“Đại Hổ” tham nhũng – Từ 'con nuôi' đến 'Sơn Tây bang'

(PLO) - Lệnh Kế Hoạch không phải do Hồ Cẩm Đào đề bạt, vậy rốt cục ai đã nâng đỡ ông ta trên quan lộ? Nhiều báo chí đưa tin, ông Lệnh Hồ Dã, cha của Lệnh Kế Hoạch thời kỳ Diên An là cộng sự nhiều năm của cố chủ tịch Đảng Uông Đông Hưng, là Cục trưởng Y dược đầu tiên của Biên khu Tấn Sát Ký. 
Phùng Trác - một người tình của Lệnh Kế Hoạch ở CCTV
Phùng Trác - một người tình của Lệnh Kế Hoạch ở CCTV

“Con nuôi” Bạc Nhất Ba

Lệnh Hồ Dã có quan hệ thân thiết với ông Bạc Nhất Ba, cha đẻ Bạc Hy Lai, ông Bạc Nhất Ba coi Lệnh Kế Hoạch là con nuôi. Năm 1979, vừa được phục chức 1 năm, Bạc Nhất Ba đã điều Lệnh Kế Hoạch về TW Đoàn. Mọi việc thăng tiến của Lệnh sau đó đều do một tay “Bạc nguyên lão” sắp xếp, Lệnh trở thành quân bài của Bạc gia.

Đại tá về hưu Tân Tử Lăng, một cây bút nổi tiếng cho rằng: Vụ án Lệnh Kế Hoạch chỉ là sự kéo dài của vụ án Bạc Hy Lai. Hai gia tộc Bạc – Lệnh có lịch sử gắn bó rất chặt với nhau.

Năm 2007, Lệnh Kế Hoạch được trở thành Chủ nhiệm VPTW, đại nội tổng quản của Hồ Cẩm Đào là do hai bối cảnh: là cán bộ Đoàn và Bạc Nhất Ba tiến cử; Hồ Cẩm Đào chấp nhận và Giang Trạch Dân cũng thông qua.

Giang Trạch Dân chịu ơn lớn bảo vệ cha từ Bạc Nhất Ba nên ra sức nâng đỡ Bạc Hy Lai để báo đáp. Lệnh Kế Hoạch trở thành người “hai chân đứng trên hai con thuyền”. Khi mâu thuẫn giữa Hồ Cẩm Đào với Giang Trạch Dân trở nên gay gắt, thực tế Lệnh Kế Hoạch đã trở thành “nội gián” của Giang bên cạnh Hồ.

Đồng đảng sinh tử

Mỗi lần tới Bắc Kinh, Bạc Hy Lai đều gặp gỡ, nói chuyện mấy giờ với Hồ Cẩm Đào qua sự sắp đặt của Lệnh Kế Hoạch. Vụ 6 Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị tới Trùng Khánh tìm hiểu về mô hình “Hát ca khúc đỏ, loại bỏ xã hội đen” cũng do Lệnh Kế Hoạch một tay sắp xếp.

Báo chí cũng vạch rõ, khi trước Trần Lương Vũ bị ngã ngựa bởi vụ “Bảo hiểm xã hội Thượng Hải” cũng do Lệnh Kế Hoạch và Bạc Hy Lai (Phó Văn phòng TW và Bộ trưởng Thương mại khi đó) hoạch định và thực thi.

Sau vụ này, cả hai thăng tiến rất thuận lợi: Bạc Hy Lai vào Bộ Chính trị tại Đại hội 17, Lệnh Kế Hoạch lên Chủ nhiệm VPTW trong khi trước đó Trần Lương Vũ từng được coi là ứng viên cho chức Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Tuy Trần Lương Vũ cũng là người của Giang Trạch Dân nhưng để đạt mục đích thì Bạc Hy Lai bất chấp thủ đoạn.

