Vừa là anh em ruột thịt, vừa là láng giềng của nhau, thế nhưng họ đã không đối xử tốt với nhau như anh em, cũng không thân thiện như láng giềng thường tình.
Vụ án người anh vợ sát hại em rể chỉ vì cái bếp lò xảy ra tại hẻm 3019, đường Phạm Thế Hiển, Phường 7, Quận 8, TP HCM một ngày giữa tháng 4/2012 vừa qua là lời cảnh báo quặn lòng cho những người sống không biết nhường nhịn và đố kị. Một phút không kìm chế khiến cả gia đình mấy chục con người tan nát.
“Nồi da xáo thịt”
Có thể gọi con hẻm nhỏ này là một đại gia đình vì nơi đây có đến 5 anh em ruột thịt chung sống. Nguyên do trước đây bà mẹ của những người này kinh tế vốn khá giả, có nhiều con nên bà mẹ đã lo xa, mua một mảnh đất vài trăm mét vuông với dự tính tốt đẹp: Khi mỗi đứa con lập gia đình thì bà sẽ cắt ra cho mỗi đứa một miếng đất để vừa làm của hồi môn, vừa để cả gia đình sum vầy ấm cúng.
Mục đích thứ nhất thì bà đã làm được, nhưng mục đích thứ hai thì có lẽ đã “phá sản” sau buổi trưa oan nghiệt 13/4/2012.
Khoảng 14h hôm đó, bà lão 71 tuổi đi từ nhà riêng đến thăm các con các cháu tại địa chỉ nêu trên. Khi đi vào hẻm, ngang qua nhà con rể là Nguyễn Văn Tùng (SN 1970), bà thấy con rể và người con trai lớn của bà cùng một vài “chiến hữu” đang nhậu thịt thỏ nướng. Thấy con rể đặt chiếc bếp lò ngay giữa lối đi chung, bà nhắc nhở: “Con đốt bếp thế nguy hiểm”.
Anh Tùng vui vẻ nói với mẹ vợ: “Con nướng chút không sao đâu má”. Nhắc nhở con rể và con trai lớn không được, bà lão không hài lòng liền đi vào nhà con trai thứ 5 là Nguyễn Đình Kiệt (SN 1968) ở cuối hẻm và phàn nàn chuyện sinh hoạt thiếu ý thức. Kiệt khi đó nói với mẹ: "Không nên dây dưa với tụi nó làm gì, tụi nó cùng hùa với nhau không nghe ai khuyên bảo đâu má". Bà mẹ cũng nguôi giận, ngồi chơi với con trai một chút rồi về.
Lúc về thấy nhà con rể vẫn nhậu ồn ào, bếp lò vẫn để ở ngoài hẻm đun nước khói phun mù mịt, bà lão nhắc nhở một lần nữa: “Dẹp cái bếp đi không anh em lại cự cãi nhau”. Anh con rể vẫn tỏ ra cố tình “hồn nhiên”: “Anh em ai đâu chấp nhặt chuyện cái bếp lò”.
Thấy con rể không nghe lời mình, bà lão khuyên bảo “cái bếp lò để đây khói, nóng, đi lại lại nguy hiểm; chẳng ai hài lòng đâu con ạ”. Lời của mẹ vợ vốn rất có lý, đáng ra con rể nên thấy sai sót mà sửa chữa. Nhưng người con rể hỗn hào nổi nóng, “mạnh miệng” tuyên bố: “Để con mà điên lên con đâm nó nhát”.
Người anh vợ ở trong nhà nghe thấy thế liền thủ dao trong túi quần sang nhà em rể “hỗn xược” nói chuyện “phải quấy”. Vừa nhìn thấy ông anh vợ, người em rể thách thức: “Có ngày tao sẽ đâm mày”. Kiệt xông vào định đánh Tùng thì bị em rể lấy ngay cây tre dài hơn 1m dùng để xiên thỏ nướng trước đó đập lại.
Đau lòng hơn, người anh ruột Kiệt và đứa cháu trai 30 tuổi thấy thế cũng đứng về phía anh con rể “tham chiến”: Người anh chụp ngay ấm nước nóng để trên bếp lò hất về em trai, đứa cháu cũng lao vào đấm đá chú là “kẻ phá đám bữa nhậu”, em rể thì lấy cây tre dồn anh vợ vào tường.
