Đại dịch COVID-19 sẽ như thế nào trong tương lai?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Virus SARS-CoV-2 đang khiến cả thế giới “chao đảo” khi liên tiếp xuất hiện những biến chủng mới. Vậy trong tương lai, loại virus này sẽ “tiến hóa” ra sao? Và liệu con người chúng ta có vượt qua được đại dịch COVID-19 trên toàn cầu?
Ảnh minh họa. Nguồn: imperial.ac.uk
Ảnh minh họa. Nguồn: imperial.ac.uk

Nhiều năm trước, virus SARS-CoV-1 gây ra đại dịch SARS đã hoàn toàn biến mất sau một thời gian phát triển, lây lan. Đây cũng là điều nhiều nhà khoa học kỳ vọng với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, thực tế rất khó khăn. Đến nay, hầu hết các nước chưa có dự báo mang tính dài hạn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ cảnh báo COVID-19 không thể kết thúc trong năm 2022 mà hy vọng đến năm 2023 sẽ trở thành bệnh đặc hữu.

Theo ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: “Có rất nhiều điều không chắc chắn về sự tiến hóa của dịch bệnh này, và chúng tôi cũng đang cấn đối về một số viễn cảnh khác nhau kể cả khi dịch bệnh này trở thành một căn bệnh phổ biến thì cũng không có nghĩa virus này đã không còn nguy hại hay ít tàn phá mà là chúng ta cần kiểm soát loại virus này với sự hiểu biết và năng lực của chúng ta”.

TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet

TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet

Nhiều chuyên gia cho biết, có những cơ sở để cho rằng trong tương lai COVID-19 sẽ thành một bệnh giống như cúm mùa. Đó là bởi những thành quả từ việc tìm ra vaccine phòng bệnh nhanh nhất. Và sự hiểu biết của con người về dịch bệnh này cũng ngày càng rõ rệt hơn. Thực tế, hiện một số quốc gia tình dịch dịch đã giảm đáng kể dù không áp dụng các biện pháp giãn cách.

Chia sẻ về vấn đề này bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, TP Hà Nội nói: “Chúng ta đã nhanh chóng giải mã được bộ gene của virus SARS-CoV-2 trong một thời gian ngắn, nhanh chóng tìm ra những biến thể, ví dụ như biến thể Alpha, biến thể Delta. Chúng ta nhanh chóng tìm ra những phác đồ điều trị, rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác để đến bây giờ chúng ta đã có rất nhiều những kiến thức và hiểu biết để “đối phó” với SARS-CoV-2”.

Đồng thời, cũng theo bác sĩ Phúc, hiện tại, vaccine đã phủ được số lượng lớn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã giảm được tỷ lệ số người mắc bệnh nặng, giảm được số ca tử vong. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Yếu tố nào giúp chúng ta vượt qua đại dịch?

Thời gian qua, virus SARS-CoV-2 biến đổi liên tục, khiến cả thế giới e ngại. Tuy nhiên, điều này cũng gây bất lợi cho chính virus. Khi phủ vaccine trên 90% thì COVID-19 sẽ trở thành bệnh thông thường. Khi đó, người có triệu chứng cần cho dùng thuốc kháng virus sớm, ai trở nặng thì tập trung điều trị.

Lý giải về vấn đề trên, bác sĩ Phúc nói: “Bản thân virus SARS-CoV-2 luôn biến đổi với tốc độ lây nhiễm cực kỳ nhanh, thì đây lại là điều bất lợi với chính virus. Bởi vì khi virus lây nhiễm nhanh như vậy, đột biến rất nhiều, sẽ có nhiều đột biến bất lợi dẫn đến virus tự hủy hoại bản thân mình và tự tác động vào bản thân để nó không gây được sự lây nhiễm nhiều. Đây là yếu tố có thể giúp chúng ta vượt qua được đại dịch”.

Các chuyên gia cũng đánh giá, khi dịch COVID-19 thành một bệnh đặc hữu thì có thể người dân sẽ thường xuyên phải tiêm vaccine để bảo đảm an toàn.

Theo khuyến cáo, hiện tại người dân nâng cao ý thức và tuân thủ quy tắc phòng chống dịch. Trong trạng thái bình thường mới, mọi người có thể đi lại, sinh hoạt nhưng phải đảm bảo nguyên tắc 5K.

Các cơ quan, tổ chức, nhà máy, xí nghiệp... triển khai phương án phòng chống dịch nhằm đảm bảo an toàn, không để dịch bùng phát. Những người vì lý do sức khỏe chưa được tiêm vaccine hoặc những người tuổi cao, có bệnh nền... nên hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, đặc biệt là những nơi đông người.

Đọc thêm