Ngày 22/12/2014, Lệnh Kế Hoạch bị tuyên bố điều tra, báo điện tử “Tài Tân” lập tức đưa tin: “sau vụ tai nạn xe Ferrari, để che đậy nguyên nhân thật về cái chết của con, Lệnh Kế Hoạch đã đạt được giao kèo chính trị với người phụ trách hệ thống Chính Pháp khi đó; nhưng giao kèo đó nhanh chóng bị bại lộ, con đường chính trị của Lệnh xuất hiện bước ngoặt”; nhưng họ không nói rõ giao kèo chính trị đó là gì.

Lệnh Kế Hoạch và ông Hồ Cẩm Đào
 Lệnh Kế Hoạch và ông Hồ Cẩm Đào

Tuy nhiên sau này tác giả Viên Hồng Băng viết về “giao kèo” đó: Sau khi xảy ra vụ tai nạn, Chu Vĩnh Khang hẹn gặp Lệnh Kế Hoạch bí mật. Trước hết, Chu đưa cho Lệnh xem một hồ sơ bí mật.

Trong hồ sơ đó, các vụ việc gia tộc họ Lệnh ỷ quyền thế lũng đoạn các mỏ than Sơn Tây, lạm quyền tham lam, vơ vét nhờ mua quan bán chức, mở sòng bạc phất lên…với đủ tội ác xấu xa, không điều gì không dám làm…tất cả đều được ghi chép đầy đủ.

Lệnh Kế Hoạch xem xong, toát mồ hôi hột, không tin vào mắt mình. Thế là hai người đạt được giao kèo: Chu Vĩnh Khang  giúp Lệnh Kế Hoạch vào Ban thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 18 sắp họp; Lệnh Kế Hoạch giúp Chu Vĩnh Khang chặt đứt mọi dây dưa với vụ án Bạc Hy Lai, hạ cánh an toàn.

“Tây Sơn hội” thần bí

“Tây Sơn hội” do Lệnh Kế Hoạch lập ra năm 2007, tập hợp các ủy viên trung ương kể cả chính thức và dự khuyết quê tỉnh Sơn Tây. Ngoài các quan chức, còn có cá biệt mấy thương gia đồng hương được đặc cách cho phép gia nhập.

Địa điểm hội họp của “Tây Sơn hội” ở Tây Giao, Bắc Kinh, duy trì lịch không quá 3 tháng họp mặt một lần. Khi họp có siêu xe đón rước, không được phép mang điện thoại, không được dẫn theo thư ký hoặc tình nhân đến. Trước khi diễn ra Đại hội 18, Lệnh Kế Hoạch triệu tập 3 cuộc họp để “kiếm phiếu bầu”, mở rộng phạm vi đến những người không phải quê Sơn Tây.

Động thái bất thường vi phạm cách làm truyền thống đó đã gây nên sự cố nghiêm trọng về tổ chức nhân sự; những người dự họp đều phải trả giá rất đắt.

Cái giá đó bắt nguồn từ việc Lệnh Kế Hoạch bị điều tra. Ngày 7/5, dưới sự tham mưu của Lệnh Kế Hoạch, tất cả các ủy viên trung ương được triệu về Bắc Kinh để họp kín lựa chọn nhân sự cho Ban thường vụ Bộ Chính trị khóa 18.

Kết quả bỏ phiếu thăm dò cho thấy: số phiếu giới thiệu Lệnh Kế Hoạch cao thứ 3. Nhưng cuộc bỏ phiếu đó không theo đúng trình tự đã xin tư vấn các lãnh đạo lão thành đã nghỉ hưu và đã báo cáo 9 Ủy viên thường vụ đương chức, khiến một số lãnh đạo cao cấp phẫn nộ và hoài nghi.

Sau khi có người tố giác vụ tai nạn xe Ferrari, cuộc bỏ phiếu này đã trở thành bó rơm cuối thiêu cháy Lệnh Kế Hoạch. Sau đây là kết cục, cái giá đắt mà các thành viên “Tây Sơn hội” phải trả: Lệnh Kế Hoạch bị điều tra ngày 22/12/2014.

Lệnh Chính Sách, anh trai Lệnh Kế Hoạch, sinh 1952, Phó Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Sơn Tây, bị điều tra tháng 6/2014.