Bị anh ruột, em rể, cháu đánh “hội đồng”, Kiệt móc con dao trong túi đâm một nhát trúng ngực Tùng. Thấy em rể gục xuống, Kiệt bỏ dao về nhà. Ngay sau đó nạn nhân được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng tắt thở trên đường đi.
Đại gia đình tan nát
Hiện trường vụ án là con hẻm cụt rất nhỏ, rộng chừng 1m khiến một chiếc xe sẽ rất khó khăn nếu muốn quay đầu. Khách đến thăm phải để xe ở ngoài rồi mới đi bộ vào được. Hẻm vốn nhỏ, nhà hai bên lại tranh thủ đua ra một chút ban công khiến đứng từ giữa hẻm nhìn lên, “bầu trời” như chỉ rộng một gang tay.
Việc anh ruột thịt sống cạnh nhau nếu hòa hợp và biết nhường nhịn thì cuộc sống sẽ rất đầm ấm khi mọi người hỗ trợ lẫn nhau trong kinh tế, công việc, an ủi động viên nhau những lúc khó khăn, cùng nuôi dạy con cái… Đây vốn là một mô hình “liên gia” ruột thịt khá khổ biến và có hiệu quả ở đất Sài Thành. Song ngược lại, nếu không hòa hợp thì đây là một khó khăn lớn.
Câu chuyện anh vợ Kiệt – em rể Tùng bắt đầu từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt như vậy. Cái hẻm chung vốn nhỏ xíu, lại thiếu sáng nên đòi hỏi mọi người phải ý thức, chỉ một cái ghế đặt ra trước hẻm cũng gây khó khăn đi lại. Nhà anh cả ở đầu hẻm, rồi đến nhà em rể, cuối cùng là nhà anh Kiệt. Con hẻm chật chội nhưng nhà người em rể lại hay tận dụng đun bếp than. Hẻm cụt, nhỏ, bí bách; hơi than, hơi nóng khiến những người xung quanh khó chịu.
Đặc biệt việc chạy xe máy qua rất nguy hiểm do có thể va vào bếp. Dù ông anh vợ đã nhắc nhở nhiều lần nhưng cậu em rể vẫn bỏ ngoài tai khiến anh Kiệt bực bội. Chỉ riêng chuyện cái bếp than để không đúng chỗ mà hai anh em đã cự cãi qua lại không ít lần. Anh vợ cho rằng thằng em cứng đầu không biết điều, em rể cho rằng ông anh chấp nhặt, tủn mủn, lắm điều.
Thêm nữa, nạn nhân sống ở nhà vợ nên thường mang mặc cảm tâm lý ở rể. Theo lời các nhân chứng, khi nhậu xỉn thì anh hay nói “ác miệng”, thỉnh thoảng lại “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với vợ. Nếu ở xa nhau thì chuyện “bát đĩa xô” cũng là chuyện thường tình. Song ở sát vách nhà nhau, mỗi lần thấy em rể đánh em gái dĩ nhiên ông anh xót em mà bực bội khó chịu đâm ghét "thằng em rể “vũ phu”.
Mỗi người “ôm” một nỗi căm tức với người kia như ngọn lửa âm ỉ chỉ chờ gió là bùng lên dữ dội và không thể dập tắt.
Theo đánh giá của mọi người, sự việc xô xát ngày hôm đó chỉ là “giọt nước tràn ly”. Ông anh vợ bực mình thằng em rể không biết điều để bếp than ở giữa lối đi khi bị nhắc nhở còn thách thức “có ngày tôi đâm ông”, khi cự cãi đã hỗn hào lấy cây tre đánh anh trước. Trong một phút mất tự chủ, nhát dao oan nghiệt vung lên tước đi mạng sống của em rể, còn khiến một người rơi vào vòng lao lý, cướp mất sự bình an của cả đại gia đình trong hẻm nhỏ. Những đứa trẻ vừa mang tang cha, vừa thăm tù bác. Những đứa trẻ khác vừa thăm tù cha, vừa mang tang dượng.
Người đau khổ không kém bà mẹ trong vụ án mạng này là người vợ của nạn nhân, người chứng kiến anh trai đâm chết chồng mình. Chị chia sẻ: “Chồng tôi nay đã mất, anh trai mắc tội giết người mà vào tù. Tôi một mình gánh chịu hai nỗi đau lớn của đời người, thật mất mát không có gì bằng”.
Giang Hà