“Cũng chưa rõ sẽ ra sao”
Để hỗ trợ người dân thu nhập thấp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mua nhà, ngay sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Thông tư 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Đầu tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1013/2016 về mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 4,8%, có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016, áp dụng cho tất cả các khoản vay trong năm 2016.
“Luật, Nghị định, Thông tư và giờ thì có cả quyết định về lãi suất rồi, nhưng cụ thể sẽ được thực hiện như thế nào thì chưa có ngân hàng nào thông tin cụ thể. Nghe bảo các ngân hàng có quy trình thực hiện rồi, nhưng Nhà nước chưa có tiền cho vay nên chưa thực hiện cụ thể. Không biết như thế nào” – chị Nguyễn Thị Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) băn khoăn.
Mức lãi suất nói trên thậm chí còn thấp hơn mức 5% của gói cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng vừa mới kết thúc. Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay người mua nhà vẫn chưa thể tiến hành vay vốn được do NHCSXH chưa triển khai cho vay.
“Thời hạn của Quyết định chỉ trong năm 2016. Sang năm sau lãi suất có thể cao hơn hoặc thấp hơn, nhưng điều chúng tôi muốn là các ngân hàng công bố quy trình cụ thể để chúng tôi kịp “trở tay”, vì nếu công bố chậm, cộng thêm thời gian gửi tiết kiệm 1 năm như quy định, lại còn mức vay thấp hơn kỳ vọng do đánh giá năng lực trả nợ của ngân hàng cho vay... có thể khiến giấc mơ nhà của chúng tôi khó thành hiện thực” – anh Nguyễn Minh Khánh (Gia Lâm, Hà Nội) nói.
Tìm cách “gỡ” dần
Nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà quản lý, các chuyện gia về vấn đề bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội – đang là vướng mắc lớn nhất hiện nay khiến chương trình nhà ở xã hội chưa triển khai được.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng đã có kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất, thực hiện sớm chính sách nhà ở xã hội. Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội bằng mức 4,8%/năm như ở NHCSXH, áp dụng trong năm 2016 tại các tổ chức tín dụng đã được chỉ định tham gia chương trình nhà ở xã hội để thực hiện thống nhất.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước cho tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn với lãi suất tái cấp vốn ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hỗ trợ các ngân hàng thương mại tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương diễn ra chiều ngày 1/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà bày tỏ, việc triển khai tiếp chính sách hỗ trợ gói nhà ở xã hội cũng là để đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của người dân, nhất là sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp và hiệp hội bất động sản kiến nghị về vấn đề này.
"Chúng tôi cho rằng việc phát triển nhà ở xã hội có lợi ích tốt trong tình hình khó khăn, vừa huy động nguồn vốn lớn vào sản xuất kinh doanh và tạo thêm việc làm cho xã hội. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo dứt điểm việc này" - Bộ trưởng Bộ Xây dựng một lần nữa đề nghị. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở, đặc biệt là đất xung quanh khu công nghiệp, có đủ nhà ở cho công nhân, có chỉ đạo và cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp và thành phần kinh tế khác tham gia nhà ở xã hội ở địa phương.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính lưu ý, đối với chủ trương làm nhà ở xã hội, nhà ở chính sách cho người có công và cho khu dân cư tránh lũ miền Trung, cần huy động nhiều nguồn lực chứ không phải chỉ trung ương. Địa phương cũng phải quan tâm không để công nhân đi làm mà không có nhà, không có nhà trẻ, không có chỗ sinh hoạt...