Trần Xuyên Bình; sinh 1962, Phó tỉnh trưởng Sơn Tây, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Bí thư thành ủy Thái Nguyên, bị điều tra tháng 8/2014.

Thân Duy Thần, sinh 1956, Ủy viên Ủy ban kiểm tra kỷ luật TW, Bí thư đảng ủy, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội khoa học kỹ thuật Trung Quốc, bị khai trừ đảng tháng 12/2014.

Lưu Thiết Nam, sinh 1954, Phó Chủ nhiệm Ủy ban cải cách phát triển quốc gia kiêm Cục trưởng Năng lượng quốc gia, bị kết án tù chung thân ngày 10/12/2014 vì tội nhận hối lộ.

Kim Đạo Minh, sinh 1953, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Sơn Tây, bị điều tra; Đỗ Thiện Học, sinh 1956, nguyên Ủy viên thường vụ, Phó tỉnh trưởng Sơn Tây, bị điều tra; Đinh Thư Miêu, sinh 1954, nguyên Ủy viên Chính Hiệp tỉnh Sơn Tây, Hội phó Hiệp hội Xóa đói giảm nghèo Trung Quốc, ngày 16/12/2014 bị phạt tù 20 năm, tịch thu gia sản 20 triệu, phạt 2,5 tỷ NDT về tội đưa hối lộ và kinh doanh trái phép.

Ngoài “Tây Sơn Hội”, Lệnh Kế Hoạch còn câu kết với Cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, cựu Phó chủ tịch Quân ủy Từ Tài Hậu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai lập ra một “trung tâm quyền lực” được báo chí gọi là  “Bè lũ 4 tên mới”, trong đó Lệnh là một mắt xích quan trọng.

Tuy nhiên trong chiến dịch “đả Hổ” được ông Tập Cận Bình phát động sau Đại hội 18, “Bè lũ 4 tên mới” này đã tan vỡ triệt để. Ngoài Từ Tài Hậu đã chết vì ung thư trong thời gian đang bị điều tra, cả 3 người còn lại đều nhận án tù chung thân, phải sống nốt quãng đời còn lại trong nhà giam.

Những thành viên chính của Gia tộc tham nhũng (từ trái qua, trên xuống dưới) Lệnh Kế Hoạch, Lệnh Chính Sách, Lệnh Hoàn Thành, Cốc Lệ Bình, Cốc Nguyên Húc, Vương Kiện Khang.
Những thành viên chính của Gia tộc tham nhũng (từ trái qua, trên xuống dưới) Lệnh Kế Hoạch, Lệnh Chính Sách, Lệnh Hoàn Thành, Cốc Lệ Bình, Cốc Nguyên Húc, Vương Kiện Khang.
Bang chủ “Sơn Tây bang”

“Tây Sơn hội” có quan hệ mật thiết với “Sơn Tây bang”. Ngày 3/1/2015, Tân Hoa xã lần đầu tiên đề cập đến bang này khi viết: Đằng sau một số “Hổ lớn” bị quật ngã những năm gần đây thấy có các bang phái, bè nhóm tồn tại như “Bang dầu khí”, “Bang Sơn Tây”.

Sự sụp đổ của “Bang Sơn Tây” bắt đầu năm 2014 và đạt cao trào khi bang chủ Lệnh Kế Hoạch bị ngã ngựa. Báo chí từng coi Sơn Tây là một trong số các “chiến trường chính chống tham nhũng sau Đại hội 18”.

Tờ “Tuần san Tin tức Trung Quốc” căn cứ số liệu đã công bố thống kê thấy: Sau Đại hội 18 có cả thảy 26 cán bộ cấp phó Sở trở lên của Sơn Tây bị điều tra, trong đó có 4 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh – bộ; 11 thành phố, địa khu đều có quan chức ngã ngựa; tất cả 4 cơ quan tỉnh ủy, ủy ban, HĐND, Chính Hiệp đều có lãnh đạo bị ngã ngựa. Điều đáng chú ý là các quan to của Sơn Tây bị quật ngã đều có quan hệ với gia tộc Lệnh Kế Hoạch.../.

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 69, ngày 5/9/2016)

Đọc thêm