Lúc đó, khu vực này đã có tay giang hồ khác tên Thanh “đầu bò” làm nên đôi bên xảy ra mâu thuẫn. Có điều nhóm tôi bản lĩnh hơn nên Thanh đành từ bỏ cuộc chơi”.
Theo ông Hội, thời ấy nhóm của ông và Thanh “đầu bò” thi độ lì. Lính của ông đốt thuốc lá châm lên khắp người Thanh đầu bò. Ngược lại, lính Thanh đầu bò châm thuốc lên người ông. Thanh đầu bò chỉ chịu đựng được 12 điếu nên phải từ bỏ cuộc thi, nhường lại lãnh địa. Tuy nhiên sau này, hai nhóm lại kết thành một, sống như anh em và hoạt động khét tiếng ở quận Tân Bình.
Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, ngày 10/9/1999, sau vụ cùng đàn em cướp tài sản, ông Hội bị công an TP.Hồ Chí Minh bắt, sau đó bị tuyên phạt mức án 5 năm tù giam, cải tạo tại khám Chí Hòa.
Vào tù, ông Hội đã tuyệt vọng, không nghĩ được gì về tương lai nữa, nhất là những cơn nghiện hành hạ thân xác ngày này qua tháng nọ. Nhưng rồi qua các buổi học cải huấn, ông bắt đầu nhen nhóm niềm tin trở lại, đêm đêm trông đợi ngày về.
“Những lời động viên, an ủi của cha mẹ, anh em khi tới thăm nuôi và hình ảnh vợ dại con thơ đang trông ngóng, chờ đợi ở quê nhà đã thôi thúc, tạo lại cho tôi niềm tin và nghị lực. Do cải tạo tốt, tôi được tha trước hạn tù gần 1 năm”, ông Hội cho biết.
Ông Hội vươn lên làm giàu để trả nợ đời sau những sai lầm của mình. |
Vươn lên làm giàu để trả nợ đời
Ngày 10/12/2003, có lẽ là ngày ông Hội nhớ nhất trong đời, bởi đó là giây phút của ngày ông được trả tự do. “Bước chân trở lại cộng đồng, tôi muốn về ngay với vợ con, đoàn tụ cùng người thân lắm, nhưng sợ mình bị nhiễm căn bệnh HIV sau 7 năm dính vào hút chích. Nhưng thật mừng, kết quả xét nghiệm HIV âm tính nên tôi bắt xe lên đường ngay tức khắc. Có lẽ cuộc đời của tôi được như ngày hôm nay bắt đầu từ điều may mắn ấy”, ông Hội tâm sự.
Những ngày đầu trở về quê hướng thiện, làm lại cuộc đời, dù được cha mẹ, anh em và vợ con tiếp nhận, giúp đỡ, song để hoà nhập được với bạn bè, hàng xóm là điều không dễ chút nào. Nghĩ rằng, bằng mọi giá phải chứng minh cho xã hội thấy nửa cuộc đời còn lại của mình còn có ích, người đàn ông lầm lỡ ngày nào đã quyết đoạn tuyện thuốc lá, rượu chè. Sau đó, ông vào sâu trong rẫy ở ẩn, lao động sản xuất.
Thấy ông quyết tâm, bố mẹ đã cho mượn sổ đỏ thế chấp vay vốn ngân hàng để lên xã Nam Yang trồng cà phê, hồ tiêu. Chưa hài lòng, năm 2006, ông còn khai hoang, mở một trang trại dăm bảy ha để nuôi heo, trồng các loại rau, cây ăn quả và chăm sóc cây cảnh. Nhìn những thửa đất bạt ngàn cà chua, hồ tiêu, cà phê chín mộng cùng bầy heo hàng chục con của ông hôm nay, không ít người dân trong xã ước cả đời cũng không được.
Sau hơn 10 năm bám trụ trang trại, vườn rẫy miệt mài, đến nay ông Hội đã sở hữu gần 3 ha cà phê, gần 800 trụ tiêu đang cho thu hoạch và bầy heo béo múp cùng các vườn cây ăn quả, rau xanh... cho sinh lợi mỗi năm trên 300 triệu đồng.
Cách đây hơn 1 năm, ông Hội còn đầu tư hàng trăm triệu xây một ngôi nhà trên trục đường chính của xã, đầu tư vốn mở đại lí bán phân bón phục vụ cho nhân dân trong xã. Dù còn rất khiêm tốn, nhưng với phép tính của ông thì hiện tổng giá trị tài sản của ông đến vài tỷ đồng.
Từng là người đã nếm đủ tất cả những vị chua chát, đắng cay, sẵn sàng bán mạng cho đời, thì hôm nay, ông Hội càng thấm thía hơn ý nghĩa từ những thành quả lao động do chính đôi bàn tay mình làm nên. Sự sám hối của ông tất cả chưa phải là quá muộn, bởi ông vẫn tin tưởng một tương lai còn tươi sáng hơn nữa, giàu có hơn nữa.
Như lời ông bảo, trước đây, bao tội lỗi ông từng dồn hết lên đầu gia đình, bây giờ ông đang vun vén trả nợ dần, trong đó mừng nhất là toan lo cho 2 người con lớn đang học đại học tại TP.Hồ Chí Minh và người vợ ốm đau còm cõi vì chồng. Việc chí thú làm ăn, vươn lên làm giàu như bài toán để ông trả nợ đời, trả nợ người thân.